Bộ sách khảo cứu dày hơn 1.800 trang về cuộc đời nhân vật Nguyễn Văn Tường vừa được trao giải Sách hay 2020 ở hạng mục Phát hiện mới - Ảnh: M.TỰ
Bộ sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn lại một lần nữa thu hút sự quan tâm của độc giả, không chỉ vì khối sử liệu đồ sộ và cuộc khảo cứu quá công phu của tác giả Nguyễn Quốc Trị - hậu duệ đời thứ ba của Phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường, mà còn vì câu chuyện của nhân vật vẫn luôn làm cho hậu sinh trắc ẩn.
Tại buổi ra mắt bộ sách ở Huế mới đây, một bạn trẻ đã đưa ra câu hỏi: "Nghiên cứu lịch sử là nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai. Bộ sách này đã làm sáng tỏ những ẩn khuất về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường. Vậy thì, việc tiếp theo mà người dân và chính quyền cần phải làm là gì?".
Tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn, diễn giả của buổi ra mắt bộ sách tại Huế, cho rằng đó là câu hỏi rất cần phải đặt ra.
Theo ông, bộ sách với rất nhiều tư liệu khách quan này không chỉ minh oan cho nhân vật Nguyễn Văn Tường, mà còn trả lại sự thật cho cả một giai đoạn lịch sử (từ trước năm 1862 đến cuối thế kỷ 19) mà lâu nay chúng ta bị "nhiễu" thông tin.
Thông tin bị "nhiễu" vì sử thần triều Nguyễn và vua Đồng Khánh (kế vị vua Hàm Nghi) không chép những gì vừa diễn ra mà bất lợi cho họ. "Sử thuộc địa" của thực dân Pháp thì chỉ đưa ra những thông tin có lợi cho họ.
Văn thân cực đoan sau này lại tiếp tục cắt bỏ những gì có lợi cho ông Nguyễn Văn Tường. Nên từ đó, quan đại thần Nguyễn Văn Tường dù được xếp vào nhóm chủ chiến của triều đình nhà Nguyễn (cùng với thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết), tức là chống Pháp, nhưng đã bị xem là đầu hàng Pháp.
Theo ông Sơn, bộ sách này với nguồn tư liệu chính xác, đã xóa bỏ sự ngộ nhận đó. Đơn cử như, những bản tấu của Nguyễn Văn Tường lên vua Tự Đức đã cho thấy ông chính là tác giả của sách lược "hòa để thủ, thủ để mưu chiến".
Từ nơi sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị), vua Hàm Nghi đã gửi bức dụ cho ông Nguyễn Văn Tường, nói rằng: "... Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta quanh quẩn, còn ngươi là phụ chánh đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản".
Bộ sách này cũng đã trả lời câu hỏi từ hơn trăm năm qua, rằng vì sao ông Tường theo Pháp nhưng lại bị Pháp đày đi biệt xứ Tahiti và phải chết trong đau buồn nơi đất khách quê người.
Trước đó, các cuộc hội thảo khoa học về nhân vật Nguyễn Văn Tường tổ chức tại TP.HCM (năm 1991), Huế (năm 2002) cũng đã góp phần trả lời câu hỏi này.
Vậy thì bây giờ, khi đã có đủ độ lùi lịch sử và nguồn tư liệu chính xác, hãy nhìn lại cho thấu đáo. Nhà nghiên cứu Phan Đăng, PGS.TS Bửu Nam cũng như nhiều người có mặt tại buổi tọa đàm ở Huế đã đồng tình với đề xuất chính quyền cần xem xét bộ sách này, nếu nội dung của nó thật sự tốt thì nên sử dụng để viết lại hồ sơ của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường.
Trên cơ sở khoa học đó để đánh giá và phục hồi tên tuổi Nguyễn Văn Tường đúng như sự thật lịch sử đã diễn ra.
Như cách mà chính quyền đã làm với nhiều nhân vật lịch sử khác, mà mới đây trường hợp Tả quân Lê Văn Duyệt - con đường mang tên ông đã được phục hồi ở TP.HCM.
Nhìn thấu đáo nhân vật Nguyễn Văn Tường còn để minh định cho một giai đoạn lịch sử phức tạp mà đến nay vẫn tồn tại nhiều thông tin chưa rõ ràng.
Giáo sư Cao Huy Thuần (nguyên giáo sư Đại học Picardie - Pháp), người đã giới thiệu bản thảo bộ sách này cho các nhà làm sách ở quê nhà Việt Nam, đã nhận xét trong lời tựa rằng "không ai phủ nhận được ưu điểm đáng trân trọng của sách này: nhận xét nào của tác giả cũng dựa trên những sử liệu gốc, đầu tay, có kiểm chứng, có phân tích, mà tác giả đã dày công thu thập trong nhiều năm qua".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận