Nhà báo phải bịt tai (thứ ba từ trái) trước tiếng súng lựu đạn cay mà cảnh sát bắn khi đưa tin về biểu tình "áo vàng" ở Paria, Pháp ngày 8-12 - Ảnh: AFP
Số thiệt mạng khi tác nghiệp là 80 người, trong khi con số này chỉ là 65 vào năm ngoái.
Trong số những người thiệt mạng trong năm nay có 63 nhà báo chuyên nghiệp (tức tăng 15% so với năm trước), 13 nhà báo không chuyên (năm trước là 7) và 4 cộng tác viên. Còn tính trong 10 năm gần đây, đã có 700 nhà báo chuyên nghiệp thiệt mạng trong sứ mệnh tìm kiếm tin tức.
Sự kiện vẫn còn gây chấn động trong dư luận và thậm chí lên đến tầm mức căng thẳng ngoại giao là vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2-10. Nhưng trước đó còn có vụ sát hại nhà báo Slovakia Jan Kuciak cùng vợ chưa cưới ngay tại nhà ông này ngày 25-2.
Ông Christophe Deloire, tổng thư ký Tổ chức Nhà báo không biên giới, cho rằng nhiều nhà báo thiệt mạng vì những động cơ sát hại mang tính chính trị, tôn giáo hoặc có lệnh từ các tay chủ doanh nghiệp tàn bạo.
Các nhà báo nạn nhân chủ yếu là nam giới (77 người), làm việc ở cấp địa phương (75 nhà báo địa phương và 5 nhà báo nước ngoài).
Afghanistan là "tử địa" của các nhà báo trong năm nay với 15 người thiệt mạng, trong khi các năm gần đây "tử địa" nằm ở Syria. Vụ việc đáng buồn nhất là vụ đánh bom khủng bố kép ở thủ đô Kabul ngày 20-4 khiến 9 nhà báo thiệt mạng.
Nhưng năm nay, dù ở vị trí thứ hai nhưng Syria vẫn còn rất nguy hiểm cho các nhà báo với 11 người đã thiệt mạng.
Ở vị trí thứ ba, Mexico bị điểm danh là nơi có 9 nhà báo bị ám sát, Mỹ cũng có 6 nhà báo là nạn nhân của vụ xả súng tại tòa soạn tờ Capitol Gazette.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận