Phóng to |
Khu đất 621 Phạm Văn Chí (Q.6) đang được Công ty cổ phần rượu Bình Tây cho một số tổ chức, cá nhân thuê lại - Ảnh: D.N.HÀ |
Bỏ phí nhiều diện tích nhà, đất khổng lồNhà đất công: bao giờ hết lãng phí?
Một trong những điển hình của sự lãng phí này là khu đất gần 115.000m2 tại địa chỉ 621 Phạm Văn Chí (P.7, Q.6) do Công ty cổ phần rượu Bình Tây và Công ty cổ phần bao bì kho bãi Bình Tây (viết tắt là Công ty bao bì Bình Tây, thuộc Công ty cổ phần rượu Bình Tây) thuê. Theo hợp đồng thuê cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê được các cơ quan chức năng cấp, cả hai trường hợp này đều hết hạn sử dụng từ cuối năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa chịu trả lại cho cơ quan chức năng. Còn tính từ khi có chủ trương xử lý khu đất trên thì đến nay đã... sáu năm.
Cho thuê lòng vòng
Hiện khu đất 621 Phạm Văn Chí có dãy mặt tiền dài khoảng 300m dọc đường Phạm Văn Chí đang được chia thành nhiều khu. Một phần là kho hàng của Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn và văn phòng của Công ty cổ phần rượu Bình Tây. Phần còn lại được chia thành nhiều khu, cho nhiều đơn vị khác thuê. Phía mặt tiền đường Phạm Văn Chí là kiôt kinh doanh nhà hàng, bãi đậu xe... Phía sau cổng B là mấy gian kho đóng cửa, bên ngoài cỏ lau mọc um tùm. Sau cổng C là một bãi đậu ôtô rộng hàng ngàn mét vuông. Ngoài những dãy nhà kho cũ kỹ, bên trong có một khoảng đất trống rộng khoảng 1.000m2...
Theo tài liệu chúng tôi có được, khu đất được Nhà nước cho thuê với giá 64.800 đồng/m2/năm (tức 5.400 đồng/m2/tháng). Trong tổng diện tích đất này, Công ty bao bì Bình Tây sử dụng gần 30.000m2 đất. Dù thời hạn sử dụng đất chỉ được cơ quan chức năng cho phép đến cuối năm 2006 nhưng ngày 24-7-2006, giám đốc đơn vị là ông Bùi Đức Quân vẫn ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với bà Nguyễn Thị Minh Tâm (đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM) để chứa hàng.
Diện tích cho thuê (phần kiến trúc kho) thể hiện trên hợp đồng là 2.165m2 với giá thuê 25.300 đồng/m2/tháng (gồm cả thuế giá trị gia tăng), thời hạn thuê đến hết năm 2009. Có thời điểm diện tích thuê giữa hai bên hơn 8.000m2, giá cho thuê cao nhất lên đến 32.700 đồng/m2. Đối chiếu với giá Nhà nước cho thuê thì giá mà Công ty bao bì Bình Tây cho thuê lại có lúc cao gấp sáu lần và mỗi tháng công ty này thu tiền cho thuê mặt bằng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, sau khi thuê mặt bằng của Công ty bao bì Bình Tây, bà Nguyễn Thị Minh Tâm tiếp tục phân lô kho cho một số cá nhân khác thuê để chứa hàng.
Theo các cơ quan chức năng, tại địa chỉ 621 Phạm Văn Chí từng xảy ra nhiều vụ xây dựng tường rào, nhà kho không phép bị cơ quan chức năng xử phạt. Ngoài ra các hộ kinh doanh tại địa chỉ này còn nhập, chứa hàng lậu, hàng giả. Tại buổi giám sát về việc sử dụng khu đất trên cuối tháng 5 vừa qua, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Nguyễn Minh Hoàng cho rằng giá thị trường khu đất hiện nay lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng sử dụng như trên thì quá lãng phí.
Mặt bằng nhà xưởng số 481 Ba Đình (Q.8) rộng trên 10.000m2 được UBND TP giao cho Q.8 để xây dựng trường trung học nhưng đến nay chưa khởi công vì đang chờ bàn giao mặt bằng. Theo hợp đồng, Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện thuê của Công ty Kho bãi TP, thời hạn thuê đến hết năm 2007. Khi hết thời hạn, công ty vẫn chưa chịu trả mặt bằng cho Q.8 mà tiếp tục dây dưa sử dụng.
Quản lý manh mún
Hiện nay ở TP.HCM còn rất nhiều kho bãi, tập trung ở các quận 6, 8, Thủ Đức, Bình Tân..., có kho diện tích lên đến hàng chục ngàn mét vuông. Chỉ riêng ở Q.8, số liệu thống kê của UBND quận vào năm 2008 cho thấy ở 16 phường hiện có 135 kho bãi với tổng diện tích khoảng 590.000m2, chủ yếu do các cơ quan thuộc trung ương và TP quản lý, sử dụng. Khoảng 80% diện tích trong số này được cho thuê lại hoặc bỏ trống. UBND Q.8 nhận định: hiệu quả sử dụng kho bãi rất thấp, đa số các kho bãi sử dụng không đúng mục đích, được đơn vị chủ quản cho thuê lại, hiện nhiều kho đã hư nát, xuống cấp trầm trọng.
Theo Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, tình hình quản lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP còn manh mún, phân tán ở nhiều đầu mối khác nhau, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa nắm chính xác thực trạng, số liệu cụ thể. Ngoài chuyện một số doanh nghiệp đem đất của Nhà nước cho thuê lại, còn không ít đơn vị tự tiện bố trí cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở. Điều này thể hiện kỷ cương phép nước không nghiêm.
Ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng do nhiều khu đất có vị trí tốt, khả năng sinh lợi cao nên các đơn vị thuê muốn găm giữ để cho thuê lại, không chịu bàn giao. Như vậy là kinh doanh, thu lợi trên tài sản của dân. Do vậy phải làm nghiêm việc thu hồi đất, nếu cần thiết có thể tiến hành thanh tra việc sử dụng đất của các đơn vị sai phạm. Cũng theo ông Hoàng, việc thu hồi nhà xưởng của các công ty thời gian qua còn chậm một phần do “cơ chế đồng thuận”. Phần nhiều các công ty trực thuộc bộ nên việc thu hồi đất không phải do một cơ quan giải quyết mà phải có ý kiến của các bộ chủ quản, khiến thời gian thu hồi kéo dài, gây lãng phí.
Kiểm tra sử dụng đất tại Công ty cổ phần rượu Bình Tây Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài vừa giao trách nhiệm cho giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP chủ trì kiểm tra gấp việc quản lý sử dụng đất đai của Công ty cổ phần rượu Bình Tây, đặc biệt là việc công ty này đem khu đất 621 Phạm Văn Chí (Q.6) cho một số tổ chức, cá nhân thuê lại. Trước đây, tháng 5-2008, UBND TP đã kết luận về thanh tra đất đai tại Công ty cổ phần rượu Bình Tây của Sở Tài nguyên - môi trường TP. Kết luận của UBND TP lúc bấy giờ yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê kho, đồng thời tổ chức, cá nhân đang thuê kho di dời tài sản, hàng hóa ra khỏi khu đất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận