Trạm thu phí tại km 72+930 đường Thái Nguyên - Chợ Mới thu trung bình hơn 74,3 triệu đồng/ ngày, bằng 12,5% so với phương án tài chính - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 (một thành viên trong liên danh nhà đầu tư dự án (Bắc Kạn) và nâng cấp mở rộng quốc lộ 3 đoạn Km75 đến Km100) cho biết dự án này chỉ được thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới khiến doanh thu rất thấp, đối mặt nguy cơ phá sản.
Trong khi đó, theo hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông - Vận tải, nhà đầu tư được thu phí trên cả quốc lộ 3 để hoàn vốn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Cienco 4, tuyến đường được thông từ tháng 3-2017 và được nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5-2017.
Nhà đầu tư đã đàm phán với địa phương về miễn, giảm giá cho các chủ xe trong vùng bị ảnh hưởng của trạm thu phí trên quốc lộ 3.
Nhưng sau hơn 7 tháng từ khi được nghiệm thu đưa vào sử dụng, Bộ GTVT mới đồng ý cho thu phí tại một trạm ở Km72+930 trên tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.
Đồng thời, Bộ GTVT chỉ đạo sau 3 tháng (điều không có trong hợp đồng), trên cơ sở kiểm đếm lưu lượng phương tiện và xác định doanh thu thực tế, nhà đầu tư tính toán lại phương án tài chính, khả năng hoàn vốn của dự án, báo cáo Bộ GTVT phương án giải quyết tổng thể.
Nhưng sau 3 tháng thu phí trên đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Cienco 4 cho biết doanh thu không đủ khả năng hoàn vốn cho dự án.
Vì vậy, tháng 4-2018 nhà đầu tư đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép tổ chức thực hiện thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ trên cả trạm ở quốc lộ 3 để hoàn vốn ngay từ tháng 4-2018 theo phương án giảm giá đã thống nhất với địa phương. Phương án hai là nhà nước trưng mua lại dự án.
Tiếp đó, ngày 8-5, nhà đầu tư tiếp tục có văn bản gửi bộ trưởng Bộ GTVT về đề xuất bổ sung phương án phí và thống nhất giảm giá tiếp để được thực hiện hoàn vốn, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, tránh phá sản dự án.
Nhưng đến nay cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn không có ý kiến phản hồi với nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, trong khi chưa có doanh thu để hoàn vốn cho dự án, Cienco 4 vẫn phải tổ chức các hoạt động khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho bộ máy quản lý, cho người lao động… với chi phí đến nay trên 220 tỉ đồng.
Theo ông Huỳnh thì nhà đầu tư đã phải vay mượn nhiều nguồn kinh phí để trả lãi vay, trả nợ gốc cho ngân hàng trong khi tiền lương của cán bộ công nhân viên thực hiện dự án chưa có.
Lá đơn gửi đến Chủ tịch Quốc Hội kiến nghị cần giải quyết để dự án được hoàn vốn theo đúng hợp đồng nhằm cứu vãn "để dự án không bị phá sản", ảnh hưởng đến cuộc sống của "hơn 8.000 cổ đông và 6.500 cán bộ, nhân viên, người lao động cùng gia đình nhà đầu tư, doanh nghiệp'.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận