Hoạt động vui Tết Nguyên tiêu thường kéo dài từ chiều 14 đến hết ngày rằm tháng giêng (âm lịch) - Ảnh: Lê Phan |
“Cụ cố nhà tôi là một trong những người Minh Hương sống tại Cù lao Phố - một cảng quan trọng đầu tiên của Nam bộ, hưng thịnh suốt khoảng 90 năm từ khi Trần Thượng Xuyên khai phá. Sau cuộc tấn công của quân Tây Sơn, cụ cố may mắn sống sót, di cư xuống vùng Chợ Lớn sinh sống, lập nghiệp” - ông An đôi dòng giới thiệu về gia phả nhà ông.
Riêng cuộc đời “niên thả cửu thập” (tuổi gần 90) của ông như gắn liền với những con đường lớn nhỏ của Sài Gòn - Chợ Lớn. Do vậy phần lớn lễ hội, phong tục, văn hóa của người Huê kiều trên đất Sài Gòn ông hầu như biết khá rõ.
Trong đó, Tết Nguyên tiêu hay còn gọi là Tết Thượng nguyên là dịp lễ gây ấn tượng sâu sắc nhất trong ông.
Rít thuốc một hơi dài, ông bồi hồi nhớ lại từ cái thời chợ Bình Tây còn kênh Hàng Bàng (hiện đã lấp 90% trở thành đường Bãi Sậy và Phạm Văn Khỏe, Q.6), có cầu Ba Cẳng từng nghe thấy trong câu chuyện "Dân chơi cầu Ba Cẳng" của nhà văn Trương Đạm Thủy..., người Huê kiều ở Chợ Lớn đã chơi Tết Nguyên tiêu mặc dù các hoạt động mừng lễ không sôi động như ngày nay.
Múa rồng ở Chợ Lớn trong một dịp lễ hội đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư iệu |
Hoàn cảnh khi ấy đa phần khó khăn, nhà người Hoa nào cũng tự chuẩn bị cho mình chè ỷ để cúng bái. Chè ỷ được làm từ những viên nếp, nhỏ, tròn, không nhân nấu chung với nước đường và gừng, khi ăn rắc thêm muối mè (người Việt gọi đó là món chè trôi nước). Theo người Triều Châu, “ia” (người Việt mình đọc là ỷ) có nghĩa là viên, tròn, với ý muốn cầu xin gia đình được đoàn viên, hạnh phúc.
Một số gia đình Hoa khác: Quảng Châu, Phúc Kiến, Hải Nam… làm bánh trôi có nhân khác nhau, như nhân ngọt: vừng, lạc, đậu trộn với đường. Trong dịp này, gia đình cùng nhau quây quần, cúng bái Phật và gia tiên, ăn bữa chay thanh đạm rồi sau đó đi chùa “vay lộc”, ngắm hoa đăng.
Mặc nhiên phải kể đến cái mùi pháo rộn ràng trong những ngày lễ tết của những năm cũ, cái hồi nhà nước mình cho phép đốt pháo. Như vậy cứ hễ giao thừa, lễ tết, cả thành phố như bừng tỉnh trong sắc đỏ của những chùm dây pháo.
Tục “vay lộc” thường diễn ra ở những ngôi chùa nổi tiếng khu vực quận 5 như chùa Thiên Hậu, chùa Ông… ”Lộc” thời đó có giá trị cao từ những mạnh thường quân giàu có. “Vay lộc” được bao nhiêu, chùa đều ghi chép cẩn thận. Gia chủ “vay lộc” may mắn làm ăn khắm khá trong năm, sẽ đến chùa báo đáp lại, ghi khắc công ơn người giúp đỡ.
Nhiều hội quán, chùa có hoạt động đấu giá chiếc đèn hoa đăng có kích cỡ khổng lồ, trên đó có đề chữ “Chúc phúc”. Người ngã giá cao nhất sẽ mang về, treo trong nhà lấy hên cả năm. Tiền đấu giá sẽ được chùa dùng vào việc từ thiện, giúp đỡ người nghèo.
“Ngày nay đời sống khá giả, người người tất bật hơn với công việc, nhiều gia đình người Hoa không còn tự tay làm lấy bánh tổ, bánh trôi nước, thậm chí thức đồ chay cúng bái… Họ thường mua những lễ vật tại các khu đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Triệu Quang Phục (Q.5). Một số gia đình Huê kiều kinh doanh tự do, sẵn sàng đóng cửa nghỉ 2-3 ngày trong dịp lễ này” - ông An cho biết.
Các hoạt động mừng Tết Nguyên tiêu cũng được tổ chức đa dạng, chu đáo hơn như: múa lân sư rồng, múa hẩu, biểu diễn cổ nhạc Phúc Kiến, xe hoa diễu hành, hóa trang ông Phúc-Lộc-Thọ,…
Rồi người dân vẫn đi chùa “hái lộc, vay lộc”, chỉ có điều trong khuôn viên chùa rộn ràng hơn so với ngày trước, với nhiều hoạt động buôn bán. Một số hội quán tổ chức trò chơi “trả lời câu hỏi” để nhận đèn lồng nhỏ. Nếu trả lời đúng, người chơi đem lồng đèn về nhà treo, cầu mong sự may mắn đầu năm.
Mỗi năm hình ảnh đó diễn ra như lệ cũ, chỉ khác đôi chỗ. Nhưng kể ra trong ký ức của ông toàn những hình ảnh đáng mến, trân quý, có tình, đầy tính cách của người Huê kiều lưu sinh tại vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn. Mặc dù vài gia đình gốc Trung Hoa đã nhỏ giọt xuống năm sáu đời sống theo nếp sống và phong tục Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận