Sari tại Giải vô địch bơi người khuyết tật toàn quốc 2020 - Ảnh: T.P.
"Lúc nhỏ cũng có khi tôi sống bi quan, thậm chí không dám ra đường vì nhân dạng chẳng giống bạn bè trang lứa. Nhưng tôi cố gắng sống tốt qua từng ngày để trở thành tấm gương nghị lực cho con gái", Sari chia sẻ.
Chưa bao giờ khóc vì bất hạnh
Nói rằng mình thần tượng Mark Vujicic - nhà diễn thuyết không tay, không chân nổi tiếng thế giới của Úc - nhưng cuộc đời Sari là chuỗi những đấu tranh kiên cường, vật lộn để sinh tồn. Tuổi thơ của cô gái miền Tây này là chuỗi ngày kham khổ với đồng lương làm thuê ít ỏi của cha mẹ. 3 tuổi, sốt bại liệt cướp đi đôi chân tưởng chừng đẩy cuộc đời Sari vào ngõ cụt. Nhưng Sari luôn mạnh mẽ, chưa bao giờ khóc vì bất hạnh của mình.
Lên 9 tuổi Sari mới đến trường bằng chiếc xe lắc trên con đường đất đỏ gập ghềnh hơn 7km mỗi ngày. Cô nói trở ngại lớn nhất không phải đường xa, mà là ánh mắt chế giễu của đám bạn. Rồi mỗi khi tiếng ve gọi hè, thay vì vui chơi, Sari mới tí tuổi đã lên TP.HCM bán khoai lang hay kiếm việc làm thêm với tiền công chỉ bằng một nửa người thường để có tiền năm sau lên lớp.
Bơi đến thành công
Khó vậy nhưng Sari học giỏi và thi đậu đại học dù chẳng có tiền đi học. Năm 2007, Sari lại lên TP.HCM làm công nhân cắt chỉ. Dù tiền lương rẻ mạt nhưng cô vẫn gói ghém dành dụm, quyết chí ngồi vào giảng đường hai năm sau đó. Đắp đổi qua ngày, Sari cũng tốt nghiệp cử nhân ngành ngữ văn Anh của Trường đại học Hùng Vương năm 2012 với ước mơ sẽ trở thành giáo viên tiếng Anh.
Cũng chính tháng ngày bấp bênh ở TP.HCM, Sari được làm quen với bơi lội. Chỉ tập 3 ngày là cô biết bơi và 3 tháng sau giành luôn huy chương ở giải toàn quốc. Sau đó, cô gái Long An trở thành tay bơi cự phách của tuyển bơi lội người khuyết tật VN trên đấu trường quốc tế với rất nhiều HCV các kỳ ASEAN Para Games, HCĐ châu Á...
Những khoản tiền thưởng từ thành tích thi đấu, tiền chế độ tập luyện khi tập trung đội tuyển quốc gia đủ cho Sari đóng tiền học, phụ giúp gia đình và cả lo chuyện ăn học cho hai em. "Đã 35 tuổi, tôi không thể có thành tích như xưa. Nhưng tôi sẽ theo đuổi bơi lội đến khi nào không thể bơi được nữa bởi bơi lội đã cho tôi nhiều thứ, là bàn đạp để tôi vào đời. Bơi lội cũng là môi trường để tôi gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ", Sari nói.
Sari và con gái - Ảnh: M.Q.
Tự hào kể con nghe câu chuyện đời mẹ
Một câu chuyện bây giờ mới vỡ lẽ: năm 2013, Sari dự ASEAN Para Games tại Myanmar khi đã mang thai. Cô giấu tất cả mọi người với quyết tâm kiếm tiền lo cho con vì hiểu rõ khó khăn đang chờ đón bà mẹ đơn thân. Năm đó, Sari được tiền thưởng kha khá với 1 HCB, 2 HCĐ. Khi giải đấu hạ màn, cô còn đi bán vé số để tranh thủ kiếm thêm.
Sinh con xong, Sari cũng bắt đầu luống tuổi nên thành tích thi đấu theo chiều đi xuống. Bài toán kinh tế trở nên nặng gánh trên vai, Sari làm đủ nghề để kiếm sống, từ bán vé số, thêu tranh... và hiện cô làm công nhân tại Công ty giày Jia Hsin. Mỗi ngày, cô đi làm từ sáng tinh mơ đến 21h mới về nhà, với hơn 40km đi xe dành cho người khuyết tật để nuôi con.
"Chẳng màng cực nhọc bởi bao nhiêu mệt mỏi của tôi đều tan biến khi gặp con. Khi con thương mẹ, học giỏi thì tôi cảm thấy rất mãn nguyện. Bé lại vẽ rất đẹp. Bây giờ, tôi sống tất cả vì con và muốn truyền nghị lực sống tích cực cho con bằng câu chuyện cuộc đời của chính mình", Sari nói.
Không nghèo tấm lòng
Tuy còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng từ năm 2016, Sari mở lớp dạy Anh văn miễn phí cho trẻ em gần nhà. Vì Sari không nhận tiền nên phụ huynh thương cứ góp sách vở, bàn ghế để lớp phát triển (có khi lên đến hơn 30 em). Ngoài ra, cô còn nhận dạy kèm cho những người có nhu cầu học để xuất khẩu lao động.
Sari cho biết sang năm cô dự định chuyển sang làm việc tại Trung tâm ngoại ngữ Anh Việt ở Cần Đước để được sống đúng môi trường chuyên môn mình đã học và trót yêu từ thuở nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận