Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long. Nhân 10 cuốn sách vừa được Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn tái bản, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ sẽ giao lưu với bạn đọc vào 17h ngày 19-3 tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: N.HOA |
* Với loạt sách tái bản lần này, cảm giác của bà thế nào?
- Tôi rất vui vì sách in đẹp, trình bày trang nhã và NXB Hội Nhà Văn có làm công tác chú thích rõ ràng các từ ngữ, lời ăn tiếng nói của người miền Nam mà tôi đã sử dụng.
Từ nhiều năm trước đây, do quý mến tôi nên nhà thơ Ý Nhi đã nhiệt tình xin tái bản nhưng không được cấp phép. Nay mọi việc đã tốt đẹp hơn. Với tôi là một tín hiệu đáng mừng.
* Trong các tác phẩm đã viết, bà thích quyển nào nhất?
- Đó là quyển Khung rêu. Chỉ có 30% là hư cấu, còn lại là sự thật. Tiểu thuyết là tưởng tượng, ai cũng biết vậy nhưng có tưởng tượng nào không bắt nguồn từ một phần sự thật?
Từ hồi còn nhỏ, tôi đã phải chịu đựng một ám ảnh thường xuyên: sự suy sụp, bệ rạc của một gia đình thịnh mãn ở miền Nam (cái thịnh mãn của hàng điền chủ ở miền Nam trước đây đã là tục ngữ...).
Nguyên nhân chính của sự suy sụp, bệ rạc này thì ai cũng biết: chiến tranh. Một cuộc chiến tranh dằng dai 25 năm, khoảng thời gian gần bằng số tuổi của tôi lúc đó.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một dòng dõi đã đến hồi ly tán. Những cảnh sống huy hoàng, vương giả của một thành phần xã hội chỉ còn trong trí nhớ ao tù của những ông già bà lão, những cảnh sống mà tôi chỉ được nghe kể lại như một chuyện hoang đường trong những lần giỗ chạp...
Khi bắt đầu quyển truyện này, tôi đặt trước cho mình một chủ định: ghi lại cái ám ảnh từ thời nhỏ dại đó của tôi, trong ước vọng một lần nữa giải tỏa nó cho xong.
Ban đầu tôi viết Khung rêu đăng feuilleton (nhiều kỳ) trên nhật báo Bút Thép, sau mới in thành sách. Năm 1971, em ruột tôi là nhà văn Hồ Trường An tự ý đem gửi dự thi. Lúc vào bệnh viện sinh đứa con thứ hai, tôi hay tin Khung rêu đã được trao giải thưởng Văn học miền Nam.
* Trong đời viết văn của bà, có kỷ niệm nào đáng nhớ?
- Khi viết truyện dài Cho trận gió kinh thiên đăng từng kỳ trên nhật báo, lúc đó tôi ở gần đình Phú Thạnh trên đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám).
Một ngày nọ, có người hàng xóm cầm lựu đạn qua nhà đe dọa buộc tôi phải ngừng viết vì đã ám chỉ gia đình họ. Tôi trả lời đây là sự trùng hợp, chớ nên suy diễn. Về sau họ mới hiểu ra.
* Kể từ tác phẩm cuối cùng Cho trận gió kinh thiên xuất bản lần đầu vào năm 1973, từ đó đến nay không thấy bà viết nữa. Bà có lý do nào không?
- Từ năm 1980 tôi về hẳn ở Lộc Ninh và không còn viết gì thêm. Tôi nghĩ mình không còn sung sức như trước, nếu viết thêm mà không hay hơn, lại viết bậy thì độc giả chửi cho (cười).
Với Nguyễn Thị Thụy Vũ, có thể thấy hai mảng đề tài xuyên suốt: sinh hoạt nông thôn miền Nam với nhiều bối cảnh của thập niên 1940. Bên cạnh đó, ngòi bút nữ này còn chạm đến đề tài thời thượng về giới “ăn sương”, các cô gái snack bar... khi Mỹ đổ quân vào miền Nam. Đáng chú ý, không chỉ là những phận đàn bà chìm nổi, còn là sự tiếp cận về lời ăn tiếng nói của các nhân vật. Các từ ấy nay có thể xa lạ với nhiều người nhưng chính nó cho thấy rằng tiếng nói Nam bộ còn là ngôn ngữ của văn chương. Thật thú vị khi quay trở về với những từ nay ít gặp như: ton reng (gièm pha, mách lẻo); nhậm lẹ (mau mắn, nhanh nhẹn); đi bương (lật đật, hối hả, mau, nhanh); ỏn thót (nịnh nọt, gièm pha); hơi lài (đã nhạt màu); phướng (đuôi cá nhiều màu sắc); thỏn mỏn (sa sút dần đến kiệt sức, kiệt quệ); ca giỡn nhịp (ca phiêu linh, ngẫu hứng theo cảm xúc nhưng lúc xuống xề vẫn trúng với khuôn nhịp)... Còn với các thân phận "sống làm vợ khắp người ta", Nguyễn Thị Thụy Vũ cho biết từ năm 1961 - khi từ quê nhà Vĩnh Long lên Sài Gòn học tiếng Anh và sau đó đi dạy cho các cô bán snack bar, “me Mỹ”, bà đã có được chất liệu ngồn ngộn và tiếp cận khá nhiều vốn từ, tiếng lóng vừa du nhập... Những trang viết sống động, tươi mới về đề tài này, so với các cây bút nữ thời ấy, Nguyễn Thị Thụy Vũ chạm đến một cách sâu sắc và chân thật hơn cả. Cần ghi nhận ở đây là góc nhìn nhân văn, cảm thông và chia sẻ của bà về thân phận người phụ nữ thấp kém, bất hạnh trong xã hội cũ. Thêm nữa, một chút ngạc nhiên không hiểu sao Giải thưởng Văn học miền Nam năm 1971 lại trao cho tiểu thuyết Khung rêu của bà? Có lẽ họ trao vì giá trị đích thực của văn chương hơn là xét về “quan điểm chính trị” bởi lẽ các tuyến nhân vật, sau Cách mạng Tháng Tám (1945) đã thật sự thay đổi. Người nông dân bần cùng đã đứng lên lật đổ điền chủ, làm chủ vận mệnh. Hãy nghe Đực, một “bần cố nông”, trả lời lúc ông Phủ đi thâu lúa ruộng: “Ông hãy quày ghe về ngay, nếu không vị chút tình nghĩa cũ, tui đã ám hại ông rồi. Tất cả ruộng đất của bọn tay sai cho Tây đều được chia cho dân nghèo hết rồi. Ông đừng có mong còn một hột lúa cho chim ăn, một thẻo đất cho chó ỉa nữa”. Cũng từ năm tháng đó, không ít nhân vật trí thức của bà đã vào bưng theo kháng chiến. Tinh thần khí khái, nghĩa hiệp này rất gần với không khí hào hùng: “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...”. Tại sao lúc ấy Nguyễn Thị Thụy Vũ đã mạnh dạn phản ánh đúng hiện thực của lịch sử? Tôi đã thử tìm ra câu lý giải: nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ là con gái của nhà thơ yêu nước Mặc Khải (tác giả tập thơ Sông nước Cổ Chiên, Phấn nội hương đồng) - thế hệ cùng thời với nhà thơ, nhà văn Sơn Nam, Truy Phong, Kiên Giang... đã cất lên tiếng nói về tình tự dân tộc, “về nguồn” trước sự va đập khốc liệt của thời cuộc. Vì thế khi cầm bút với ý thức xây dựng các câu chuyện, tình tiết, ngôn ngữ đặc thù... là một phần do bà ảnh hưởng từ thân phụ chăng? |
Cuộc đời tôi đã qua cầu đắng cay Sau năm 1975, chia tay chồng, tôi một nách nuôi bốn đứa con lít nha lít nhít. Tôi sống lay lắt, làm mọi nghề để kiếm sống ở Sài Gòn: bán vé xe buýt, bán bánh cuốn, buôn bán lặt vặt... Tôi vừa làm mẹ, vừa làm cha cho bốn đứa con mình. Đắng cay đủ cả. Năm 1980 không thể sống nổi ở Sài Gòn, tôi đưa con về Lộc Ninh sống dựa vào vài trăm gốc tiêu của mẹ. Năm con gái út của tôi 2 tuổi, trong lúc tôi đi làm báo, người làm để con bé bị té xuất huyết não mà giấu tôi. Con bé lên cơn sốt, tôi nghĩ con bị bệnh nên cho cháu uống thuốc hạ sốt thông thường. Nhưng rồi con bé bỗng nhiên không nói được, không biết xem tivi hay nhận thức xung quanh, tướng nó ngồi y như một con ếch. Tôi lo sợ đưa cháu đi khám bác sĩ mới hay não cháu bị cục máu đông chèn, thiếu oxy và teo não. Mấy chục năm qua con tôi sống đời sống thực vật. Mọi người xót xa cho tôi mẹ già chăm con trẻ nên gửi tiền giúp, nhưng tôi đâu có nuôi nó mà là nó nuôi tôi đấy chứ! Năm chồng tôi bỏ đi, đứa út vài tháng tuổi. Một lần duy nhất ông ấy trở về, đứa bé nhất cũng đã ngoài 40. Giờ tôi coi ổng như một người bạn văn nghệ. Vậy thôi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận