07/01/2025 05:23 GMT+7

Nguyên thị trưởng khu tài chính London: Trung tâm tài chính ở TP.HCM cần nét độc đáo

Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) đặt tại TP.HCM là một dự án mang tầm quốc gia và mô hình phù hợp nhất là mô hình dựa trên đặc thù của riêng Việt Nam.

Nguyên thị trưởng khu tài chính London: Trung tâm tài chính ở TP.HCM cần nét độc đáo - Ảnh 1.

Ông Michael Mainelli, nguyên thị trưởng khu tài chính London, chủ tịch điều hành Z/Yen Group - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN ANH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Michael Mainelli - nguyên thị trưởng khu tài chính London, chủ tịch điều hành Z/Yen Group, viện tư vấn thương mại hàng đầu tại thành phố London (Anh) - đưa ra quan điểm về thực tế cần được nhìn nhận khi phát triển IFC.

Cần 5 yếu tố "tốt"

Đánh giá của ông về dự án thành lập một trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM?

Chúng tôi rất ủng hộ ý tưởng thành lập một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế. Dự án này tập trung vào việc khai thác nguồn tiết kiệm và đầu tư trong nước, kết hợp với kỹ năng tài chính quốc tế để hỗ trợ các dự án phát triển.

Điều quan trọng nhất là đảm bảo các cơ hội đầu tư được phát triển minh bạch và mở rộng. Vị trí địa lý sẽ đóng vai trò là điểm giao thoa giữa trong nước và quốc tế. Dự án được xem như một dự án mang tầm quốc gia, với TP.HCM là trung tâm kết nối quốc tế là điều rất quan trọng.

Thách thức nào Việt Nam sẽ đối mặt khi phát triển IFC tại TP.HCM, theo ông?

Có năm yếu tố "tốt" cần thiết để phát triển một IFC bao gồm môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống và hệ thống tài chính.

Việt Nam đang và sẽ phải đối diện với một số thách thức nhưng không có thách thức nào là "đặc biệt khó" để vượt qua. Một tiêu chí quan trọng nhất để thành công là "đối xử công bằng với tất cả mọi người", đó là nguyên tắc pháp quyền.

Được biết trong nhiệm kỳ là thị trưởng khu tài chính London, ông đã đến Việt Nam và làm việc với các bộ ngành ở Việt Nam về IFC. Ông có thể chia sẻ về thành quả sau quá trình làm việc giữa đôi bên?

Tôi đã dành một tuần ở Việt Nam vào tháng 9 vừa qua để thảo luận về dự án này tại cả TP.HCM và Hà Nội.

Trong vài năm trở lại đây, Z/Yen đã tiếp đón nhiều đoàn đại biểu từ Việt Nam, gần đây nhất là tháng trước với Chartered Institute for Securities & Investment.

Các cuộc thảo luận đều đi vào thực chất và hiệu quả. Một số vấn đề được nhắc đến nhiều lần, bao gồm nhu cầu xây dựng các thiết chế pháp luật mạnh mẽ, có thể học hỏi từ các khu vực áp dụng hệ thống thông luật như Hong Kong, Singapore, Abu Dhabi và Dubai.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến trình áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), cũng như tăng tốc đào tạo chuyên nghiệp cho các ngành chứng khoán, kế toán, và bảo hiểm.

Cần sự độc đáo riêng và linh hoạt

Mô hình trung tâm tài chính quốc tế truyền thống như London, mô hình bán cổ điển và cải cách như Singapore, Hong Kong hay mô hình thế hệ mới như Dubai sẽ phù hợp cho TP.HCM?

Mô hình phù hợp sẽ mang tính độc đáo riêng của Việt Nam. Hồi tháng 9 khi đến Việt Nam, tôi từng chia sẻ rằng chúng ta không nên cố gắng hay ngay lập tức trở thành Singapore hay London.

Quan trọng là từng bước một, không sốt ruột và thực hiện bằng cách của riêng mình cũng như tập trung vào nền kinh tế địa phương. Việt Nam có thể học hỏi từ tất cả các mô hình hiện có, đặc biệt là những thành công nhanh chóng tại Dubai và Abu Dhabi, cũng như các trung tâm tài chính khu vực như Busan.

Đầu tiên là đưa ra được mục tiêu muốn hướng đến rồi phân chia chúng, thực hiện theo từng giai đoạn. Đi cùng với đó là luôn sẵn sàng thay đổi theo thực tế.

Việt Nam có nên tập trung vào một vài lĩnh vực cụ thể nào cho trung tâm tài chính của mình hay phát triển trên phạm vi rộng?

Chúng ta nên nhớ IFC được xây dựng để hỗ trợ Việt Nam, chứ không phải để tồn tại vì hình thức hay danh tiếng của riêng nó.

Nghĩa là IFC là công cụ, phương tiện phục vụ cho các lợi ích cụ thể như thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế và tạo ra giá trị thực sự cho quốc gia. Do đó, với quy mô dân số lớn 100 triệu người và nền kinh tế đa ngành, IFC nên bao quát hầu hết các lĩnh vực tài chính và một loạt các ngành công nghiệp, dịch vụ khác.

Một số lĩnh vực mà Việt Nam có thể xem xét thêm là trái phiếu đô thị hay các dự án năng lượng xanh vì phù hợp với định hướng của Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Ông Michael Mainelli là thị trưởng khu tài chính London đầu tiên đến thăm Việt Nam trong 10 năm qua.

Tháng 9-2024, ông Michael Mainelli đến thăm Việt Nam, gặp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Ủy ban Kinh tế Trung ương để thảo luận về IFC.

Ông Michael Mainelli hiện cũng là chủ tịch điều hành của Z/Yen Group, tổ chức đã xây dựng và công bố ba chỉ số uy tín về sự phát triển của các trung tâm thương mại mỗi năm hai lần: Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), Chỉ số Trung tâm thông minh (SCI) và Chỉ số Tài chính xanh toàn cầu (GGFI).

Nguyên Thị trưởng khu tài chính London nói gì về trung tâm tài chính ở TP.HCM? - Ảnh 5.Thủ tướng: 'Trung tâm tài chính là việc chung của đất nước, toàn hệ thống cùng làm'

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương không coi trung tâm tài chính là công việc của riêng TP.HCM và Đà Nẵng mà là việc chung của đất nước, toàn hệ thống phải cùng làm, cùng phát triển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp