Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân và tập sách vừa ra mắt - Ảnh: M.THỤY
Sau mỗi câu "chốt hạ" như vậy trong suốt cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân lại tự khoát tay như thể ông vừa nói ra một điều đã quá quen thuộc trong mắt người khác.
Thế nhưng, Con đường gai nhọn - tập bán tự truyện vừa ra mắt của ông - như đúng nhan đề của nó, là về những đau đớn, và thực ra là bi thương trong nghề biên kịch, thứ lẽ ra không phát xuất nếu nhận định kia là nghiễm nhiên.
* Không có công thức chung cho kịch bản cuốn hút, nhưng còn kịch bản khiến người đọc phải chán nản thì sao, thưa ông?
- Từng làm trưởng phòng biên tập cho Hãng phim Giải Phóng, tôi đọc được khá nhiều bản thảo của các nhà biên kịch trẻ. Không ít trong số chúng không được đánh máy cẩn thận, đóng bìa tươm tất. Hơn ai hết, nhà biên kịch phải trân trọng tác phẩm của mình để từ đó gieo cảm giác tương tự cho người thẩm định.
Đại khái trong hình thức dẫn đến không chỉn chu về nội dung, nhiều tác phẩm không xây dựng đường dây truyện, bố cục chặt chẽ và nhân vật không đủ sức hấp dẫn khán giả. Ngoài lý do yếu kỹ thuật viết lách đã đành, tình trạng trên còn đến từ việc sống ít, đọc ít.
Không có cái gọi là "nhà biên kịch toàn thời gian", muốn có tác phẩm hay phải lăn lộn ngoài đời, làm nhiều công việc và hãy nghĩ về những mảnh đời bình thường quanh mình.
Sứ mệnh của người viết là phát hiện nhân vật có vẻ bình thường nhưng lại tồn tại những điều không bình thường, từ đó mới làm người xem lay động, vỡ ra và ồ lên thán phục.
Chúng còn liên quan mật thiết đến một điểm yếu của điện ảnh Việt Nam: lời thoại. Ngay từ kịch bản, nhà biên kịch phải tưởng tượng những đoạn đối thoại mang hơi thở của đời sống. Không quan trọng lời thoại dài hay ngắn, mà cốt ở chỗ phải cuốn hút và đặt để hợp lý.
* Trong bối cảnh công tác đào tạo nghề biên kịch ở Việt Nam còn chưa được chú trọng, nhà biên kịch trẻ nên chủ động làm gì để hoàn thiện bản thân?
- Tôi luôn nhấn mạnh với các nhà biên kịch trẻ phải đọc nhiều mẫu kịch bản hơn nữa, hiểu được lối kể của người khác thì giọng văn của riêng mình mới nên hình.
Hiện nay có nhiều phần mềm viết kịch bản trên máy tính, nhà biên kịch nên làm quen để chuyên nghiệp hóa quá trình sáng tác và lưu trữ bản thảo. Đây chỉ là những kỹ thuật bước đầu vào nghề.
Nhà biên kịch phải phân định rạch ròi đâu là tác phẩm viết theo đơn đặt hàng của hãng phim, phục vụ cho mục đích tuyên truyền hay lợi nhuận và đâu là tác phẩm thúc đẩy giá trị nghệ thuật.
Một khi chọn con đường nghệ thuật, người viết phải tự nâng cấp đường dây kịch bản, phẩm chất nhân vật và lồng ghép các triết lý nhân sinh để tạo chiều sâu tác phẩm.
Cân bằng cả hai lối đi trong cùng tác phẩm có lẽ là một trạng thái quá lý tưởng, nhưng nếu buộc phải chọn một, nhà biên kịch phải làm cho kỳ cùng.
Một nhà biên kịch phải ý thức được những khoảnh khắc cần sự dũng cảm rút lại kịch bản để tác phẩm được sống thay vì cố chấp lao vào một bộ phim biết trước là sẽ chết.
Đó cũng là lý do tôi quyết tâm giữ lại kịch bản gốc Mùa dưa và giới thiệu trong cuốn sách dù nó đã được sử dụng phần nào đó để làm một bộ phim khác.
* Cục Điện ảnh vừa phát động cuộc thi sáng tác kịch bản, trong đó khuyến khích các đề tài về cuộc sống đương đại, văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới. Ông có gợi ý gì cho các nhà biên kịch trẻ về các đề tài xã hội đang thiếu vắng và cần khai thác?
- Theo tôi, đây là vấn đề từ hai phía: Cục Điện ảnh và người viết. Cục Điện ảnh khuyến khích các đề tài nêu trên là... thừa, bởi người viết kịch bản luôn nặng lòng với xã hội, với tiếng nói của con người, không ai có quyền cho phép người viết được viết điều gì.
Bao nhiêu năm qua, người ta vẫn viết về những vấn đề đó chứ đâu phải không, nhưng viết ra lại bị kiểm duyệt. Vì thế, trong khi hiện thực xã hội ngồn ngộn vấn đề mà lên phim đâu đâu cũng chỉ thấy mật ngọt.
Chẳng hạn, một trong những đề tài mà người dân đang rất quan tâm và đặc biệt thấy nhiều trên mặt báo năm qua là tham nhũng, vậy thì người viết có được tự do sáng tác về chủ đề này không?
Về phần người viết, không phải cứ chủ đề "hot" là sẽ được, khán giả đi xem phim chứ không phải đi xem đề tài, mà phim là cốt ở chuyển biến tâm lý, là giá trị nhân văn, là năng lực biểu đạt của nhà biên kịch và đạo diễn.
Tình yêu có thể là một đề tài không mới, nhưng người viết phải tìm ra được những thái cực khác của tình yêu, bỉ ổi, ghê tởm và tất cả sự hèn hạ ở mức tột cùng nhất mà qua đó các hiện tượng xã hội được lý giải. Có như vậy, kịch bản mới ở lại trong lòng người xem.
Con đường gai nhọn vốn là một tuyển tập kịch bản phim điện ảnh và truyền hình của Phạm Thùy Nhân. Khác hoàn toàn với cái chúng "từng là" khi xuất hiện trên màn ảnh hay chạm đến các giải thưởng quốc tế, những kịch bản gốc này như một thế giới mới lạ.
Bên cạnh các kịch bản Trò ảo thuật, Dấu ấn của quỷ, Mùa dưa, Dòng đời, Bình Tây đại nguyên soái; tập 1 của tuyển tập còn có 90 trang là những chia sẻ của tác giả trên con đường tìm đến "những giá trị nhân bản đích thực của nghệ thuật", những kỷ niệm ông mãi khắc ghi với người thầy - kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, những tháng ngày sinh hoạt trong Ban kịch/Kịch đoàn Thụ Nhân của Viện Đại học Đà Lạt, những giây phút khổ sở lẫn vinh quang trên con đường điện ảnh cùng các đạo diễn Lê Cung Bắc, Việt Linh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận