Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng cần sớm mở rộng thi tuyển từ cấp thứ trưởng trở xuống để chọn được cán bộ tốt. Trong ảnh: thí sinh dự thi công chức tại Học viện Cán bộ TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Hội nghị Trung ương 6 bế mạc với hàng loạt mục tiêu, định hướng lớn. PGS.TS VŨ VĂN PHÚC, nguyên tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, trao đổi với Tuổi Trẻ quanh việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động của hệ thống chính trị.
Ông Phúc nói: Thời gian qua công tác tổ chức, cán bộ đạt được nhiều thành tựu, giúp nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng. Tuy nhiên như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; chưa thật sự bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng, trọng dụng nhân tài; chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ...
7 ủy viên Trung ương bị khai trừ, cách chức, cho thôi
* Công tác tổ chức, cán bộ là nội dung rất quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Song với số lượng cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy còn nhiều hạn chế, yếu kém?
- Tổng bí thư đã chỉ thẳng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng tuy đã có nhiều đổi mới và có đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...
Điển hình sau Đại hội Đảng XIII đến Hội nghị Trung ương 6 chưa được hai năm đã phải khai trừ Đảng, cách chức tới bốn ủy viên Trung ương, cho thôi ba ủy viên Trung ương. Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược - ủy viên Trung ương. Vi phạm đến mức xử lý hình sự phải khai trừ Đảng để xử lý; còn cảnh cáo cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương.
Nhưng qua việc xử lý cho thấy công tác cán bộ có vấn đề. Trước Đại hội XIII, quy trình lựa chọn cán bộ vào danh sách trình Trung ương để trình đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương đã chuyển từ ba bước thành năm bước. Có ý kiến cho rằng quy trình năm bước rất chặt chẽ, khó lọt những người cơ hội.
Nhưng có người vào Trung ương khóa XIII chưa lâu đã bị cách chức như cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam. Hay lần đầu tham gia như cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đều bị khai trừ Đảng...
Nhiều người đặt câu hỏi quy trình chọn các cán bộ cấp chiến lược đã thực sự chặt chẽ hay còn có tiêu cực, góc khuất? Công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát quyền lực đã thực sự tốt? Có còn tình trạng chạy chức, chạy quyền không?... Những câu hỏi lớn này rất cần các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá một cách cụ thể.
PGS.TS Vũ Văn Phúc
Quy trình lựa chọn cán bộ vào danh sách trình Trung ương để trình đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương đã chuyển từ ba bước thành năm bước... Dù chặt nhưng vẫn để những người vừa vào Trung ương khóa XIII chưa lâu đã bị cách chức.
PGS.TS VŨ VĂN PHÚC
Nhiều trường hợp chọn sai cán bộ
* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cán bộ, trong đó bảy ủy viên Trung ương bị khai trừ, cách chức, cho thôi từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay?
- Ở đây có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng phần nào đúng khi nói rằng một số trường hợp đã chọn sai cán bộ. Sai ở đây theo phương diện có ủy viên Trung ương bị cách chức, cho thôi đã có sai phạm từ trước Đại hội XIII nhưng vẫn được chọn, đưa vào danh sách bầu vào Trung ương như ông Trần Văn Nam, Huỳnh Tấn Việt... Rõ ràng công tác xác minh, thẩm tra, đánh giá, sàng lọc cán bộ có vấn đề.
Đáng trách hơn là ông Nguyễn Thanh Long, ông Phạm Xuân Thăng hay ông Chu Ngọc Anh lại có những sai phạm, trục lợi trong bối cảnh cả dân tộc chịu cảnh cực kỳ khó khăn, gồng mình chống đại dịch COVID-19, nhiều người dân mất vì dịch. Với ông Long là "tư lệnh" ngành ở tuyến đầu chống dịch, nhưng lại trục lợi trên sinh mạng của nhân dân là điều không thể chấp nhận. Việc khai trừ, xử lý hình sự các ông này là hoàn toàn đúng đắn.
Không tạo được sức đề kháng để "vi rút" tham lam, lợi ích vật chất, tiền bạc xâm nhập vào thì từ một người hôm trước tốt hôm sau trở thành tham nhũng, tiêu cực, suy thoái rất dễ dàng.
Hội nghị Trung ương 6 đã quyết định khai trừ Đảng ông Phạm Xuân Thăng (bìa trái) và lần đầu tiên cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương với ba ông: Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang, Huỳnh Tấn Việt - Ảnh: T.L.
Cán bộ càng cao càng phải nêu gương, nhưng...
* Không dễ tạo được sức đề kháng thì việc nghiên cứu, chế tạo "vắc xin" bằng "lồng cơ chế, pháp luật để nhốt quyền lực" là rất quan trọng?
- Vừa qua đã có các cơ chế, quy định về kiểm soát quyền lực nhưng vẫn chủ yếu bằng quy định của Đảng. Trên thực tế nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược thực hiện chưa nghiêm. Trong quy định nêu gương đã nhấn mạnh việc cán bộ càng cao càng phải nêu gương song không ít cán bộ cấp cao lại chưa thực sự nêu gương. Các ủy viên Trung ương bị xử lý vừa qua đều vi phạm quy định nêu gương, những điều đảng viên không được làm...
Do đó chế tạo "vắc xin" chính là phải thể chế hóa việc kiểm soát quyền lực bằng pháp luật. Quốc hội có thể xây dựng luật hoặc bổ sung các điều luật cụ thể quy định về kiểm soát quyền lực của cán bộ, nhất là với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp chiến lược. Pháp luật phải rất chặt chẽ, có chế tài nghiêm minh rõ ràng về từng hành vi, việc làm, mức xử lý thích đáng.
* Việc cho ba ủy viên Trung ương bị cảnh cáo thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương phải chăng là một phương hướng mới về đổi mới trong công tác cán bộ và hướng tới mở đường cho văn hóa từ chức?
- Chúng ta cần xây dựng văn hóa từ chức trong Đảng để làm gương cho văn hóa từ chức trong xã hội. Ở các nước, việc từ chức là rất bình thường.
Tại Hội nghị Trung ương 6 lần đầu tiên đã cho ba ủy viên Trung ương bị kỷ luật thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Việc này cũng dựa trên chính nguyện vọng của các cán bộ. Đây là việc mở đường cho văn hóa từ chức trong Đảng.
Sau đây, không chỉ cán bộ bị kỷ luật mà kể cả cán bộ chưa bị kỷ luật nhưng thấy năng lực hạn chế, phẩm chất, uy tín giảm sút cũng nên tự giác từ chức để nhường vị trí cho người khác xứng đáng hơn. Việc từ chức chính là sự rút lui trong danh dự. Song dù từ chức nhưng không có chuyện "hạ cánh an toàn". Nếu họ làm sai vẫn phải bị xử lý nghiêm minh...
Càng xử lý càng phát hiện nhiều tham nhũng?
Việc cho rằng càng xử lý càng phát hiện nhiều tham nhũng, tiêu cực và vụ sau lớn hơn, nghiêm trọng hơn vụ trước là chưa chính xác. Bởi thực tế có các vụ việc đa phần đều đã xảy ra rồi nhưng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, thanh tra chưa làm đến nơi đến chốn nên chưa phát hiện ra.
Hiện nay khi công tác giám sát, kiểm tra làm mạnh thì nhiều vụ việc, cán bộ, tổ chức vi phạm kể cả ở cấp rất cao, thậm chí khóa trước nhiều ủy viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý, thậm chí hình sự. Điều này đã đem lại niềm tin cho nhân dân. Thời gian tới, cần làm mạnh mẽ hơn nữa và xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Nên sớm thi tuyển từ thứ trưởng trở xuống
Tôi tán thành cách thức lựa chọn cán bộ qua thi tuyển, bởi nó khách quan, công tâm hơn và hạn chế những tiêu cực, chạy chọt. Đặc biệt sẽ hạn chế được câu chuyện dư luận vẫn kêu "nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ".
Thời gian qua, nhiều cơ quan như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, TP.HCM... đã tổ chức thi tuyển và kết quả đều được đánh giá tốt. Nhưng hiện việc thi tuyển mới đang thí điểm ở cấp vụ, sở, phòng. Do vậy, thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu mở rộng việc thi tuyển ở các cơ quan, đơn vị, chức danh khác.
Trong đó có thể xem xét mở rộng thi tuyển từ cấp thứ trưởng trở xuống để đảm bảo khách quan, công bằng, chọn được cán bộ tốt. Đối với cấp bộ trưởng có thể hướng tới để mỗi vị trí có ít nhất hai ứng viên.
Những người này cần trình bày công khai đề án hay chương trình hành động của mình để các cấp thẩm quyền xem xét, đánh giá và cán bộ, đảng viên, nhân dân theo dõi, nhận xét. Thông qua đó sẽ thấy rõ phẩm chất, năng lực của từng người để chọn lựa được người xứng đáng nhất.
Luật hóa các chỉ thị, kết luận của Đảng
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việc luật hóa các chỉ thị, kết luận về chỉnh đốn Đảng vào thực tiễn cũng là đổi mới phương thức lãnh đạo và đòi hỏi Quốc hội phải làm việc nhiều hơn nữa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Chánh Trực - nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - chia sẻ quan điểm trên. Ông đánh giá cao động thái của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc ban hành các chỉ thị, kết luận về chỉnh đốn Đảng, cũng như công tác nhân sự thời gian qua đã thể hiện sự chú tâm rất nhiều vào việc nâng cao chất lượng công tác nhân sự, tổ chức bộ máy đủ năng lực thực chất của Đảng.
Phải làm cho Nhà nước đủ mạnh
Ông Trực cho rằng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo với Nhà nước, bởi Nhà nước là nơi mà Đảng liên hệ trực tiếp và phổ biến với quần chúng một cách rộng rãi nhất. Đảng lãnh đạo Nhà nước trước hết là đã lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ. Cùng với đó, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị thông qua đảng đoàn mặt trận và các hệ thống chính trị khác.
Để lãnh đạo nhân dân, Đảng đã biết thông qua các cơ quan chính quyền và tổ chức thực hiện đường lối chính sách của Đảng chứ không làm thay công việc của chính quyền. Ví dụ bí thư Đảng ủy và chủ tịch HĐND có những vai trò khác nhau khi thị sát trực tiếp tại cơ sở chứ không phải đi xuống cơ sở để chỉ đạo những vấn đề như nhau.
Ông cho rằng nhiệm vụ quan trọng của Đảng khi lãnh đạo là làm cho Nhà nước đủ mạnh để có thể quản lý xã hội. Về phía Đảng phải làm sao để tập trung mở rộng ảnh hưởng trong xã hội thông qua tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Đảng mạnh ở sự gắn bó mật thiết với quần chúng, chính quyền mạnh ở chỗ nó thực sự là của dân, do dân, vì dân.
"Nhà nước phải thu hút dân vào chứ không phải Nhà nước tách rời dân, không phải quản lý chỉ bằng chỉ thị, quyết định. Giữ vững mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, kiên quyết chống bệnh quan liêu, độc đoán, cậy quyền. Cho nên Đảng phải tích cực vận động quần chúng bằng sự gương mẫu của đảng viên trong việc chấp hành đường lối chính sách của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước", ông Trực nhấn mạnh.
Nâng cao năng lực cơ quan kiểm tra Đảng ở địa phương
Về xây dựng Đảng, nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cho rằng việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong xây dựng nội bộ Đảng được thể hiện ở việc xây dựng về lý luận, chính trị, tư tưởng, tổ chức. Trong đó, công tác chỉnh đốn đội ngũ cán bộ về tư tưởng là quan trọng nhất.
Quan sát thời gian qua, ông Trực đánh giá Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm đúng vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình trong hàng loạt vụ việc cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, tư tưởng chính trị. Vai trò và năng lực kiểm tra của cơ quan Đảng đã được khẳng định qua từng vụ việc, vụ án được xử lý.
Theo ông Trực, thời gian tới ngoài việc phát huy, củng cố năng lực chuyên môn và vai trò của cơ quan kiểm tra Đảng ở Trung ương, cần nâng cao hơn nữa phương thức hoạt động, huấn luyện tư tưởng, nghiệp vụ cho các cơ quan kiểm tra Đảng ở cấp địa phương để ngăn chặn vi phạm, sai phạm từ gốc rễ; không để chờ tới có vi phạm lớn mới kiểm tra xử lý.
T.LONG - CẨM NƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận