Hai quyển sách của Nguyễn Thị Hoàng - Ảnh: L. ĐIỀN
Nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng vốn nổi tiếng tại Sài Gòn bên cạnh các nữ văn sĩ cùng thời bấy giờ như Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Vinh...
Nhưng duyên văn của Nguyễn Thị Hoàng đặc biệt ở chỗ bà nổi tiếng ngay từ tác phẩm đầu tiên, điều mà các nhà phê bình bấy giờ đều thừa nhận dù có ý kiến khác nhau về văn chương của bà.
Từ hơn bốn mươi năm nay, Nguyễn Thị Hoàng gần như không giao lưu trong giới văn chương, hai ấn phẩm đầu tiên này đánh dấu sự trở lại của bà cũng như một thương hiệu sách có "mắt xanh" với dòng văn học miền Nam trước 1975.
Mây bay qua trời xưa là một phương diện hoàn toàn khác của Nguyễn Thị Hoàng: ngôn ngữ thơ sáng tạo và phá cách.
Bạn đọc sẽ bắt gặp những "ý niệm thơ" từ Nguyễn Thị Hoàng: các khái niệm "phương trình hợp nhất", "thể nhập", "trở về mình", "vết cắt tờ trời", "kinh định mệnh"... không chỉ là những nhan đề bắt mắt mà nó như một lưu ý để người đọc chuẩn bị bước vào thế giới thơ của bà.
Trên thiên đường ký ức dày dặn với 31 truyện ngắn. Đề tài truyện của Nguyễn Thị Hoàng gắn liền với không gian sống của giới trí thức và thượng lưu.
"Ngôn ngữ của Nguyễn Thị Hoàng là một ngôn ngữ chuốt lọc và nhuốm đầy màu sắc trí thức", nhà phê bình Uyên Thao từng nhận xét như vậy.
Cũng chính nhà phê bình này đã có nhận xét xác đáng về thiên hướng nghệ thuật của Nguyễn Thị Hoàng: "Về Trong sương mù, Tiếng chuông gọi người tình trở về, Một ngày rồi thôi, Cho đến khi chiều xuống, Tiếng hát lên trời, Vực nước mắt... là những đường hướng lớn dẫn người đọc tới đối diện với những khúc mắt của con người muôn thuở...
Người đọc bước vào đó với ý thức thắp lên một ngọn đèn, một bó đuốc bằng óc thông minh của một khả năng trí thức".
Tin vui là những tác phẩm trên đang được giao dịch bản quyền và có thể gặp lại bạn đọc trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận