Nhà Bè lo thiếu nước mùa khô

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Đến nay, sau đợt cúp nước vào đầu tháng 12, nước máy tại đường Đào Tông Nguyên thuộc khu phố 7, thị trấn Nhà Bè (TP.HCM) đã chảy trở lại nhưng áp lực nước, theo người dân, không mạnh như trước đây.

Sau hai ngày bị cúp nước vào đầu tháng 12, người dân ở đường Đào Tông Nguyên (Nhà Bè, TP.HCM) phải canh hứng nước ra thau, xô để dùng - Ảnh: Q.KHẢI
Sau hai ngày bị cúp nước vào đầu tháng 12, người dân ở đường Đào Tông Nguyên (Nhà Bè, TP.HCM) phải canh hứng nước ra thau, xô để dùng - Ảnh: Q.KHẢI

Nhiều người dân lo ngại nếu không đầu tư những tuyến ống bổ sung nguồn nước thì nạn thiếu nước sạch có thể quay trở lại ở nhiều nơi thuộc thị trấn Nhà Bè như thời gian trước đây, đặc biệt trong mùa khô năm 2017.

Nước máy yếu dần

Theo bà Huỳnh Kim Em - một người dân sống trên đường Đào Tông Nguyên, sau khi Nhà máy nước BOO Thủ Đức đưa nước về (năm 2010) thì nước ở nhiều khu vực cuối nguồn tại Nhà Bè đã dư dả. “Nước có thể chảy lên tới lầu một mà không cần phải bơm gì cả. Nhưng khoảng một năm nay nước máy bị yếu dần, vòi nước đặt cao hơn mặt đường khoảng 1m mà nước chảy rất yếu” - bà Em cho biết.

Liên tục những ngày đầu tháng 12 này, gần như toàn bộ khu vực nói trên bị cúp nước kéo dài khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Bà Nguyễn Thị Cúc, ngụ 71/5/9A Đào Tông Nguyên, cho biết do bị cúp nước hai ngày liền (3 và 4-12 - PV) nên cả gia đình bà phải mua 4-5 bình nước để dùng trong nhà. “Thiếu nước đến nỗi sau khi rửa rau, vo gạo chúng tôi phải để nước lại mà giội cầu” - bà Cúc than.

Bà Cúc kể ngày đầu tiên bị cúp nước, bà không hay biết nên bỏ đồ dơ, xà phòng vào hai máy giặt nên phải chịu trận ngâm đống đồ trong máy giặt hai ngày liền. Còn hai người con của bà phải tranh thủ tắm ở nơi làm việc. Ông Lý Xuân Long, một người dân ở khu vực trên, cho biết do không có nước dùng nên ông cố gắng dùng máy bơm để hút nước. “Hút đến nỗi máy bơm bị cháy mà vẫn không có giọt nước nào” - ông Long kể.

Theo Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, cúp nước ở khu vực đường Đào Tông Nguyên là do Nhà máy nước BOO tạm ngưng hoạt động để thay đồng hồ tổng. Thời gian chỉ diễn ra trong vài giờ (ngày 3-12) nhưng do khu vực trên ở cuối nguồn nên phải mất thêm hai ngày áp lực nước mới trở lại bình thường.

Còn áp lực nước máy ở đây yếu hơn trước, theo giải thích của cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, là do thời gian qua tốc độ phát triển dân cư tại Q.7 và H.Nhà Bè phát triển quá nhanh, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, làm áp lực qua các tuyến ống hiện hữu bị yếu đi. Hiện nay trung bình mỗi năm khu vực Q.7, H.Nhà Bè phát sinh 6.000 đồng hồ nước mỗi năm, đó là chưa kể lượng khách hàng phát sinh ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Lắp đặt nhiều tuyến ống bổ sung nguồn nước

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Nhật Trân, phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, cho biết trước mắt để giải quyết tình trạng thiếu nước ở thị trấn Nhà Bè, công ty đã đấu nối một tuyến ống 300mm từ khu dân cư Vạn Phát Hưng nối ra đường Huỳnh Tấn Phát.

Công ty cũng dự kiến sẽ làm thêm hai đường ống 300-450mm từ khu dân cư Phương Nam và đường Nguyễn Văn Linh kết nối ra đường Huỳnh Tấn Phát nhằm tăng cường áp lực nước cho xã Phú Xuân và thị trấn Nhà Bè.

Tuy nhiên, ông Trân cho rằng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu nước cho Nhà Bè cũng như cung cấp nước cho người dân ở khu vực khu nam Sài Gòn trong tương lai thì phải thực hiện thêm nhiều dự án nguồn khác.

Trong đó, có dự án lắp đặt khoảng 3km đường ống 600mm kết nối từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua Nguyễn Lương Bằng (Q.7) để tăng áp lực cho khu vực thị trấn Nhà Bè. Dự án này do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) thực hiện.

Một cán bộ thuộc Ban quản lý dự án cấp nước Sawaco cho biết dự án này có từ nhiều năm trước nhưng do thời gian qua phải tập trung thực hiện lắp đặt đường ống cấp 3, gắn đồng hồ nước đồng loạt cho người dân theo nghị quyết 35 của HĐND TP nên dự án này chưa thực hiện được.

Còn ông Huỳnh Hảo Tài, trưởng Ban quản lý dự án cấp nước Sawaco, cho biết do dự án đi qua khu vực Phú Mỹ Hưng thuộc Ban quản lý khu nam nên Sawaco phải thỏa thuận hướng tuyến với đơn vị này trước khi trình các cơ quan chức năng phê duyệt.

Dự án có tổng số vốn đầu tư 64 tỉ đồng này dự kiến phải mất ít nhất 6 tháng để hoàn tất thủ tục mới có thể mời thầu. “Nếu thủ tục suôn sẻ thì khả năng cũng phải đến quý 3-2017 mới có thể triển khai thi công dự án được” - ông Tài cho biết.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp