Khu nhà cổ ông Hai Thái này được xây dựng từ năm 1925, theo kiến trúc Gothic của Pháp. Chủ nhân là ông Nguyễn Đình Thái (hay được gọi là ông Hai Thái), người xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang, đến xây dựng tại khu đất này.
Sau ngày 30-4-1975, khu nhà được giao cho địa phương quản lý. Từ năm 1977 đến 1990, khu nhà được sử dụng để làm trường học. Đến cuối năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho khách sạn Yasaka - Sài Gòn - Nha Trang tiếp quản, tôn tạo thành điểm tham quan.
Khai thác nhà cổ không hiệu quả?
Hiện tại, khu nhà cổ ông Hai Thái bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều khu vực đổ nát, hư hỏng, khiến không ít người dân và du khách tiếc nuối.
Ông Trần Tấn Ngọc - tổng giám đốc khách sạn Yasaka - Sài Gòn - Nha Trang, cho hay trước đây khu nhà cổ ông Hai Thái cũng hoang hóa, doanh nghiệp này tiếp nhận và đầu tư tu bổ, sửa chữa, phục dựng lại và biến thành địa chỉ hút khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, gần đây du khách nước ngoài đến Khánh Hòa ít, trong khi chi phí vận hành lớn, doanh nghiệp thu không đủ bù chi nên đã trả lại khu nhà cho chính quyền.
"UBND tỉnh Khánh Hòa giao khu nhà cổ ông Hai Thái cho UBND huyện Diên Khánh quản lý. Chúng tôi đã bàn giao xong cả rồi", ông Ngọc nói.
Hiện trạng bên ngoài nhà cổ ông Hai Thái đổ nát - Ảnh: MINH CHIẾN
Một lãnh đạo UBND xã Suối Tiên thông tin, nhà cổ vẫn còn nguyên hiện trạng, nhưng bên trong không còn tài sản nên xã chỉ bảo vệ an ninh khu vực, niêm phong cửa.
May mắn hơn nhà cổ ông Hai Thái, nhà cổ Phú Vinh hơn 200 năm tuổi (xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang) được ông Nguyễn Xuân Hải (86 tuổi) kế thừa vừa làm điểm tham quan vừa làm nơi thờ tự ông bà và sinh sống.
Tuy nhiên nhà cổ này cũng gặp tình trạng "ế" khách.
Nhà cổ Phú Vinh phụ thuộc phần lớn vào nguồn khách tàu biển, nhưng cuối tháng 4 đến hết tháng 10 khách tàu biển không đến Nha Trang.
"Khách nội địa ít ai đến đây. Doanh thu hiện không đáng bao nhiêu. Tôi có đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí trùng tu, bảo dưỡng nhưng chưa được phản hồi. Trước mắt do gia đình tự bỏ tiền ra sửa chữa", ông Hải chia sẻ.
Nhà cổ Phú Vinh vẫn còn hoạt động, nhưng vắng khách - Ảnh: MINH CHIẾN
Đừng để nhà cổ "ngủ quên"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Nhuận - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, nói nhà cổ ông Hai Thái không phải là di tích cấp tỉnh, do đó không thuộc phạm vi chính quyền phải đầu tư để trùng tu, sửa chữa.
Ở góc độ người làm du lịch, ông Bùi Minh Thắng - giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Thương mại Phương Thắng, cho rằng nhà cổ được khách châu Âu yêu thích.
"Đối với khách tàu biển đến từ châu Âu, chúng tôi vẫn thiết kế đưa khách đến nhà cổ Phú Vinh.
Còn khách Hàn Quốc, nếu được kết nối sẽ phát huy giá trị của điểm đến vì họ thích trải nghiệm văn hóa.
Tại Hàn Quốc những khu nhà cổ luôn thu hút khách, bởi họ biết cách truyền tải văn hóa, phục dựng và khai thác tốt", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, nhà cổ ông Hai Thái từng được công ty ông kết hợp với tham quan khu du lịch sinh thái Suối Tiên. Nhưng chỉ đưa khách đến rồi về thì rất khó để duy trì hoạt động.
"Phải kết nối điểm đến trong khu vực, nếu nhà cổ được phục hồi chúng ta có thể xây dựng một tour Cam Lâm hoàn chỉnh, khu nhà cổ phải tăng tiện ích như shoping, ăn uống... thậm chí cho khách thuê trang phục xưa chụp ảnh nhằm kéo chi tiêu của du khách kết hợp quảng bá, truyền thông.
Để nhà cổ hư hỏng vậy, chúng tôi rất xót nhưng cũng chẳng biết làm thế nào", ông Thắng kết luận.
Nghiên cứu giải pháp
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao UBND huyện Diên Khánh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ một số vấn đề liên quan đến khu bảo tồn nhà xưa ông Hai Thái (xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh).
Theo văn bản trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị huyện Diên Khánh nghiên cứu, có giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi khu bảo tồn nhà xưa ông Hai Thái để phát triển thành điểm du lịch sinh thái; báo cáo, tham mưu UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền trước ngày 26-6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận