25/11/2020 10:36 GMT+7

Nguyễn Trần Duy Nhất - cao thủ sàn Muay Thái - Kỳ 2: Tinh thần võ sĩ

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Mỗi võ sĩ là một chiến binh trên sàn đài và cả trên sàn... đời. Mỗi võ sĩ thực thụ luôn mang tâm thế người hùng dù chiến thắng hay chiến bại, vì họ đã dám cống hiến hết mình cho võ thuật.

Nguyễn Trần Duy Nhất - cao thủ sàn Muay Thái - Kỳ 2: Tinh thần võ sĩ - Ảnh 1.

Duy Nhất (bìa trái) luyện võ với huynh đệ ở lò võ gia đình tại Cát Tiên - Ảnh: NVCC

Đặc biệt, trong đời thường, võ sĩ phải biết nhẫn nhịn, điềm đạm hơn người, vì nếu ngay cả việc làm chủ bản thân mình còn không làm được thì làm sao chiến thắng đối phương?

Nguyễn Trần Duy Nhất

Sau ánh hào quang võ đài là sự khổ luyện đẫm mồ hôi, thậm chí cả máu, mà không phải ai cũng vượt qua được. Đó là tinh thần võ sĩ thực thụ mà ai đã dấn thân vào đam mê này đều phải ghi nhớ.

Huynh đệ Lò Tấn

Cùng sinh ra và lớn lên trong lò võ Tấn Gia Quyền, huynh đệ với Nguyễn Trần Duy Nhất còn có Nguyễn Trần Tự Do, Nguyễn Trần Triều Dâng, Nguyễn Tăng Quyền là những gương mặt nổi trội của môn muay Thái ở Việt Nam. Từ sàn đấu trở về cuộc sống, những võ sĩ từ Lò Tấn nỗ lực mỗi ngày để phát triển bộ môn muay Thái ở TP.HCM qua việc mở các phòng tập muay Thái, sống bằng nghề võ ở đời thường.

Con nhà võ thì chắc không bị bắt nạt? "Không hề, hồi bé Nhất thường bị bắt nạt vì bạn bè thách thức đánh lộn miết, nhưng lúc đó chỉ né chứ không đánh trả. Vì nếu Nhất đánh trả thì thành đánh lộn, sẽ bị ba má rồi ông nội phạt nặng" - Nhất cười hiền khô.

Lò võ Tấn Gia Quyền ở Cát Tiên, Lâm Đồng được ông nội Duy Nhất là Tấn Diêu lập ra khi gia đình chuyển lên đây sinh sống. Trong ký ức của mình, kỷ niệm thời niên thiếu của Duy Nhất gắn liền với những ngày cùng anh em trong dòng họ luyện võ và làm trợ lý huấn luyện cho cha mẹ ở sân tập. Hằng ngày, một buổi Duy Nhất đi học, buổi về phụ lớp võ.

"Năm mình 6 tuổi thì bắt đầu luyện võ ở Lò Tấn tại Cát Tiên. Hồi đó, cứ đến mùa hè, một số phụ huynh gửi con em đến nội trú để học võ ở nhà của Nhất cả ba tháng hè. Mỗi ngày, mấy anh em cùng nhau tập võ, vừa học vừa chơi. Có những ngày trời mưa, đám trẻ cùng vui đùa và tập võ dưới mưa. Lâu lâu ai đó quậy phá quá thì bị phạt... đứng tấn một tiếng đồng hồ. Ban ngày tập võ, đêm đến ngồi nghe ông nội kể chuyện đấu võ ngày xưa của ông rất hấp dẫn. Từ đó, Nhất có mơ ước sau này lớn lên cũng sẽ đi thi đấu giống ông và làm rạng danh dòng họ" - Duy Nhất nhớ lại.

Và cũng vì là con nhà võ nên thời thơ ấu của nhà vô địch muay Thái này thường bị "anh chị" thách đấu thử xem con nhà võ đánh lộn giỏi tới đâu. "Dân võ thì dễ kết giao anh em sau khi chạm trán. Nhất nhớ hồi đó vì mình là con nhà võ nên thường bị thách đấu. Năm Nhất học lớp 8, trong trường có nhóm đàn anh lớp lớn kéo đến kiếm chuyện. Ba má đã dạy không được đánh lộn, nhưng lúc đó cả đám có ba anh nhào vô đánh mình né không kịp, đành phải đánh trả.

Sau khi "hạ gục" nhẹ nhàng bằng cách lừa thế, đẩy ngã ba anh xuống ruộng, mình chạy về nhà trốn vì sợ ba má la. Ai dè đám học trò đó tìm đến tận nhà mình ngay sau đó, tưởng bị méc hóa ra mấy anh xin vào lớp võ học luôn. Từ đó, anh em trở nên thân thiết và thành học trò của Lò Tấn" - Duy Nhất vui vẻ nhớ lại kỷ niệm thời đi học.

Người thầy đầu tiên của Duy Nhất cũng chính là người cha - ông Tấn Phi Diệu, võ sư Tấn Gia Quyền. "Ở Lò Tấn, võ sinh không chỉ tập võ để khỏe, tự vệ, mà còn được học về tinh thần võ sĩ. Dù mình có mạnh hơn đối thủ cả trăm lần nhưng nếu không kiên gan, bền chí, khổ luyện và tự tin thì không thể chiến thắng. Đặc biệt, trong đời thường, võ sĩ phải biết nhẫn nhịn, điềm đạm hơn người, vì nếu ngay cả việc làm chủ bản thân mình còn không làm được thì làm sao chiến thắng đối phương?" - Duy Nhất trải lòng.

"Ông nội Nhất có kể một câu chuyện mà Nhất ghi nhớ đến giờ. Đó là một lần ông đấu trên võ đài khách, đối đầu với cao thủ giỏi nhất nơi đó, và ông đã có một đòn đánh knock out đối thủ. Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng, ông nội Nhất phải chạy nhanh về phòng ban tổ chức, đóng chặt cửa vì đàn em của võ sĩ bại trận tìm ông để trả thù. Mãi đến sáng hôm sau, công an mới đưa ông nội về an toàn. 

Thực ra nếu lúc đó ông nội và đồng môn chấp nhận ra mặt đánh một trận ra môn ra khoai cũng chưa biết ai gục trước, nhưng tinh thần võ sĩ là vậy. Võ thuật là để thượng đài chứ không phải để đánh lộn. Sau này, nhiều lần Nhất nhận được lời thách đấu tự do bên ngoài nhưng không bao giờ tham gia, bởi luôn nhớ lời dạy của những người thầy ở Lò Tấn năm nào" - nhà vô địch muay Thái trải lòng.

Nguyễn Trần Duy Nhất - cao thủ sàn Muay Thái - Kỳ 2: Tinh thần võ sĩ - Ảnh 3.

Võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất (bìa phải) phân chia các cặp đấu trong giải giao hữu muay Thái do anh tổ chức - Ảnh: NHẬT THỊNH

Vinh quang của nghề võ với tôi mà nói, đó là sự ngưỡng mộ dành cho những ai mang trong mình đam mê võ thuật và tinh thần võ sĩ thực sự.

Nguyễn Trần Duy Nhất

Ngoài sàn võ, còn là... sàn đời

Hiện nay, sân tập Câu lạc bộ No.1 Muay Club của Nguyễn Trần Duy Nhất tại TP.HCM luôn đông đúc võ sinh đến tập luyện, và đã đào tạo hàng trăm võ sĩ cho các giải đấu phong trào, nghiệp dư trong và ngoài nước từ năm 2014 đến nay.

Duy Nhất là một trong những võ sĩ Việt có nhiều trăn trở, khát vọng đeo đuổi nghiệp võ sĩ và phải làm sao để thực hiện được điều đó. "Bên cạnh đạt thành tích ở các giải đấu chính thức, cống hiến cho thể thao nước nhà, võ sĩ cũng cần ổn định cuộc sống để có thể tiếp tục tập luyện và giữ lửa nghề. 

Ở No.1 Muay Club Fight Night, mình có thể kiếm sống bằng chính nghề võ thông qua việc đào tạo những ai đam mê muay Thái. Hơn hết, ở sàn tập này, mỗi ngày Nhất cũng nhìn thấy quá khứ của mình trong ánh mắt khát khao chiến thắng của những võ sĩ trẻ" - Nhất chia sẻ.

Tối chủ nhật của tuần đầu tháng 11 vừa qua, giải đấu No.1 Muay Club Fight Night tổ chức định kỳ mỗi tháng của Duy Nhất vừa kết thúc. Lần giải này chứa nhiều cảm xúc với Duy Nhất, vì sau giải đấu anh đã bán đấu giá đai vô địch được 200 triệu đồng để cùng các võ sinh, người hâm mộ quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung vừa trải qua lũ lụt.

"Với Nhất, cuộc chiến của võ sĩ không chỉ trên sàn đấu. Khi thượng đài, họ phải cháy bỏng đam mê, cống hiến cho võ thuật và dũng cảm giao đấu. Về với cuộc đời là cuộc chiến mưu sinh không phải ai cũng được trải hoa hồng. Nhiều khi nghe anh em võ sĩ phải đi làm bán thời gian như bảo vệ, chạy Grab kiếm sống, lo cho gia đình. Đôi khi mình ngậm ngùi cảm thấy "đối thủ" trên sàn đời còn nghiệt ngã hơn trên sàn đấu" - Duy Nhất tâm sự.

Vì vậy, ở No.1 Muay Club, Nhất không chỉ rèn võ sĩ thi đấu, mà khi tới tuổi phải rời võ đài họ vẫn có thể kiếm sống và giữ lửa đam mê như mở phòng tập, làm huấn luyện viên cho những ai yêu thích võ thuật...

---------------------

Nhìn lên bầu trời thấy máy bay, Duy Nhất mơ ước sau này sẽ được ngồi trên máy bay đi khắp thế giới để thi đấu võ thuật, và anh đã không ngừng tập luyện để thực hiện ước mơ...

Kỳ tới: Sàn đấu trên đất khách

Nguyễn Trần Duy Nhất - Cao thủ sàn Muay Thái - Kỳ 1: Dòng máu võ thuật Nguyễn Trần Duy Nhất - Cao thủ sàn Muay Thái - Kỳ 1: Dòng máu võ thuật

TTO - Sinh ra trong gia đình truyền đời dòng máu võ thuật, Nguyễn Trần Duy Nhất đã đổ mồ hôi, thậm chí cả máu để tiến đến vinh quang võ đài. Cao thủ muay Thái này đã làm điều đó như thế nào?

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp