20/05/2014 09:30 GMT+7

Nguyện ước cuối cùng

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

TT - Gần 20 năm từ lúc công trình đường dây 500kV xây dựng, vận hành, hiệu quả của hệ thống điện này đã làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế quốc gia.

F6bNTPOw.jpg
Nhiều công nhân đã ngã xuống trong quá trình xây dựng đường dây 500kV đoạn qua Đăk Glei (Kon Tum). Trong ảnh: công nhân thi công trong mưa trên đỉnh đèo Lò Xo, phía sau là trực thăng chở Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên thăm công trường - Ảnh: Hồng Long

Tuy nhiên, 20 năm đã qua mà vẫn còn nhiều ước nguyện dở dang với những con người từng gắn bó và ngã xuống cho dòng năng lượng quốc gia bừng sáng như hôm nay.

Phải chi họ là liệt sĩ

Theo số liệu từ Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, sau 20 năm xây dựng 1.500km đường dây 500kV đầu tiên đến nay toàn quốc đã có 5.534km đường dây 500kV với 20 trạm biến áp 500kV. Riêng trong năm 2013, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã truyền tải 530 tỉ kWh, tăng trưởng 10%/năm.

Chúng tôi tìm về Đông Hà (Quảng Trị) để gặp gia đình công nhân Hoàng Văn Trợ, mất ngày 30-4-1993 tại chân đèo Lò Xo (Phước Sơn, Quảng Nam) lúc thi công tuyến đường dây 500kV băng qua đèo. Ông Hoàng Văn Viện, cha anh Trợ, bị tai biến liệt nửa người nhiều năm nay nhưng vẫn rất minh mẫn dù tuổi đã ngoài 83. Khi biết chúng tôi có ý định hỏi về chuyện xưa, về người con út đã mất trên công trường đường dây 500kV, ông Viện lặng lẽ lấy mấy nén nhang đốt lên cắm giữa bàn thờ con trai và vợ. Ông mang ra tập ảnh cũ trắng đen đã ố màu, toàn bộ hình ảnh của ngày con trai ông mất, ảnh anh Trợ khi còn là học sinh đến lúc làm công nhân đều được ông lưu giữ. Bằng khen của Thủ tướng “Vì sự nghiệp xây dựng Tổ quốc” ông cũng còn cất giữ đến ngày hôm nay.

Anh Hoàng Văn Nhiệm, con trai đầu ông Viện, là thầy giáo trường THCS gần nhà. Anh Nhiệm nói khẽ: “Từ ngày chú út Trợ mất, bố mẹ tôi đều suy sụp, má tôi đổ bệnh rồi mất mấy năm sau đó. Ngôi mộ trên đồi gần chỗ chú út nằm. Bố tôi sốc quá cũng lâm bệnh từ ngày ấy”. Ngồi bên cạnh, vuốt nước mắt trên đôi má gầy teo tóp, bác Viện hồi tưởng: “Buổi trưa đó, vợ chồng tôi đang cắt lúa ngoài đồng thì có người chạy tới báo Trợ mất vì tai nạn khi chuẩn bị xuống núi để về nghỉ phép. Nghe đâu tai nạn làm Trợ cùng một công nhân khác quê Nghệ An chết tại chỗ, 47 công nhân khác bị thương bởi cả một chiếc xe chở công nhân về lán nghỉ lễ 30-4 đã mất thắng lao thẳng xuống vực. Vợ chồng tôi chết khựng trên đồng lúa, dân trong làng phải khiêng về. Mấy ngày ngất lên xỉu xuống vì thương con”.

Bác Viện mang ra cho chúng tôi xem cuốn sổ nhỏ ố vàng đựng trong túi nilông, vuốt ve cẩn trọng rồi bảo: “Đây, cuốn sổ tiết kiệm công ty làm cho nó khi qua đời đây. 1 triệu đồng. Tôi giữ mãi từ ngày ấy mà không tiêu xài đến. Có những lúc cũng khó khăn lắm nhưng cứ nghĩ đó là tiền của con, thôi không đụng tới”. Anh Nhiệm nói rằng vì quá thương con mà lúc mẹ anh còn sống chẳng lúc nào không nhắc đến con. “Bố tôi bảo mẹ coi như con hi sinh vì xây dựng đất nước. Phải chi nó được liệt sĩ thì gia đình cũng đỡ buồn đau hơn. Những năm đầu, cứ đến ngày 27-7 cơ quan trong Đà Nẵng có ra nhang khói, nhưng mọi thứ thưa dần rồi im luôn. Ngày ấy, căn nhà chỉ có tấm bạt che từ trước ra sau, tường nhà xây dang dở chưa tô quét, cơm ăn cũng thiếu thốn. Thấy gia cảnh khó khăn, chú ấy ngừng thi đại học một năm để xin vào làm công nhân kiếm tiền lợp nhà. Ai ngờ...”, anh Nhiệm nhớ lại. Phải sáu năm sau khi anh Trợ mất, mấy anh em mới gom góp xây cho bố mẹ căn nhà tường vôi thay phên tre đến bây giờ.

Chợ Ba Đồn (Quảng Bình) là nơi mưu sinh của chị Nguyễn Thị Thanh suốt hơn 20 năm qua từ lúc chồng chị, anh Nguyễn Văn Hiển, ngã xuống trên công trường đường dây 500kV. Đứa con lớn 2 tuổi và đứa nhỏ 1 tuổi ngày ấy bây giờ đã là sinh viên Đại học Luật TP.HCM. Lấy nhau được hai năm, chồng mất, nuôi hai đứa con trong gia cảnh túng thiếu, phía trước bầu trời như đổ sụp. Nước mắt lưng tròng, chị Thanh kể: “Anh mất tại bến Giằng (Nam Giang, Quảng Nam), rơi ở độ cao hơn 20m, khi đó anh là công nhân Công ty Xây lắp điện 3. Sau khi an táng, công ty cấp dưỡng cho hai cháu nhỏ hơn 100.000 đồng/tháng đến hết 18 tuổi và một cuốn sổ cho mẹ già”. Hai năm sau, năm 1995, chị được Công ty Xây lắp điện 3 mời ra Hà Nội gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Tôi có trình bày với Thủ tướng nguyện vọng gia đình cũng như những người có con em ngã xuống vì đường dây 500kV khi đó muốn được công nhận là liệt sĩ. Nhưng rồi thời gian cứ trôi qua...” - chị Thanh nói.

mEXAdjgh.jpg
Ông Hoàng Văn Viện bên tấm bằng khen do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký truy tặng con trai ông là Hoàng Văn Trợ - Ảnh: T.Vũ

Nỗi niềm đau đáu

Là người gắn bó với đường dây 500kV từ ngày còn sơ khai nên giờ đây với ông Nguyễn Hà Đông (giám đốc Công ty Truyền tải điện 2), câu chuyện dựng một đài tưởng niệm những người đã nằm xuống vì dòng điện của Tổ quốc vẫn là nỗi niềm đau đáu trong ông. “Anh em trong ngành cũng đã bàn nhiều lần lắm rồi nhưng giờ vẫn chưa thực hiện được”, ông Đông bảo. Trong khi đó, theo ông Đặng Phan Tường - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia: “Nếu làm chung đài tưởng niệm cho ngành truyền tải điện thì được. Vì đây là vấn đề tâm linh nên mọi việc phải hết sức thận trọng. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm thông tin về việc này”.

Ông Đậu Đức Khởi (nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực VN) kể: “Sau khi đường dây 500kV hoàn thành, bác Kiệt có gọi chúng tôi lên bảo: “Cái được của đường dây thì rõ rồi, nhưng cái mất cũng nhiều lắm, trong đó có nhân mạng. Chúng ta nên xây dựng một tượng đài để tri ân họ”. Sau đó, chúng tôi đã đi khảo sát và chọn một khu đất cách miệng hầm đường bộ Hải Vân (phía Nam) chừng 200m nhìn lên. Chính quyền Đà Nẵng cũng đã đồng ý cấp phép cho triển khai rồi. Thậm chí mô hình nghệ thuật của đài tưởng niệm cũng đã đưa ra đấu thầu, tổng kinh phí dự toán hồi năm 2009 khoảng 12 tỉ đồng. Nhưng sau đó Bộ Giao thông vận tải không đồng ý với lý do: đây là khu vực đường dẫn, nếu làm đài tưởng niệm sẽ có người đến thăm viếng, như vậy không an toàn cho các phương tiện giao thông vào ra hầm... Vậy là dự án tạm dừng. Sau đó thế hệ chúng tôi nghỉ hưu, thế là công trình đứng lại mãi đến bây giờ. Nguyện ước cuối cùng cũng chỉ là ước nguyện” - ông Khởi nuối tiếc.

Trong suốt hai năm thi công đường dây từ Bắc vào Nam có ít nhất 250 con người đã nằm xuống vì đường dây này. Có người chết vì tai nạn, có người sốt rét rừng, chết vì rắn cắn... “Đó không phải hi sinh là gì? Một tượng đài là hết sức cần thiết và đúng đạo lý”, ông Trần Viết Ngãi - nguyên giám đốc Công ty Xây lắp điện 3, phó trưởng ban chỉ huy xây dựng đường dây 500kV - nói trong ngậm ngùi.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6: Kỳ 7: Kỳ 8:

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp