Việc khối ngoại mua ròng đã góp phần giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán trong nước - Ảnh: B.MAI
Giới đầu tư chứng khoán Việt Nam vừa chứng kiến một tuần giao dịch giằng co, áp lực chốt lời ngắn hạn cộng với thông tin mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng khiến chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm trong ba phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, sau đó chỉ số này đã nhanh chóng lấy lại phong độ và phục hồi trong hai phiên giao dịch cuối tuần khi xuất hiện các tin tích cực hơn, tạm thời bám trụ ở sắc xanh mốc 971,46 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán VNDirect - lý giải tâm lý nhà đầu tư chứng khoán được cải thiện do một loạt thông tin hỗ trợ.
Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) công bố biên bản cuộc họp tháng 11, phát đi tín hiệu sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất điều hành. Vietcombank cũng thông báo kế hoạch giảm lãi suất cho vay. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu.
Bên cạnh đó, Chính phủ mới thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản, xem xét nới "room" tín dụng phù hợp, xem xét sửa đổi nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu cần thiết.
Đáng chú ý, diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng mang đến nhiều hy vọng cho nhà đầu tư trong nước. Riêng tuần qua tổng giá trị mua ròng của khối ngoại đạt hơn 1.800 tỉ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng từ đầu tháng 11 đến nay lên xấp xỉ 10.000 tỉ đồng.
Lực cầu của thị trường cũng đang được hỗ trợ khi các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) liên tục hút vốn. Được biết, Ủy ban Giám sát tài chính của Đài Loan đã chấp thuận đề nghị tăng vốn bổ sung khoảng 3.330 tỉ đồng từ quỹ Fubon ETF, góp phần tăng sức mua của quỹ tại thị trường chứng khoán Việt.
Song song đó, gần đây quỹ ngoại Dragon Capital cũng mua ròng hàng loạt cổ phiếu như KDH (Nhà Khang Điền), HDG (Tập đoàn Hà Đô), DGC (Hóa chất Đức Giang), VHC (Thủy sản Vĩnh Hoàn), DPM (Đạm Phú Mỹ), DCM (Đạm Cà Mau), PVD (PV Drilling), FRT (Bán lẻ kỹ thuật số FPT)...
Theo dữ liệu thống kê, trong vòng một tuần nay khối ngoại mua ròng các ngành thực phẩm và đồ uống, ngân hàng, dịch vụ tài chính, dầu khí, điện - nước - xăng dầu - khí đốt, hàng và dịch vụ công nghiệp, tài nguyên cơ bản... Ngược lại, nhóm này bán ròng mạnh ở hai ngành bất động sản và hóa chất.
Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam phải trải qua hàng loạt biến động, tuy nhiên ông Michael Kokalari - chuyên gia kinh tế trưởng của quỹ đầu tư VinaCapital - vẫn chỉ ra nhiều điểm sáng để nhà đầu tư có góc nhìn dài hạn bám vào.
Theo chuyên gia của quỹ đầu tư, các lo lắng về khả năng của các công ty Việt Nam tiếp cận tín dụng đã ảnh hưởng xấu lên chỉ số VN-Index, nhưng quỹ tin rằng vấn đề “thắt chặt tín dụng” của Việt Nam chủ yếu nằm ở lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó nhu cầu đối với nhà ở mới tại Việt Nam vẫn rất mạnh và giá vẫn phải chăng. Vì vậy giá cổ phiếu bất động sản có lẽ sẽ phục hồi khi và chỉ khi Chính phủ có các hành động nới lỏng các điều kiện tín dụng bất động sản.
Trừ các doanh nghiệp bất động sản, theo khảo sát của VinaCapital, các công ty lớn và uy tín ở các lĩnh vực khác không gặp khó khăn trong việc đảo nợ.
Bên cạnh đó, GDP của Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng 8% vào năm nay và gần 6% vào năm 2023, trong khi lợi nhuận các doanh nghiệp đang trên đà tăng trưởng với dự báo khoảng 17% trong năm nay và năm 2023.
Chính sự kết hợp giữa giá cổ phiếu giảm và lợi nhuận tăng cũng khiến định giá P/E (thị giá trên tỉ suất lợi nhuận cổ phiếu) dự phóng của năm 2023 là 8 lần, tức thấp hơn 40% so với các nước trong khu vực. Điều này cũng góp phần tạo nên sự hứng thú cho các nhà đầu tư dài hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận