
TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - Ảnh: NGỌC THẮNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, nêu rõ việc nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh và bỏ cấp huyện là tất yếu.
Bởi hiện nay chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy rất quyết tâm, quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm và đã làm là phải làm cả hệ thống đồng bộ, đảm bảo "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đây cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới vì đa số chỉ có mô hình hành chính 3 cấp.
Sáp nhập để tạo không gian phát triển mới
* Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy vừa qua có phải là tiền đề để tiếp tục nghiên cứu sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, thưa ông?
- Thời gian qua việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã đạt được một số kết quả nhưng chưa đạt được mục tiêu. Trong đó, tinh gọn bộ máy nhiều khi chỉ giảm được số lượng biên chế, còn chưa đạt chất lượng.
Về cách làm, nhiều khi còn nể nang và khi triển khai còn khó vì đụng chạm. Lần này Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện quyết tâm, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy chứ không còn là cuộc cải cách hay đổi mới nữa.
Là cuộc cách mạng thì phải thần tốc, quyết liệt, triệt để, bứt phá để vươn mình, vì vậy không còn lộ trình nữa mà là tiến độ làm, tiến độ công việc.
Do đó đợt sắp xếp tổ chức bộ máy lần này khác với trước đây. Việc này không phải bộc phát, mà trên cơ sở đã có nghiên cứu, kế thừa thành quả từ trước và làm quyết liệt như một cuộc cách mạng chứ không phải đổi mới. Đây là thời cơ vận hội, nếu không làm thì sẽ bỏ lỡ.
Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra các mục tiêu năm 2030, 2045 rất rõ, nên nếu không tăng tốc, bứt phá thì không thể đạt được tốc độ phát triển.
Vừa qua, chúng ta làm hai việc rất quan trọng là đột phá về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, cùng với đó là tinh gọn bộ máy và khoa học công nghệ. Tất cả đều làm đồng bộ và tinh thần rất quyết tâm chớp lấy thời cơ "ngàn năm có một" nếu không sẽ không còn lúc nào nữa.
* Khi triển khai chủ trương nghiên cứu sáp nhập tỉnh, theo ông nên tính toán những yếu tố nào? Có ý kiến đề xuất nên sáp nhập các tỉnh để tạo thành các vùng phát triển?
- Chúng ta cần có các nghiên cứu, căn cứ khoa học để làm sao sắp xếp khoa học. Trong đó, để xác định sáp nhập tỉnh nào với tỉnh nào phải có tiêu chí.
Nhưng yếu tố cơ bản đầu tiên phải là dân số, diện tích và có xem xét các yếu tố khác, đặc biệt là yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa... và các yếu tố theo nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Từ trước tới nay, ngoài đơn vị hành chính cấp tỉnh, chúng ta cũng đã nhắc đến các vùng tăng trưởng, vùng động lực để phát triển như vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng bằng sông Hồng...
Nhưng với vùng thì khá rộng, không chỉ là 2-3 tỉnh nhập lại. Ngoài vùng còn có yếu tố vị trí địa lý, dân số, con người, phong tục tập quán nữa…
Muốn sáp nhập tỉnh nào với tỉnh nào phải xét nhiều yếu tố, từ vị trí địa lý đến con người, dân số, phong tục tập quán…
Nhưng để như một tỉnh có dân số hơn 300.000 người như Bắc Kạn quá bé.
Thực ra, sau năm 1976, chúng ta cũng chỉ có 38 tỉnh. Lúc đó có những vấn đề liên quan điều kiện đi lại khó khăn, cơ sở vật chất cũng không có như hiện nay... nên tách ra thành nhiều tỉnh, thành hơn.
Đúng là có nhiều địa phương khi tách ra đã khá phát triển. Như ở miền Bắc, Vĩnh Phú trước đây tách ra thì Vĩnh Phúc phát triển trước, giờ Phú Thọ cũng phát triển.
Hay như Hà Bắc khi tách ra, Bắc Ninh phát triển. Những năm gần đây Bắc Giang phát triển rất mạnh.
Với Hải Hưng ngày xưa tách ra thành Hải Dương và Hưng Yên. Hải Dương phát triển trước, Hưng Yên gần đây cũng rất phát triển… Cũng như vậy, miền Trung thì Hà Tĩnh, Nghệ An rất phát triển hay Quảng Nam - Đà Nẵng tách ra rất phát triển...
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các tỉnh phát triển cũng đến giới hạn; nguồn lực, tài nguyên cũng dần cạn kiệt nên cần phải tính toán lại để tạo không gian phát triển mới.
Năm 2008, Hà Nội sáp nhập Hà Tây. Ban đầu có khá nhiều ý kiến bức xúc nhưng nhìn lại hiện nay có thể khẳng định sáp nhập như vậy Hà Nội mới có không gian, dư địa phát triển hơn...
35 đến 38 tỉnh - thành là phù hợp
* Cùng với việc nghiên cứu sáp nhập cấp tỉnh, việc bỏ cấp huyện sẽ có những thuận lợi gì?
- Thực tiễn nghiên cứu thì thấy cấp huyện của chúng ta là cấp trung gian, nếu tính về chức năng, nhiệm vụ, vai trò có hạn chế.
Hiện nay chúng ta có 4 cấp là trung ương, tỉnh, huyện, xã. Trung ương đưa ra các thể chế về pháp luật, chính sách; về chỉ đạo thì cấp tỉnh cơ bản quyết được ngân sách, quyết cả chính sách của địa phương.
Ngoài việc triển khai chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì có vấn đề tự quản của địa phương thì tỉnh cũng quyết nhiều vấn đề. Cấp huyện chỉ là cấp trung gian truyền tải xuống cấp xã và cấp xã mới là cấp trực tiếp thực hiện.
Qua cấp trung gian này có hai vấn đề đặt ra. Một là có thể tạo ra độ trễ, hai là tạo lực cản trong quá trình phát triển. Vì vậy bỏ cấp trung gian sẽ thông suốt từ cấp tỉnh xuống dưới cấp xã.
Nếu còn cấp trung gian thì hiệu lực, hiệu quả sẽ bị hạn chế. Đồng thời tạo chi phí hành chính cũng rất lớn. Chính vì vậy cần nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại.
Vấn đề cần chú ý là khi bỏ cấp trung gian thì cấp tỉnh sẽ chỉ đạo trực tiếp cấp xã. Như vậy, đội ngũ cấp cơ sở (cấp xã) cần phải được tăng cường, cũng như thêm các điều kiện, kinh phí, cơ sở vật chất để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
* Quá trình triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trung ương, bộ, ngành rất thần tốc, chỉ trong vòng 2 tháng. Tới đây sáp nhập các tỉnh, bỏ cấp huyện có nên duy trì tính thần tốc đó không?
- Tôi tin chắc là phải tiếp nối thần tốc. Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Như vậy phải chuẩn bị nhân sự cho đại hội các cấp và phải ổn định bộ máy các cấp. Vừa rồi chúng ta sáp nhập bộ, ngành và đã làm tới cấp sở, phòng.
Hiện nay đang thực hiện sắp xếp bỏ công an huyện theo đề án. Còn trong kết luận 126 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu rõ không chỉ bỏ công an huyện mà nghiên cứu sắp xếp cả tổ chức bộ máy tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, các tổ chức đoàn thể...
Tất cả hệ thống thực hiện đồng bộ và phải làm, phải làm kiên quyết, triệt để, đúng với tinh thần "trung ương gương mẫu làm trước, địa phương thống nhất làm theo".
* Từ thực tế nghiên cứu, theo ông, nếu sáp nhập tỉnh nên gọn lại bao nhiêu tỉnh thì phù hợp với tình hình hiện nay?
- Tôi nghĩ không nhất thiết sắp xếp lại như cũ, bởi sẽ phải thay đổi phù hợp với tình hình, đặc điểm của các địa phương. Nhưng trước đây chúng ta từng có 38 tỉnh nên có thể xoay quanh con số 35 - 38 tỉnh, thành là phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận