16/07/2006 04:43 GMT+7

Nguyễn Xuân Khánh và cuộc giành lại bản sắc

CHÂU DIÊN
CHÂU DIÊN

TT - Chúng tôi quen nhau trong hội nghị những người viết văn trẻ đầu tiên năm 1959. Ông trời sau đó còn tạo cho hai chúng tôi có điều kiện gặp nhau nhiều.

O7uMOzbD.jpgPhóng to
Nguyễn Xuân Khánh, 74 tuổi, trông vẫn rất "tình tang" - Ảnh: P.X.N.

Nhà tôi nằm trên đường anh từ làng Thanh Nhàn về quê ở Cổ Nhuế, tiện cho anh ghé xe đạp vào chơi. Mà Khánh thì hay về quê lắm, hình như tuần nào họ nhà anh cũng có giỗ. Mỗi đám giỗ lại là một nhân vật để lúc nào đó anh kể cho tôi nghe.

Chẳng ngờ những “nhân vật” ấy 50 năm sau lại có mặt trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn.

Bản thảo đầu tiên Nguyễn Xuân Khánh đưa tôi đọc là cuốn Làng nghèo. Đó đã là một cái làng gần đủ sức làm nền cho một câu chuyện trong chiến tranh, song ngay từ lúc ấy ấn tượng Làng nghèo trong tôi đã là một cái gốc văn hóa học ở Nguyễn Xuân Khánh, là thứ rất cần cho một nhà tiểu thuyết.

Tôi nhớ, trong bản thảo đó Khánh hiểu biết và tỉ mẩn mô tả cả những món ăn làm bằng thịt dơi của người dân vùng làng nghèo. Anh mô tả tủ sách và đam mê đọc sách giữa súng đạn của anh đồn trưởng như là những hoang mang nung nấu của Nguyên Xuân Khánh về thân phận một dân tộc, về câu hỏi dân tộc đó sẽ tồn tại trong tư thế gì và rồi nó sẽ đi về đâu.

Tinh tế lẫn tinh nghịch, Khánh thường nhìn sự việc dưới góc độ hài hước. Ngày ấy, Khánh và tôi cùng biết hai vợ chồng ông bà hàng nước ở phố Bà Triệu. Ông chồng có khuôn mặt nhăn nheo như trẻ con đẻ thiếu tháng, người nhỏ bằng một phần ba bà vợ đồ sộ.

Tôi đi qua đời họ như người vô tình, còn Khánh thì không! Một hôm Khánh bảo tôi: “...Bà ấy thế mà hay dằn vặt ông chồng lắm, rằng tôi lấy ông phí cả một đời con gái”. Thế rồi, một đêm kia đầu những năm 1960, hai chúng tôi đi chơi ở đường Thanh Niên, đến quá nửa đêm thì Khánh bảo:

- Vô lý quá, mày! Kê ghế thế kia phí cả một đời con gái!

Thì ra công viên mới có những bồn hoa và những ghế đá được chở tới bị người của công ty công viên đặt quay lưng ra hồ cho tiện ngắm hoa. Khánh rủ tôi hai đứa xoay ghế quay lại phía hồ nước. Một đêm ấy chúng tôi vần đủ 13 chiếc ghế đá cho xoay mặt ra phía hồ. Xong việc, xoa tay hể hả:

- Suýt nữa thì phí một đời con gái!

Những ngày sau công nhân lại đặt tiếp ghế theo hướng đã có, nhìn ra hồ như mọi người đang ngồi bây giờ.

Tôi khâm phục Nguyễn Xuân Khánh ở cái chí viết văn. Khi gặp khó khăn trong nghề văn, tôi thường chuồn, làm việc khác. Khánh thì khác, lậm lụi viết, không bao giờ bỏ của chạy lấy người.

Rời khỏi tạp chí Văn Nghệ Quân Đội về báo Thiếu Niên Tiền Phong, Khánh rất chăm chỉ đi vào tuyến lửa miền Trung. Sau đó một tai họa ập đến, anh được về hưu non. Về làng Thanh Nhàn, anh được bầu làm bí thư chi bộ Đảng Cộng sản.

Con đường lát gạch phẳng phiu, ống nước sạch dẫn vào từng nhà hồi đầu những năm 1970 có phần công lao của Nguyễn Xuân Khánh. Phải ngồi nhà, anh nuôi lợn, anh làm thợ may nuôi con.

Vất vả, nhưng anh không ngừng hòa vào cuộc đời những con người đáng yêu đáng thương ngay trong làng Thanh Nhàn. Bản thảo Suối đen chính là cuộc sống trong cái làng Thanh Nhàn nằm dọc cái cống nước đen quạch chảy từ nhà máy rượu ra sông Lừ.

Trư cuồng là những suy tư Kinh Dịch trong cảnh nuôi heo. Miền hoang tưởng là tiểu thuyết của sự suy tư về nghệ thuật mà đời mỗi nghệ sĩ đích thực đều như một Trương Chi.

Cuốn Hồ Quý Ly của anh ban đầu là bản thảo một vở kịch công phu, sau đó thành tiểu thuyết thì Hồ Quý Ly đã kịp đến với công chúng vào thời đất nước đổi mới toàn diện. Một cuộc đổi mới như trận đau đẻ, mà bạn đọc có dịp nghiền ngẫm thực tại qua một nhân vật cách tân trong lịch sử hết sức dễ hiểu và vô cùng khó đánh giá.

Và bây giờ là Mẫu Thượng Ngàn, một biến thể hoàn toàn mới của Làng nghèo xưa, nhưng vào chặng đường chín chắn nhất của đời nhà văn. Suốt mấy năm viết Mẫu Thượng Ngàn, tuy ít gặp nhau hơn trước nhưng hễ gặp nhau thì Khánh lại cho lọt tai tôi một bí mật.

Bí mật nằm trong cái ý nghĩ lặp đi lặp lại của Khánh thế này: “Quyển này tao viết cứ gọi là tình tang từ đầu đến cuối!”. Lúc khác lại nói: “Dân tộc mình giỏi nhất hạng cái khoản tình tang...”. Lúc khác nữa lại nói: “Kỳ này mình cho cả thần thánh cũng tình tang với nhau, tình tang rung cả xóm làng...".

Nếu Nguyễn Xuân Khánh in bản Làng nghèo, anh sẽ có một cuốn tiểu thuyết bậc trung, hiện thực tàm tạm. Đẩy lên thành Mẫu Thượng Ngàn, anh đã có một tiểu thuyết mang tầm khái quát văn hóa, nhân vật không còn là những thân phận riêng lẻ mà là cả một cộng đồng.

Cái tài của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là ở chỗ anh dùng gần như toàn bộ những “nhân vật” anh từng về quê ăn giỗ mỗi tuần một bận, để rồi sắp xếp họ lại trong một không gian là một cái làng vẫn như thế mà lại khác hẳn, trong một thời gian là cuộc khủng hoảng giành lại một bản sắc dân tộc.

_____________________

Chúng ta là những người nhà quê

* Trong bài viết của mình, nhà văn Châu Diên bảo rằng Mẫu Thượng Ngàn là một biến thể hoàn toàn mới của Làng nghèo ông viết ngày xưa?

- Năm 1959, tôi đi trại sáng tác cùng Phù Thăng, Xuân Sách, Hoàng Văn Bổn, lúc đó tôi viết cuốn tiểu thuyết Làng nghèo, cuốn sách viết về một làng quê thời kháng chiến chống Pháp. Vì những lý do nào đó, cuốn sách ấy bị đình lại, không in.

Năm 2000, cuốn Hồ Quý Ly của tôi in ra được bạn đọc đón nhận. Năm 2001, tôi lục giở đống bản thảo cũ và ý tưởng về một cuốn tiểu thuyết nói về một làng quê lại hiện ra với tôi. Nhưng bây giờ tôi đã nhiều tuổi, đã trải qua nhiều nỗi đời, cuốn Làng nghèo ngày xưa chẳng còn dung chứa nổi những suy tư của tôi nữa.

Cũng vào năm 2000 tôi được các cụ trong họ phân công viết gia phả dòng họ mình. Đây cũng là một cơ duyên thúc đẩy tôi viết cuốn sách mới về văn hóa một làng quê.

Quê nội tôi là làng Cổ Nhuế, tục gọi Kẻ Noi, là một làng cổ ngay kề Hà Nội, một làng mà chỉ 20 năm trước đây còn rất “chân quê”.

Đáng lẽ ra cuốn tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn phải viết hoàn toàn về Hà Nội và một làng phụ cận, nhưng vì phải có một đồn điền của người Pháp bên cạnh một ngôi làng Việt để tiện cho việc diễn ra sự giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt - Pháp, tôi "dời" làng ấy lên trung du.

Hơn nữa còn cái tên Mẫu Thượng Ngàn của đạo Mẫu, rồi còn núi rừng quê hương ta nữa chứ.

Đất Mẹ, núi Mẹ, rừng suối Mẹ, cái đó hấp dẫn lắm chứ. Có rộng đất để mà múa bút. Chính vì vậy một ngôi làng hư cấu tên gọi Cổ Đình ra đời. Lẽ dĩ nhiên nó còn mang hơi hướng nhiều ngôi làng khác mà tôi đã đi qua.

* Từ Hồ Quý Ly đến Mẫu Thượng Ngàn đã thấy xuyên suốt một mối quan tâm đến lịch sử Việt và văn hóa Việt. Ông có lý do nào cho sự chọn lựa của mình, ở tuổi 70?

- Những tác phẩm chính của tôi phải kể đến bốn cuốn tiểu thuyết: Miền hoang tưởng (lấy bút danh là Đào Nguyễn), Trư cuồng, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn. Hai cuốn đầu là hai cuốn sách viết về những vấn đề nóng bỏng thời hiện đại. Đó là hai cuốn sách lúc tôi 40 và 50 tuổi.

Theo ý nghĩ của tôi, đời mỗi nhà văn chỉ có thể quan tâm tới một, hai vấn đề mà thôi. Hai cuốn đầu là mối quan tâm thứ nhất. Hai cuốn sau chính là mối quan tâm về lịch sử và văn hóa Việt.

Lịch sử là cái kho tàng chứa đựng những mơ ước ẩn ngầm của cái vô thức tập thể của cộng đồng dân tộc. Viết về lịch sử ta có thể tìm hiểu dân tộc ta sâu hơn. Văn hóa Việt cũng là vấn đề nằm trong dòng ấy, nhất là văn hóa làng xã.

Văn hóa của chúng ta là văn hóa nông dân. Chúng ta là những người nhà quê. “Nhà quê” đã tạo ra dân tộc ta với những kỳ tích. Nhưng cái nếp nông dân ấy cũng tạo nên những nếp hằn trong đầu óc từng người dân ta và cũng gây khó khăn không ít cho dân tộc trong phát triển.

Cuộc giao lưu với phương Tây, cụ thể là với người Pháp, đã gây cho dân tộc ta bao tủi nhục đau đớn; nhưng nếu bình tĩnh mà suy xét, cuộc va chạm lịch sử ấy cũng làm cho chúng ta thức tỉnh khỏi giấc mơ dài để tạo ra những cơ hội tiến vào con đường hiện đại.

CHÂU DIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp