06/02/2010 17:50 GMT+7

Nguyễn Thị Châu Giang: Trở về tình yêu

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TTXuân - Có một dạo, thấy Châu Giang gặp ai cũng hỏi biết chỗ nào tiêu thụ túi xách thời trang không, làm ơn chỉ giùm. Tưởng nữ nhà văn kiêm họa sĩ này đã chuyển sang nghề kinh doanh túi xách, nhưng không phải vậy. Châu Giang kể mình có người chị làm nghề may túi xách, muốn hợp tác với Châu Giang để làm ăn, mở rộng thị trường.

Iz2dD7iJ.jpgPhóng to
Châu Giang đang sáng tác - Ảnh: Minh Đức

Với Châu Giang, dẫu viết hay vẽ, hay lo vun vén cho một mái ấm thì cũng là để trở về với tình yêu, để có thể chấp nhận những bé mọn quẩn quanh, nhưng lại đang nuôi dưỡng một tình yêu lớn

Châu Giang không có tiền hùn, mà hùn cái vốn liếng mỹ thuật của mình, tức là thiết kế những mẫu hoa văn thêu trên túi xách, sau đó nhờ bạn bè giới thiệu nơi tiêu thụ. Không rõ công việc làm ăn của Châu Giang sau này có phát triển thuận lợi hay không, nhưng lúc đó nhìn những chiếc túi xách thật đẹp mà chị mang theo để chào hàng khi có dịp, mới thấy người phụ nữ này đã bươn chải vào đời theo cái cách riêng của mình.

Đối với văn chương, Châu Giang là một gương mặt từng tạo dấu ấn đẹp trong lòng độc giả. Giải thưởng Văn học tuổi 20 năm 1995 và Vì tương lai đất nước năm 1997 được trao cho Châu Giang khi văn chương của chị đạt tới độ chín chắn của câu chữ và đằm thắm của nội tâm. Đó cũng là giai đoạn Châu Giang viết khỏe, xuất hiện liên tục, dường như đối với chị năng lượng chữ không bao giờ vơi đi.

Quan sát Châu Giang cũng dễ thấy chị có đầy đủ những điều kiện để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp: vốn sống dồi dào, chịu khó xê dịch, tư duy mỹ học khá tốt, và quan trọng hơn hết là một tinh thần lắng nghe học hỏi. Vậy mà từ sau tập truyện ngắn Trở về tình yêu (NXB Phụ Nữ, 2004) thì Châu Giang đột nhiên… nghỉ chơi với văn chương, mặc dù công việc biên tập hằng ngày ở NXB Kim Đồng vẫn gắn liền với sách vở, chữ nghĩa.

WUmAYBu4.jpgPhóng to

Nhưng Châu Giang giải thích rằng mình không từ bỏ văn chương, đơn giản là chị đang trở về tình yêu. Thời điểm này là tập trung hoàn toàn cho hội họa. Châu Giang vẽ nhiều, triển lãm trong nước và quốc tế năm nào cũng có, tranh được các nhà sưu tập tìm mua, nhưng chị không vẽ theo đơn đặt hàng. Đó là nguyên tắc.

Trong năm 2009, một bức tranh của Châu Giang được một bảo tàng ở Singapore mua với giá khá cao trong thời buổi suy thoái kinh tế. Châu Giang vui mừng khoe, nhưng dặn đi dặn lại là đừng nói rõ cái giá ấy ra: “Coi chừng mình bị… uýnh chết, vì mình cũng may mắn thôi, còn biết bao người tài giỏi mà không được”.

Châu Giang không khiêm tốn giả vờ, chơi lâu với Châu Giang sẽ thấy chị rất tỉnh táo, biết người biết ta và lấy sự khiêm cung làm một đạo sống. Khi nói thời điểm này Châu Giang tập trung hoàn toàn cho việc vẽ thì đúng, nhưng có lẽ chưa đủ. Châu Giang không phải là người “sung sướng” chỉ biết làm nghệ thuật, chị còn là người mẹ của hai con nhỏ, là người vợ của nghệ sĩ violon nổi tiếng Tăng Thành Nam. Khi cả hai đều rất nổi tiếng nhưng không phải… đại gia thì Châu Giang chấp nhận lui về một chút để chăm chút cho nếp nhà.

Và như thế, với Châu Giang, dẫu viết hay vẽ, hay lo vun vén cho một mái ấm thì cũng là để trở về với tình yêu, để có thể chấp nhận những bé mọn quẩn quanh, nhưng lại đang nuôi dưỡng một tình yêu lớn. Cái nghĩa lớn ở đây là thật, một tình yêu có thật trong đời.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp