Hầu hết nhà đầu tư đặt lệnh và giao dịch chứng khoán online chứ không đến quầy. Trong khi đó, các công ty chứng khoán nhấn mạnh họ sẽ buộc phải dừng cung cấp các dịch vụ giao dịch trực tuyến trên tài khoản giao dịch với các khách hàng chưa cập nhật thông tin để chuẩn hóa dữ liệu theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Hạn chót cận kề, nhà đầu tư không vội
Để kịp hạn chót (deadline) ngày 1-10, các công ty chứng khoán cấp tập liên hệ, hướng dẫn nhà đầu tư cập nhật CCCD gắn chip, triển khai cả hai hình thức hỗ trợ trực tuyến trên ứng dụng và trực tiếp tại quầy. Nhiều công ty như VIX, Rồng Việt, EVS Securities, SHS, HSC... liên tục ra thông báo trên các nền tảng, từ mạng xã hội đến website...
Đại diện Yuanta Việt Nam cho biết tất cả các bộ phận nghiệp vụ đều đang tập trung nguồn lực để kịp "chạy nước rút". Phía Chứng khoán DNSE cũng nói đã triển khai thông báo tới các khách hàng trên các kênh.
Dù vậy, tại nhiều công ty chứng khoán dù đến cận kề "deadline", tỉ lệ khách hàng chưa cập nhật vẫn còn khá lớn. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một công ty chứng khoán tỏ ra "ngần ngại": chỉ hơn 20% khách hàng cập nhật, dù công ty đã đôn đốc tần suất cao.
Một lãnh đạo Chứng khoán DNSE cũng cho hay tính tới ngày 27-9, có chưa tới 10% tài khoản mở tại công ty thực hiện xác thực CCCD.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Trung - giám đốc tư vấn đầu tư của Chứng khoán Thành Công - cho biết đến nay vẫn còn nhiều khách hàng chưa cập nhật với các lý do khác nhau. Có những khách hàng đã liên lạc bằng nhiều cách như nhắn tin, gọi điện... nhưng vẫn chưa cập nhật vì "bận". Cũng có trường hợp không nắm rõ quy định hoặc chưa làm CCCD mới do đi khỏi nơi cư trú.
8 triệu tài khoản sẽ có hao hụt lớn?
Nói với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở Hà Nội lưu ý việc thay đổi thông tin CCCD/CC gắn chip không chỉ thực hiện tại công ty chứng khoán mà cần thông qua Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Do vậy, nếu lượng yêu cầu đổ dồn từ các công ty chứng khoán vào gần hạn cuối, rất có thể thời gian để hoàn tất việc thay đổi thông tin tại VSDC sẽ lâu hơn. Từ câu chuyện của nhiều ngân hàng đợt 1-7 vừa qua quá tải khi áp dụng sinh trắc học, có khả năng sau ngày 1-10, công ty chứng khoán cũng tương tự.
Ông Nguyễn Thành Trung cho biết phương pháp hiệu quả vẫn là môi giới quản lý trực tiếp gọi điện, thông báo, trao đổi với khách hàng.
Song xu hướng công nghệ hóa, hiện đại hóa ngành chứng khoán cùng cuộc đua "zerofee", nhiều công ty duy trì tỉ lệ môi giới rất thấp. Thậm chí có công ty chứng khoán với thị phần lớn trên thị trường hiện nay khẳng định không có nhân viên môi giới, chủ yếu thực hiện qua nền tảng online. Theo nhận định từ ông Trung, ở những công ty như vậy sẽ có khó khăn nhất định.
Một đáng lưu ý khác trong đợt xác thực này, đó là tài khoản "ảo". Theo quy định hiện hành, mỗi khách hàng chỉ được phép mở một tài khoản tại mỗi công ty chứng khoán. Song khách hàng có thể mở được nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán khác nhau. Số lượng tài khoản mở ra nhưng không giao dịch tương đối lớn.
Hồi cuối năm ngoái, thống kê từ VSDC cho thấy gần 900.000 tài khoản bị "xóa sổ", tập trung chủ yếu tại Chứng khoán MB (MBS). Phía MBS lúc đó cho biết họ rà soát danh sách các tài khoản đã mở nhưng không có phát sinh giao dịch.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết - cho biết khách hàng mở nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhau, nhưng đến lúc phải cập nhật lại, họ sẽ chỉ ưu tiên tài khoản hay giao dịch. Chưa có thống kê chính thức, nhưng ước chừng tại công ty ông Ngọc khoảng 20 - 30% khách hàng có thể không cập nhật lại CCCD vì lý do này.
Theo số liệu từ VSDC, tính đến cuối tháng 8 năm nay có hơn 8,64 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Ông Ngọc cho rằng sau xác thực, số lượng tài khoản này có thể sẽ "hao hụt". Việc chuẩn hóa lại thông tin sẽ phần nào dẹp bớt các tài khoản ảo, tài khoản lập ra không sử dụng để giao dịch. Đây cũng là lý do của tình trạng tài khoản mở mới tăng kỷ lục nhưng thanh khoản thị trường vẫn thấp.
Phải giao dịch tại quầy nếu không cập nhật CCCD gắn chip
Theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán về việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nhà đầu tư theo đề án 06/CP, với khách hàng không cập nhật, chuẩn hóa thông tin trước ngày 1-10-2024 sẽ phải chuyển sang giao dịch trực tiếp.
Song ở một số công ty chứng khoán hiện nay thực hiện chủ trương không môi giới, tập trung xây dựng nền tảng giao dịch online. Việc này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại sẽ có khó khăn trong việc giao dịch trực tiếp tại quầy trong trường hợp số lượng chưa thể cập nhật CCCD nhưng vẫn có nhu cầu mua bán lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận