Nằm cách con đèo hiểm trở Mã Pì Lèng (đèo Sống Mũi Ngựa trong tiếng Mông, để chỉ độ dốc rùng mình) chừng 8 cây số về phía Nam, theo quốc lộ 4C, ngôi nhà trên 130 tuổi này đã trải qua năm thế hệ người Mông sinh sống, yêu đương quấn túm, bảo bọc và chịu đựng nhau, sinh con đẻ cháu, đã thấm đượm giọt mồ hôi, tiếng thở dài hay giọt nước mắt hạnh phúc của sinh tồn giữa bao thăng trầm thời cuộc.

Còn nhiều hơn thế là những trầm tích của phong tục, lề thói, khôn ngoan, tri thức của cả một sắc tộc người từ hàng ngàn năm lặng lẽ gởi gắm nơi một bậc thềm, một cách ràng mối lạt, cách nổi lửa thổi cơm...

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 1.

Cứ theo quốc lộ 4C, đoạn được gọi tên "con đường Hạnh Phúc" khởi đi từ cột mốc số 0, TP Hà Giang (giáp biên giới Việt - Trung) qua bốn huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh là tới Mèo Vạc.

Đường Hạnh Phúc được xây dựng hoàn toàn bằng lao động của bà con các sắc tộc ít người sáu tỉnh biên giới (Cao, Bắc, Lạng, Hà, Tuyên, Thái) và công nhân từ hai tỉnh Hải Dương và Nam Định, từ tháng 9-1959 đến năm 1965 mới hoàn thành.

Đến giờ, đây vẫn là cung đường hiểm trở kéo dài 185km với những đoạn cua gập hình zíc zắc, một bên là vách núi, bên kia là vực thẳm thử thách lòng kiên nhẫn và bản lĩnh của các tay lái.

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 2.

Chúng Pủa - cái tên là tên của toàn bản Mông ngày xưa cách đây chừng trên trăm năm, nghĩa là "bên suối". 5h chiều, làng bản đã mù mịt sương giăng. 

Ngôi nhà Chúng Pủa nằm ở trung tâm làng, một khúc quanh sau mỏm núi đá.

Bước qua vòm cổng cao lợp ngói âm dương với mái hiên rộng có vì kèo che rợp cả tường bao hai bên cổng, là đặt chân vào thế giới của những huyền thoại xa xưa của người Mông, khi trai gái trần gian và làng Trời còn qua lại hẹn hò, lấy tiếng kèn lá để nhắn gọi nhau qua nhiều thế giới.

Hành lang đi vào dãy nhà phụ được sắp sẵn một bếp lửa than củi hồng rực. Trong bóng tối ấm áp của căn nhà với những gỗ và đất, những đồ vật và cách thức bài trí gợi lại những thập niên xa xưa, ngót nghét 50 năm về trước, làm nao lòng chúng tôi, thế hệ 7X, 8X lớn lên trong cái nghèo nàn chất phác của thực tại và tư tưởng thời hậu chiến, và cảm giác bình yên như gặp được người thân.

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 3.

Khác với nhà phụ cởi mở, nhà chính kín đáo, cất trên nền đá tự nhiên cao ngang bụng người lớn với năm bậc thềm đá, mái ngói âm dương, hai lầu, lầu trệt với ba phòng như cấu trúc nguyên bản, là nơi "trình diện" phần đặc sắc nhất của ngôi nhà.

Hai phòng ở đối xứng, vách gỗ sa mộc ấm cúng, kín đáo, giữa là phòng khách với bộ bàn cũng là gỗ sa mộc lên nước bóng màu thời gian, bốn chiếc ghế dài không vai dựa, không chỗ vịn tay thô sơ như vừa được nhấc thẳng từ một phiên chợ Mông về xếp bốn xung quanh bàn, như thể muốn nhắc nhở du khách cái hoang vu khốc liệt thường trực của cảnh vật và thời tiết. Rằng một nơi trú ngụ bình an, ấm cúng giữa thiên nhiên ấy là hạnh phúc không dễ có.

Phần hấp dẫn nhất với những khách vừa vượt qua đường dài giá lạnh tới, là bếp lửa chất củi cháy liu riu hong chín những cặp lạp xưởng hồng đượm treo lúc lỉu - món ruột rà đặc sản nổi tiếng của người Mông.

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 4.

Lầu 2 của cả hai dãy nhà chính và phụ là các phòng ngủ với sàn và vách nhà bằng gỗ pơ mu, trải đệm đan từ lạt giang, quang dầu bóng mịn.

Rèm cửa vải sợi bông in hoa đỏ ấm áp, khung cửa gỗ pơ mu nâu sậm, chụp đèn hình lồng chim thưng vải hoa con công... tất cả khiến bạn biết rằng mình đang được chăm sóc chu đáo.

Chúng tôi ăn tối với canh rau cải Mèo, dưa chua, lạp xưởng Mông, bánh tét chay nhân đậu nhuộm lá cẩm, thịt trâu gác bếp và rượu ngô nhà nấu, hạnh phúc được sẻ chia không gian sống của những người từng là chủ nhân nơi đây.

Và cảm động về những cố gắng của vị chủ nhân hiện tại để không làm tổn thương vẻ đẹp nguyên bản và sự hài hòa vốn có của một di sản không dễ gặp lần thứ hai.

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 5.

Mặc dầu nhà cổ Chúng Pủa từng trải qua thời đoạn bị lãng quên, hoang phế đến đau lòng với mái lợp tôn xi măng và hai trong số bốn dãy nhà tạo thành bốn mặt khép kín hình chữ "khẩu" đã hoàn toàn biến mất, nếp nhà cổ trên 130 tuổi này vẫn là cuốn sách thơ lưu giữ linh hồn người Mông và những chứng tích văn hóa vô giá.

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 6.

Toàn bộ tổng thể hiện vật của hai dãy nhà chính và phụ còn lại là những chứng tích về lịch sử, xã hội, công nghệ và văn hóa của dân tộc Mông cần được khảo sát và có phương án bảo tồn thích đáng.

Mặc dầu tuổi đời công trình chỉ khoảng trên 130 năm nhưng nhà cổ Chúng Pủa với ba gian hai chái, hai chái bên dùng làm bếp (cho đại gia đình) và buồng ngủ, lầu trệt và lầu gác trên nền đá cao (như thường thấy ở các gia tộc giàu có) đại diện cho kiến trúc truyền thống của ngôi nhà Mông, theo các tác giả Đặng Nghiêm Vạn, Chu Thái Sơn, Lưu Hùng. (Ethnicity Minorities in Viet Nam, tr.142-148, NXB Thế Giới 1993)

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 7.

Vì sao lại có sự đối sánh ngang hàng như vậy trong nghệ thuật trang trí nhà ở của người Mông?

Những bằng chứng về di truyền học cho thấy các tộc người nói tiếng Mông - Miên có mối liên hệ di truyền gần gũi với các bộ tộc ở phương Nam, cụ thể là các sắc tộc dùng ngữ hệ Môn - Kh’mer trong đó có người Việt, Mường theo chế độ mẫu hệ trong lịch sử xa hơn nhiều.

Phượng hoàng, lợn nái, hoa mẫu đơn và cây ráy là những biểu tượng đẹp của mẫu tính trong lịch sử nghệ thuật của các dân tộc sinh sống tại vùng Đông Nam Á.

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 8.

Cũng theo GS Đặng Nghiêm Vạn, tác giả Chu Thái Sơn và Lưu Hùng, người Mông bắt đầu di cư xuống vùng đất phía Nam thuộc lãnh thổ phía Bắc của người Việt và vùng Đông Nam Á bao gồm Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar từ khoảng cuối thế kỷ thứ 16, nhưng phổ biến nhất là sau cuộc nổi dậy chống triều đình Mãn Thanh của các thủ lĩnh Mông trong vòng những năm 1700.

Đây cũng là giai đoạn sắc tộc anh em này xây dựng các bản làng sinh sống lâu đời trên đất Việt cho tới ngày nay.

Người Mông từng nhiều lần chống lại sự áp đặt và nô dịch của người Hán kể từ thế kỷ thứ 10.

Phong tục thờ cúng ông bà phổ biến giữa người Việt, người Mông và nhiều sắc tộc anh em khác có nguồn gốc từ đâu có lẽ cũng cần được tìm hiểu ngọn nguồn kỹ lưỡng trong quá trình lịch sử giao lưu hai chiều và gắn bó thân thiết này.

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 9.

Họa tiết hoa sen của vùng nhiệt đới hầu như không xuất hiện trong các công trình nghệ thuật trung và cận đại của các nước phương Bắc như Nhật, Hàn, Trung. Cánh hoa sen trong bệ cột nhà cổ Chúng Pủa là một điểm nhấn độc đáo, tiết lộ một nhánh rẽ đặc biệt của nghệ thuật Mông trong mối kết giao với nghệ thuật Việt, hiện còn đang bỏ ngỏ.

Ngôi nhà này, với hệ thống tường trình là bằng chứng sống động cho thấy thứ vật liệu và công nghệ hầu như "tự nhiên" này hoàn toàn có thể chống chọi với xâm thực của thời gian và khí hậu khắc nghiệt.

Những người thợ Mông đã dùng loại đất sét có độ kết dính cao, lọc bỏ rễ cây, rác... nhồi vào các khuôn chữ nhật dài cỡ 1,5m, rộng 0,5m, dùng cây gỗ nện cho đất thật mịn chắc.

Chủ nhân hiện tại của ngôi nhà là anh Trần Minh Thái, một người miền xuôi lên Hà Giang khai thác lâm sản từ những năm 1990. Nhà cổ Chúng Pủa vốn là nhà ở trải qua năm đời của gia tộc ông Vàng Mí Sì, một dòng họ lớn và giàu có.

Anh có cơ duyên mua lại được ngôi nhà này từ chính ông Vàng Mí Sì năm 2011. Qua hai năm tu tạo nhờ một nhóm thợ người Mông, căn nhà được khôi phục và trở thành homestay từ tháng 8-2013.

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 10.

Sử dụng với mục đích làm homestay cho khách du lịch đồng thời thường xuyên bảo tồn, tu tạo, đón trước những xuống cấp và hư hỏng để chủ động gia cố, phục chế là phương án "mạo hiểm" phức tạp nhưng đáp ứng được mối quan tâm sâu rộng của công chúng muốn được trực cảm chứng nghiệm văn hóa đẹp của dân tộc Mông.

Tôi thực mong Chúng Pủa sẽ được tìm hiểu và đánh giá công bằng, kỹ lưỡng về giá trị nghệ thuật, kiến trúc và lịch sử văn hóa và có thêm sự trợ giúp để chung sức gìn giữ "bài thơ" tuyệt đẹp này cho mai sau.

Nhà cổ Chúng Pủa - bài thơ của sinh tồn giữa núi thẳm Hà Giang - Ảnh 11.
KHÁNH PHƯƠNG
VÕ TÂN
8-3-2023
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp