26/07/2023 13:30 GMT+7

Nguyễn Trọng Tuyển - bí mật sự hy sinh anh hùng - Kỳ 1: Trọng Tuyển - Ba Thi, duyên phận thời chiến

TP.HCM có một con đường mang tên Nguyễn Trọng Tuyển, nhưng ít người biết đầy đủ về ông. Thông tin trên các trang tài liệu chính thức cũng còn rất ngắn gọn.

Bài thơ ông Trần Bạch Đằng viết tiếc thương bạn - Ảnh QUỐC MINH

Bài thơ ông Trần Bạch Đằng viết tiếc thương bạn - Ảnh QUỐC MINH

Nguyễn Trọng Tuyển từng là bí thư Tỉnh ủy Gia Định, bạn tâm giao với ông Trần Bạch Đằng và là chồng bà Nguyễn Thị Ráo, tức Anh hùng lao động Ba Thi - người có công góp phần "xé rào" ngăn sông cấm chợ, đưa gạo miền Tây lên cho mấy triệu dân TP.HCM thời hậu chiến khó khăn.

Đặc biệt, sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển rất anh hùng. Sự thật thế nào?

Tây Ninh tháng 7-2023, mưa gió sụt sùi. Nhưng kỳ lạ là trời lại hửng nắng dịu trong buổi giỗ liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển được tổ chức ngay tại căn hầm ông hy sinh năm 1959 ở xóm Ba Sòng, Tây Ninh (nay là phường An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh).

Nguyễn Trọng Tuyển nên đôi trong lớp học ở chiến khu

Thắp nén nhang lên nấm mộ chiêu hồn, không có hài cốt liệt sĩ, nhiều người đã rưng rưng khi nghe vị chứng nhân bạc đầu kể lại cuộc hy sinh bi tráng năm xưa. Và một cựu chiến binh bạc đầu cất giọng ngâm bài thơ của chính ông Trần Bạch Đằng ngày ấy viết tặng hương hồn bạn mình:

"Chiều nay tôi trở về xóm cũ

Bao mái nhà ủ rũ nét thương đau

Đôi đũa, chén cơm ăn tuôn trào nước mắt

Xóm Ba Sòng đang khóc vì anh

Thằng Ba, anh Ba, bác Ba

Tôi nghe qua từng tiếng nấc

Tình luyến lưu sâu sắc tận đáy lòng...".

Ông Nguyễn Văn Quang thắp nhang ở miếu thờ liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển ngay nơi ông hy sinh tại Tây Ninh. Ông Quang cũng chính là con rể của ông Tuyển và bà Ba Thi - Ảnh: QUỐC MINH

Ông Nguyễn Văn Quang thắp nhang ở miếu thờ liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển ngay nơi ông hy sinh tại Tây Ninh. Ông Quang cũng chính là con rể của ông Tuyển và bà Ba Thi - Ảnh: QUỐC MINH

Nhưng đó là câu chuyện của hôm nay, ngày giỗ - ngày tưởng niệm ông. Ngược dòng thời gian trở lại giai đoạn lịch sử trước 1945, ông Nguyễn Trọng Tuyển (sinh năm 1922) đã cùng gia đình từ tỉnh Hưng Yên vào sinh sống tại Sài Gòn và làm công nhân trong một hãng giày. 

Theo tài liệu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, từ tháng 8-1945 ông Tuyển được tuyên truyền và giác ngộ cách mạng, tham gia tổ chức Công nhân cứu quốc tỉnh Gia Định.

Sau đó, ông Tuyển phụ trách tờ báo Thống Nhất của Tỉnh bộ Việt Minh Gia Định. Từ năm 1949, ông được tín nhiệm giao trọng trách trưởng Ban tuyên huấn Liên - Việt Gia Định, rồi sau là tỉnh ủy viên, phó bí thư, bí thư tỉnh Gia Định...

Nhắc nhớ về cha ông mình, con cháu ông kể lại bước ngoặt ông Tuyển đến với bà Ba Thi chính là những năm đầu thập niên 1950 khi họ đi kháng chiến và gặp nhau dưới tán rừng tràm Cà Mau. 

Tài liệu gia đình ghi chép như hồi ký của bà Ba Thi kể rằng tháng 2-1952, bà và ông Tuyển (lúc đó đang là tỉnh ủy viên Gia Định) cùng học lớp Trường Chinh khóa 3 ở Cà Mau. Ông Hà Huy Giáp là hiệu trưởng, ông Lê Đức Thọ (Sáu Thọ) giảng về công tác tổ chức và dân vận, ông Phạm Hùng giảng an ninh quốc phòng. 

Tổ học tập của bà Ba Thi do ông Lương Chí, bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, làm tổ trưởng, ông Trần Bạch Đằng làm thư ký tổ.

Bà Ba Thi kể lại trong tài liệu: "Lớp tôi khai giảng tháng 2-1952 và bế giảng tháng 8-1952. Cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp "trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh nhưng nhất định thắng lợi" đã bước sang năm thứ 7. 

Mọi người đều phải bình thường hóa cuộc sống. Các anh, các chị cán bộ lãnh đạo thường nhắc nhở chúng tôi là trai phải có vợ, gái phải có chồng, làm cách mạng chứ đâu phải đi tu. 

Trong số học viên nữ của lớp Trường Chinh khóa ba có các chị Năm Chơn, Phương Điền... đều đã có gia đình, chỉ mình tôi là lẻ bạn. Nên các anh, các chị đều nhiệt tình tìm đối tượng để xây dựng cho tôi ngay trong lớp học. Các anh các chị giới thiệu cho anh Trọng Tuyển, tỉnh ủy viên Gia Định. Ai cũng khen anh đẹp trai, có trình độ học vấn, công tác tích cực, tương lai đầy triển vọng.

Riêng tôi trong lòng còn e ngại. Mình là nông dân lao động vất vả từ tấm bé, ít học, sợ tính tình không hợp, hạnh phúc biết có bền vững hay không. Chị Sáu Đê tích cực thuyết phục tôi rằng Trọng Tuyển đàng hoàng, đứng đắn, lập trường, tư tưởng vững vàng, mày còn muốn gì nữa? Nhận lời rồi, trường sẽ tổ chức đám tuyên bố luôn, có đông đủ đại diện các tỉnh Nam Bộ cùng dự, còn gì vui bằng".

Thế rồi sự kết hợp đôi lứa thời chiến đã thành công. Chàng trai đất Bắc nên duyên với cô gái phương Nam (bà Ba Thi quê Trà Vinh, sinh cùng năm 1922 với ông Tuyển). Một niềm vui nữa là khi lớp học Trường Chinh 3 kết thúc đã có cả hai đám cưới được tập thể tổ chức cùng lúc. 

Đám cưới của Nguyễn Trọng Tuyển với Nguyễn Thị Ráo, Nguyễn Văn Tiên, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 307 với cô Nguyệt Anh. Và sau này, cô Nguyễn Thị Ráo, tức Chín Ráo, mới mang cái tên thân thương Ba Thi, bí danh của chính người chồng mình. 

Cái tên Ba Thi mà suốt từ thời chiến qua đến thời bình khó khăn rồi đổi mới luôn được người dân thương mến. Nên khi viết hay kể về bà dù thời chiến hay thời bình, nhắc tên Ba Thi luôn được nhiều người nhớ hơn.

Anh Ba Tuyển lớn tuổi hơn tôi, là bậc đàn anh cách mạng đi trước. Anh vừa là cán bộ kháng chiến kiên trung, vừa là anh em nghĩa tình với tôi, với các đồng đội. Sự hy sinh anh dũng của anh làm mọi người rất tiếc thương.
Cố Thủ tướng PHAN VĂN KHẢI

Gần nhau nhưng không được bên nhau

Trở lại thời điểm cuối năm 1952, sau khi được tin ông Nguyễn Trọng Tuyển nên đôi với bà Ba Thi, ông Lê Duẩn đã điều động bà Ba Thi về làm ủy viên Đảng Đoàn tỉnh Hội Phụ nữ Gia Định, một tỉnh ven đô thành Sài Gòn ngày ấy.

Tuy nhiên, vợ chồng hoạt động kháng chiến trên cùng địa bàn Gia Định, ông Tuyển vẫn rất ít được gặp vợ mình. Sau này, bà Ba Thi kể lại khi mang thai con gái đầu lòng Nguyễn Hồng Thảo, bà đã đi "đường hợp pháp về thành để sanh ở nhà thương thí". 

Tháng 5-1955, bà mang thai đứa con gái thứ hai 8 tháng và bị bắt trong một cuộc chỉ huy biểu tình ở trung tâm Sài Gòn. Cô con đầu của bà mới 2 tuổi phải xa mẹ và được bà Bảy Huệ (bà Ngô Thị Huệ, vợ cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, lúc ấy là trưởng Ban phụ vận thành Sài Gòn) cưu mang. Ông Tuyển rất thương vợ, thương con, mà không thể nào tự tay chăm sóc được vì hoàn cảnh kháng chiến.

Sau này, tài liệu ghi chép về bà Ba Thi đã kể lại: "Anh ấy rất cưng con, nhưng vì hoàn cảnh hoạt động bí mật, nên không thể gặp gỡ thường xuyên. Có lần anh về đột xuất, tôi không kịp đi rước cháu Thảo vì cháu ở chỗ khác, anh ẵm cháu Hiền, hôn con, hỏi chuyện con mà mặt anh đăm chiêu. 

Anh nhỏ nhẹ nói với tôi: "Anh biết em cực quá, mà không thể đỡ đần, chia sớt với em. Khó gì thì khó, em cố gắng chăm lo ăn uống cho con. Con ốm và xanh quá". Tôi hứa với anh sẽ chú ý điều anh dặn dò".

Để giúp vợ nuôi hai con thơ, ông Tuyển đã dành tiền nhuận bút để gửi cho vợ. Từng làm báo từ những năm 1940, đến những năm 1950 ông Tuyển vẫn viết cho các tờ báo chống chính quyền Sài Gòn.

Con đường mang tên liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển giao với đường mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Con đường mang tên liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển giao với đường mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Con đường mang tên Nguyễn Trọng Tuyển

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - cựu ủy viên thường trực Hội đồng đặt đổi tên đường TP.HCM, đường Nguyễn Trọng Tuyển hiện nay chính thức được đặt tên liệt sĩ vào ngày 4-4-1985. Thời Pháp thuộc, nó mang tên Martin Pellier nhưng dân chúng quen gọi là đường Lò Đúc, và đến năm 1955 thì đổi tên thành đường Nguyễn Minh Chiếu.

----------------------

Ngày rằm tháng 5 âm lịch năm 1959, ông Tuyển ôm vợ và hôn con thơ để chia tay ra chiến khu. Không ngờ đây là lần cuối cùng bà Ba Thi còn được gặp chồng.

Kỳ tới: Cuộc chia tay vĩnh biệt

Trần Bạch Đằng - một ngòi bút lửaTrần Bạch Đằng - một ngòi bút lửa

TTO - Sáng 13-4, tôi bỗng nhận được một bức thư, ngoài bìa thư ghi “Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu”. Bóc vội thư ra mới thấy “Thư mời dự giỗ lần thứ 10 của cố nhà báo Trần Bạch Đằng”, do chị Trần Hồng Ánh (con gái ông) gửi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp