20/06/2018 15:40 GMT+7

Nhà báo và tin giả: Chỉ cần tiền, nội dung không quan trọng

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngày 18-9-2017, văn phòng cảnh sát hạt Maricopa (bang Arizona, Mỹ) thông báo Paul Horner (38 tuổi) chết trên giường ngủ tại nhà riêng ở ngoại ô thành phố Phoenix.

Nhà báo và tin giả: Chỉ cần tiền, nội dung không quan trọng - Ảnh 1.

Alex Jones - “chuyên gia” thuyết âm mưu - Ảnh: YouTube

Kết quả giải phẫu pháp y cho thấy Paul Horner chết vì bệnh tim, lúc còn sống đã nhiều lần dùng thuốc theo toa quá liều.

Tin giả là thông tin vô căn cứ dựa trên dữ liệu không có thật hay bị bóp méo nhằm đánh lừa và thậm chí để thao túng bạn đọc.

Đức giáo hoàng FRANCIS

"Vua tin giả" ở Mỹ

Những người theo học thuyết âm mưu loan tin Paul Horner đã bị sát hại vì biết quá nhiều. Nguyên do bởi Paul Horner được gọi là "vua tin giả" ở Mỹ. Ông đã lập ra hàng chục trang web chuyên sản xuất tin giả 100% hoặc sao chép thông tin thật rồi "mông má" thêm các chi tiết bịa đặt. 

Nổi tiếng nhất trong các trang tin ba xạo có trang National Report và trang News Examiner. Các trang đăng tin giả thường lấy tên na ná giống tên các báo nghiêm túc như CNN, ABC News.

Paul Horner tự nhận ông là người ghét Donald Trump, song các câu chuyện bịa đặt chế nhạo ông Trump được Paul Horner tung lên mạng cuối cùng lại được chính những người ủng hộ ông Trump đăng lại trên mạng xã hội rồi chia sẻ, bình luận. 

Trong đó có cả Corey Lewandowski - cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump và Eric Trump - con trai ông Trump.

Mỗi lần tin giả của Paul Horner xuất xưởng, những người ủng hộ ông Trump lại rủ nhau chia sẻ. 

Ví dụ như tin giả những người biểu tình phản đối ứng cử viên Donald Trump đều nhận được tiền bồi dưỡng 3.500 USD hay tin giả "Tổng thống Obama là người đồng tính theo xu hướng Hồi giáo cực đoan".

Tin giả "Giáo hoàng Francis gây sốc thế giới khi ủng hộ ông Trump" đạt được 960.000 lượt truy cập trên Facebook.

Trả lời Đài CNN, Paul Horner tự nhận mình là "nghệ sĩ tin giả". Ông bảo mình sản xuất tin giả để mọi người tự kiểm tra thông tin, qua đó "giáo dục mọi người" đừng nên tin tưởng vô lý vào tin giả. 

Nói thế cho vui chứ thật ra mỗi tháng tin giả mang lại cho Paul Horner sơ sơ từ 5.000-10.000 USD nhờ vào dịch vụ của Google AdSense (dịch vụ quảng cáo tại các trang web có lượt truy cập nhiều). 

Vào cao điểm chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, Paul Horner bỏ túi 18.000 USD. 

Phương châm của Paul Horner là chỉ cần có tiền, còn nội dung thông tin không quan trọng chừng nào thông tin còn được chia sẻ mù quáng trên mạng xã hội.

"Nhà lý luận" tin vịt

Ngày 14-12-2012, hung thủ Adam Lanza vào trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown (bang Connecticut) bắn chết 26 người, trong đó có 20 học sinh. 

Đây là sự thật đau lòng ai cũng biết, thế nhưng Alex Jones lại đăng bài viết trên trang web Infowars và YouTube khẳng định đó chỉ là tin bịa đặt. Mạng xã hội đã nhanh chóng chia sẻ tin này. Nhiều người dùng mạng xã hội đã chửi rủa và đòi giết gia đình các nạn nhân.

Cuối tháng 5-2018, sáu gia đình các nạn nhân đã kiện Alex Jones và trang Infowars ra tòa về tội xâm phạm đời tư, vu khống và gây thiệt hại về tinh thần. 

Đơn kiện khẳng định có hơn 2 triệu lượt xem tin giả của Alex Jones trên YouTube và Alex Jones đã cố tình sử dụng tin giả nhằm thu lợi đến hàng chục triệu USD mỗi năm. Tại bang Texas đã có hai gia đình kiện Alex Jones cũng vì lý do tương tự.

Alex Jones (44 tuổi) là người hướng dẫn chương trình, người viết kịch bản và sản xuất phim. Ông luôn bị ám ảnh bởi ý tưởng các nhân vật ưu tú trên thế giới có ý đồ thiết lập một trật tự thế giới mới nên tạo ra các vụ khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng khí hậu, đầu độc nguồn nước và thực phẩm để kiểm soát. 

Năm 1995, công chúng bắt đầu biết đến Alex Jones khi ông khẳng định vụ đánh bom tòa nhà liên bang ở Oklahoma City do chính phủ dàn dựng.

Trung tâm Luật người nghèo miền nam nước Mỹ (SPLC) cho rằng Alex Jones là "nhà lý luận về thuyết âm mưu được đọc nhiều nhất nước Mỹ cận đại". 

Giáo sư Louis-Philippe Lampron ở khoa luật Đại học Laval (Canada) đánh giá trang Infowars do Alex Jones lập ra là trang "vô địch" về tin vịt.

Nhà báo và tin giả: Chỉ cần tiền, nội dung không quan trọng - Ảnh 4.

Thanh niên ở thị trấn Veles (Macedonia) chuyên viết tin giả chính trị Mỹ để kiếm tiền - Ảnh: Wired

Công xưởng sản xuất tin giả

Thị trấn nhỏ Veles 44.000 dân ở miền trung Mecedonia được xem là một công xưởng sản xuất tin giả. Từ năm 2016, người dân Veles đã lập không dưới 140 trang web viết về chính trị Mỹ. Các trang này lấy tên tương tự những trang web của Mỹ nhằm "lập lờ đánh lận con đen".

Phần lớn người viết tin giả chẳng phải là các nhà báo kỳ cựu mà là sinh viên, học sinh sẵn sàng "ngồi đồng" bên máy tính lùng sục tin giả. 

Các quản trị viên ở Veles thổ lộ với trang tin BuzzFeed (Mỹ) họ hiểu rằng cách tăng tối đa lượt view là đăng bài trên Facebook, và cách tốt nhất để bài được chia sẻ nhiều là đăng tin giả ủng hộ ông Trump và đả phá các ứng cử viên khác.

Nội dung tin giả thường là bài tổng hợp hay bài phịa hoàn toàn lấy từ các trang của cánh hữu và cực hữu ở Mỹ, sau đó được các quản trị viên ở Macedonia đặt tít lại cho giật gân rồi tải trên mạng. 

Các nhóm trên Facebook ủng hộ ông Trump chắc chắn sẽ đăng lại. Tin giả được click tối đa vọt lên đầu trang tìm kiếm của Google sẽ hút được quảng cáo và Google sẽ chia tiền lại cho các quản trị viên ở Macedonia.

Tháng 2-2016, một thanh niên tên Boris (tên giả) đã lập trang web DailyInterestingThings.com rồi chép nguyên xi tin giả cho rằng ông Trump đã tát một người phản đối ông trong lần vận động tranh cử ở Bắc Carolina.

Cuối tháng, Google chuyển cho Boris 150 USD quảng cáo, số tiền này gần bằng 50% mức lương bình quân ở Macedonia. Thế là Boris bỏ học phát triển "xưởng chế tác" tin giả. Đến tháng 8-2016, chỉ hai trang đăng tin giả ủng hộ ông Trump đã mang lại cho Boris 10.000 USD.

Theo điều tra của BuzzFeed, trong năm bài viết có nhiều người xem nhất đã có bốn bài từ các trang web ở Macedonia.

Giả trắng trợn!

Trang Infowars của Alex Jones từng đăng các tin giả như vụ xả súng ở trường trung học Parkland (bang Florida) hôm 14-2-2018 là do chính phủ bịa ra để kiểm soát súng; tỉ phú George Soros đã cầm đầu một băng nhóm mafia Do Thái; nhiều trẻ em bị bắt cóc đưa lên sao Hỏa làm nô lệ.

Có lần trang Infowars đăng tin những người thân cận với bà Hillary Clinton đã "bảo kê" cho nhà hàng pizza Comet Ping Pong ở Washington D.C. kinh doanh tình dục trẻ em dưới tầng hầm. Một ông bố xách súng đến nhà hàng định giải cứu con, may mà cảnh sát can thiệp kịp thời. Rốt cuộc đây là tin giả, nhà hàng đi kiện và Alex Jones đã phải xin lỗi.

_________

Kỳ tới: Vạch mặt

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp