Chính sách cởi mở và tiềm năng về giá bán đã giúp BĐS Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại |
Cuộc đổ bộ của các nhà đầu tư nhỏ, lẻ
Đánh giá cao về tiềm năng và cơ hội phát triển của thị trường BĐS Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đến từ đảo quốc sư tử đang mạnh dạn đổ vốn để sở hữu BĐS tại các thành phố lớn như TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội...
Ông Hong Meng Kai, một doanh nhân đến từ Sigapore, chia sẻ ông vừa hoàn tất thỏa thuận giao dịch mua lại căn hộ thuộc dự án hạng sang trên đường Ký Con, quận 1, TP.HCM với giá gần 10 tỉ. Giá căn hộ cao cấp tại khu trung tâm tài chính của TP.HCM hiện dao động từ 4.000-7.000 USD/m2.
Nếu so sánh với các thị trường cùng khu vực như Philippines, Singapore, Jakarta, Kuala Lumpur, giá nhà tại Việt Nam hiện còn khá rẻ. Trong khi đó, tốc độ phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài tại các thành phố trung tâm của Việt Nam không hề kém cạnh các thị trường khác cùng khu vực.
Ông Hong Meng Kai khá tự tin về sự gia tăng nhu cầu sở hữu BĐS Việt Nam của khối ngoại trong thời gian tới. Hiện ông và một số đồng hương khác đang hứng thú với việc tìm kiếm một dự án tốt để đầu tư tại Việt Nam.
Gần đây, tại các buổi giới thiệu, mở bán dự án cao cấp thuộc khu quận 1, quận 2 và quận 4, xuất hiện ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến từ Singapore. Nhu cầu mua của giới đầu tư Singapore thiên về những dự án thuộc phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang có giá từ 40 -100 triệu/m2, nằm trên các tuyến phố tài chính lớn như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Công Trứ, Phó Đức Chính, Hồ Tùng Mậu, Hàm Nghi, Võ Văn Kiệt (quận 1), Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Thảo Điền (quận 2).
Một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư nước này đẩy mạnh việc sở hữu các dự án nhà ở tại Việt Nam là do sự bão hòa của thị trường trong nước. Micheal Kou, một nhà đầu tư đến từ Singapore, cho biết ông đang nhắm đến thị trường căn hộ và nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Theo ông, giá nhà tại Việt Nam hiện còn khá rẻ, tiềm năng khai thác lại nhiều và các chính sách sở hữu cũng ngày càng thoáng hơn.
Trong khi đó, Chính phủ Singapore siết chặt việc sở hữu BĐS bằng việc áp mức thuế cao cụ thể là 7% giá trị giao dịch cho BĐS thứ hai sở hữu và 10% kể từ BĐS thứ ba. Ngoài ra, giá BĐS ở Singapore luôn ở mức cao nhất nhì khu vực. Cùng một nguồn tài chính để mua một căn biệt thự tại Singapore, nhà đầu tư có thể sở hữu 2-3 BĐS ở Việt Nam.
Bàn về dòng chảy của nguồn vốn đầu tư từ Singapore vào thị trường Việt Nam, ông Leong Boon Hoe - giám đốc điều hành CBRE Singapore - nhìn nhận việc sở hữu BĐS tại Việt Nam đang là xu hướng của giới đầu tư và người dân tại quốc đảo sư tử. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là một trong những nước cởi mở nhất thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS.
Ngoài ra, những chính sách thay đổi được thực thi vào tháng 7-2015 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam. Hiện giá phân khúc căn hộ cao cấp tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Singapore. Mua BĐS Việt Nam có nhiều ưu đãi về giá và tiềm năng sinh lợi nhanh khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư Singapore tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản Việt Nam.
Doanh nghiệp tăng cường các hoạt động M&A
Không chỉ nhà đầu tư nhỏ, lẻ Singapore đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào BĐS Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp cũng đang hướng nguồn vốn vào thị trường này. Trong năm 2016, Tập đoàn CapitaLand đã liên tục ký các thỏa thuận góp vốn với đối tác Việt Nam là Tập đoàn Novaland nhằm phát triển nhiều dự án nhà ở tại khu Đông thành phố. Dự án hợp tác mới nhất có vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD.
Trước đó, doanh nghiệp này đã chi gần 52 triệu USD để thâu tóm toàn bộ dự án đất vàng có diện tích 0,5ha ngay tại quận 1. Như vậy theo ước tính, đến nay tổng vốn đầu tư của CapitaLand đổ vào Việt Nam đã tăng từ mức 400 triệu đôla Singapore lên xấp xỉ 2 tỉ đôla Singapore.
Một tập đoàn khác của Singapore là Keppel Land Limited cũng vừa liên doanh với Công ty Đầu tư địa ốc Hưng Phú để phát triển thêm dự án biệt thự tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư là 63 triệu USD. Trước đó Keppel Land cũng đổ vốn đầu tư 115 triệu USD liên doanh cùng Công ty TNHH Tiến Phước phát triển dự án Filez the Vista có quy mô 13,5ha tại khu vực quận 2.
Bên cạnh hai ông lớn đã quen tên trong lĩnh vực BĐS nhà ở trên, nhiều doanh nghiệp lớn của Singapore cũng đang đẩy mạnh nguồn vốn vào các phân khúc BĐS thương mại khác. Cụ thể như Tập đoàn Lion City đã đầu tư khoảng 1,85 tỉ USD, chiếm 16% trong tổng vốn FDI vào Việt Nam, trong đó có một phần không nhỏ là để phát triển hàng loạt dự án BĐS thương mại, dịch vụ tại các thành phố lớn trên cả nước.
Tập đoàn Mapletree hiện đang đổ vào Việt Nam hơn 1 tỉ USD, trong đó đầu tư hơn 400 triệu USD là để phát triển dự án Kumho Asian Plaza. Theo ước tính từ bộ phận nghiên cứu thị trường của JLL, các chủ đầu tư Singapore đã đầu tư 1,2 tỉ USD vào các dự án bất động sản tại TP.HCM trong hai năm qua, chủ yếu tập trung vào phát triển loại hình nhà ở.
Số liệu từ Sở Kế hoạch & đầu tư TP.HCM thì trong chín tháng đầu năm, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11 tỉ USD. Singapore là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam, chỉ đứng sau Hàn Quốc.
Việc chính phủ loại bỏ giới hạn 49% sở hữu đối với người nước ngoài trong nhiều công ty niêm yết nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư và cung cấp một cơ hội tốt cho các nhà phát triển nước ngoài nắm giữ phần lớn cổ phần trong dự án nhà ở liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Điều này thể hiện rõ qua các động thái ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp Singapore với nhiều chủ đầu tư uy tín tại Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Quang - tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - nhận định tiến trình hội nhập quốc tế sẽ làm tăng lượng khách nước ngoài, góp phần tăng nhu cầu của thị trường. Khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà đầu tư trong nước, thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước phải nỗ lực vươn lên, nâng cao chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp.
Khi hội nhập quốc tế phát triển, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ có cơ hội tăng lên. Điều này góp phần tích cực trong việc hỗ trợ phát triển thị trường Việt Nam, giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận