Phóng to |
Tranh kề bên sách |
Tròn hai năm trước, cũng tại gallery này, cũng vào mùa Lễ Tạ ơn (Thanksgiving), khi sắc thu rực rỡ của vùng đất New England vừa qua đi, Nguyễn Trọng Khôi đã có triển lãm Tuổi thơ và thần thoại; trước đó nữa, tại Thư viện công cộng của thành phố Newton vào mùa Thanksgiving 2004 là triển lãm Quà tặng của Thượng đế; còn triển lãm hiện nay của anh có tên Thanh âm của im lặng (The Sound of Silence), trưng bày khoảng hai chục bức sơn dầu khổ nhỏ và vừa, được thể hiện bằng ngôn ngữ hiện thực có nhuốm ít nhiều siêu thực.
Như tên gọi, tất cả tranh đều thể hiện một sự im lặng đến không cùng: chỉ có ngôn ngữ của sự câm lặng ngàn đời lên tiếng trong những bức tĩnh vật, ở đó tác giả vẽ những viên cuội, những hòn đá mà ta có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi đâu, những chiếc bình, hũ gốm tầm thường, dung dị, những cuốn sách cũ kỹ vì được đọc quá nhiều, những ly rượu ngọt ngào men say… Không, có cả người nữa, nhưng cũng là những tượng - người lặng thinh đang tấu lên khúc nhạc vô thanh. Màu xám lặng lẽ, màu vàng chanh khắc khoải và nhung nhớ, chút sắc xanh nhạt nhòa…
Phóng to |
Tĩnh vật ly nước |
Có đến ngôi nhà xinh xắn của vợ chồng anh ở không xa khu downtown Boston, thủ phủ bang Massachusetts, phía trước đầy những lá thu vàng đã rụng, rồi đi xuống tầng hầm, nơi Nguyễn Trọng Khôi làm studio của anh, nơi chất chồng hàng trăm bức tranh đã và đang vẽ dở dang, mới biết anh làm việc như thế nào, mới hiểu được cái “thanh âm của im lặng” trong tranh anh. Người nghệ sĩ vẽ và vẽ miệt mài khi ngôi nhà chỉ còn mình anh, vắng lặng, nhất là vào những ngày mùa đông giá rét, bên ngoài chỉ có tuyết trắng xóa và gió rít từng cơn tê tái…
Anh vừa trải qua năm năm liền không chỉ làm gì khác ngoài vẽ tranh, mà thành quả là những triển lãm liên tục mấy năm vừa qua ở Boston và các thành phố lân cận Boston như Lexington, Newton, hay đi xa hơn ở Cali, Texas… và cả một triển lãm ở quê nhà (tại gallery Tự Do năm 2005, chung với họa sĩ Trịnh Thanh Tùng). Chỉ mới đây, anh nhận một công việc về đồ gỗ, cũng hợp chút ít với bàn tay vẽ vời điêu luyện của anh, để có một thu nhập ổn định hầu tiếp tục vẽ, tìm kiếm những đề tài mới, những hình thức bày tỏ khác.
* * *
Hôm tôi đến, trong góc nhà là một tác phẩm mới hoàn thành: chín miếng kính nhỏ xếp kề nhau, trên mỗi miếng là một hòn đá nhỏ được vẽ bằng sơn dầu, khi xem cả tác phẩm dưới một ngọn đèn chiếu, những hòn đá riêng biệt trở thành một khối - lung linh, lung linh… Anh cho biết sẽ làm khoảng một chục cái như vậy và nếu có dịp sẽ đem về bày tại quê nhà. Rồi một loạt tranh mới, chủ đề Bí ẩn đại ngàn (Mountain Mystery), cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống và những huyền thoại Tây Nguyên. Và nhiều nữa, những tác phẩm dang dở vì tác giả chưa tìm được một chân dung thuộc về dã sử hay một cách bày tỏ ưng ý.
Phóng to |
Khách xem tranh |
Trên tường của tầng hầm là một chân dung Trần Dần khổ nhỏ thật sống động dù Nguyễn Trọng Khôi chưa từng gặp tác giả của những Cổng tỉnh, Mùa sạch, Người người lớp lớp… mà chỉ vẽ qua hình ảnh có được trên Internet. Có những tranh phong cảnh nho nhỏ về vùng đất anh đang sống, có những hoa trái trần gian. Nhưng nhiều nhất vẫn là những tĩnh-vật-vô-thanh, được anh say sưa vẽ trong những năm gần đây, những thứ mà chúng ta thường lãng quên, thậm chí vứt bỏ vì chúng không còn hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Phóng to |
Khúc sonate |
Nguyễn Trọng Khôi từng nói về chúng bằng tất cả sự yêu thương: “Có những đồ vật có số phận như con người theo thời gian rồi tan loãng vào hư vô. Có ngậm ngùi trong quá trình tồn tại. Có hư hao trong cuộc sống nổi trôi… Một viên đá cuội đứng giữa khoảng không mênh mông như một bi kịch tráng lệ. Tôi yêu cuộc sống đã đi qua. Cuộc sống đi qua là một kỷ niệm không tìm lại được. Trong lòng chúng ta thường dấy lên xót xa về những mất mát. Tuy nhiên bản chất phiền muộn đó bỗng nhiên trở thành những nỗi nhớ êm đềm, theo ngày tháng chúng được gạn lọc biến dần thành cái đẹp nằm trong tiềm thức…
Tranh tĩnh vật đưa ta về lại những góc nhỏ khuất lấp, đơn giản. Nơi ta có thể tìm thấy mỗi một sự vật đều có gắn liền với bản thân chúng ta. Y như một phần của chúng ta. Thân thiện, ấm cúng, quấn quýt. Nơi ta có thể bắt gặp lại chút hồn nhiên của cuộc sống mà bao đa đoan, danh phận đã cướp mất hồi nào”.
* * *
Ở Boston mấy ngày, chúng tôi có một kỷ niệm khó quên, đó là khi cùng nhau đi treo tranh ở thư viện Cary Memorial. Thư viện thật đẹp, kề bên đường phố nhưng có cả một khoảng xanh các phía còn lại. Tranh Nguyễn Trọng Khôi được bày ở sảnh tầng trệt, nơi nhiều người qua lại.
Phóng to |
Tác giả đang hoàn tất công đoạn cuối ở phòng tranh |
Anh cho biết, với anh các thư viện là nơi thích hợp nhất để bày tranh vì không gian đẹp, địa điểm dễ tìm và hoàn toàn miễn phí cho các họa sĩ; chỉ cần đăng ký trước hai năm để được xếp lịch triển lãm. Buổi treo tranh mất chừng hai tiếng song thật nhẹ nhàng vì mọi thứ cần thiết đều được thư viện chuẩn bị trước. Hóa ra tôi chính là người khách thưởng ngoạn đầu tiên cuộc triển lãm của bạn mình, ở cách xa quê hương nửa vòng Trái đất.
Trước ngày tôi rời Boston, nhà thơ - dịch giả Nguyễn Bá Chung một lần nữa chở tôi đến xem phòng tranh The Sound of Silence. Trong không gian im vắng của thư viện, dường như văng vẳng đâu đây giai điệu tuyệt vời bài hát cùng tên của Simon and Garfunkel mà tôi say mê từ thời trung học. “And the vision that was planted in my brain / Still remains / Within the sound of silence…” (Và cảnh tượng đã hằn trong trí tôi / Vẫn hiện hữu / Trong thanh âm của im lặng…).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận