14/06/2007 15:35 GMT+7

Nguyễn Tất Thành - Người thanh niên "nghĩ khác"

GIANG TÙNG
GIANG TÙNG

TTO - Suy nghĩ như Bác, như Nguyễn Tất Thành ngày ấy, hôm nay chúng tôi gọi là “suy nghĩ khác”. Dám tìm một con đường khác cho riêng mình, khác biệt với những gì đã có, là một yếu tố quan trọng quyết định thành công...

3rnDzPCX.jpgPhóng to
TTO - Suy nghĩ như Bác, như Nguyễn Tất Thành ngày ấy, hôm nay chúng tôi gọi là “suy nghĩ khác”. Dám tìm một con đường khác cho riêng mình, khác biệt với những gì đã có, là một yếu tố quan trọng quyết định thành công...

...........................................

Trước tiền sảnh trụ sở của hãng máy tính nổi tiếng nước Mỹ Apple, có khắc một câu “Hãy suy nghĩ khác”. Ngụ ý của ban lãnh đạo là thôi thúc mọi nhân viên trong công ty có những suy nghĩ sáng tạo, khác người mới là tiền đề tạo nên thành công. Ngày nay, các bạn trẻ Việt Nam (nhất là trong ngành IT như chúng tôi) đều được khuyến khích hướng tư duy theo hướng “suy nghĩ khác”. Tìm hiểu nhiều về cuộc đời hoạt động của Bác, tôi chợt có liên tưởng thú vị: Bác Hồ chúng ta là một người Việt Nam tiêu biểu cho việc “suy nghĩ khác”, từ đó Bác đã tìm ra được con đường cứu nước, cứu dân.

Lúc nhỏ, Nguyễn Sinh Cung là người con ngoan trong một gia đình trí thức thanh bần, gia đình của cụ phó Bảng xứ Nghệ. Người con ưu tú đó lớn lên đã trở thành một thanh niên yêu quê hương, yêu những người nông dân nghèo chất phác xung quanh mình. Trăn trở trước cảnh đất nước điêu tàn đang chết dần chết mòn trong chế độ thực dân nửa phong kiến, cảm xót thân phận nghèo hèn của đồng bào, anh nung nấu quyết tâm phải làm điều gì đó để giúp cho những người thân thương bớt khổ.

Hằng ngày chàng thanh niên được nghe cha mình đàm đạo với các bạn đồng liêu, các bậc đàn anh về chí hướng cứu nước. Các bậc chí sỹ đàm đạo với cụ phó Bảng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… đều là những người đáng kính trọng, những học giả uyên thâm, là thần tượng và niềm hy vọng của phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Nhưng chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành không vì vậy mà dễ dàng tán đồng quan điểm.

Anh nhận ra rằng việc dựa vào nước Nhật để đánh đuổi Pháp ra khỏi đất nước là hành động “đuổi hổ cửa trước, đón rắn cửa sau”. Anh cũng không đồng tình với kế hoạch giúp đỡ chế độ phong kiến, vốn đã quá mục nát, để chấn hưng đất nước. Những đường lối ấy là cải lương nửa vời, là cởi ách nô lệ này cho dân để khoác một cái ách khác, có khi còn nặng nề hơn. Nguyễn Tất Thành quyết tâm tìm con đường riêng cho mình. Quyết tâm, cho dù chính anh cũng chưa hình dung ra được con đường ấy.

Ngày nay, suy nghĩ như Bác, như Nguyễn Tất Thành ngày ấy, chúng tôi gọi là “suy nghĩ khác”. Dám tìm một con đường khác cho riêng mình, khác biệt với những gì đã có, là một yếu tố quan trọng quyết định thành công.

Hai mươi mốt tuổi, với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tìm đường ra nước ngoài để tìm hiểu cách xây dựng đất nước của người, để tìm con đường giúp nước mình. Suy nghĩ tưởng chừng như đơn giản ấy chứa đựng một lòng quyết tâm mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân. Khi người bạn còn tần ngần hỏi “tiền đâu mà chúng ta đi?” thì người thanh niên ấy, bằng một sự tự tin cao độ, đã trả lời: tiền chính từ bàn tay chúng ta. Chúng ta sẽ làm việc, sẽ nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình, sẽ tìm hiểu cuộc sống chính tại nước Pháp để đánh Pháp.

Nếu như Nguyễn Tất Thành là người an phận thủ thường, khư khư nghĩ đến lợi ích nhỏ của bản thân mình thì đã không thể làm những việc mà anh đã làm. Và kết quả thì như chúng ta đã biết, 30 năm sau cuộc ra đi, Người về nước và lãnh đạo dân tộc Việt Nam làm nên Cách Mạng tháng 8 vĩ đại, mang lại dân chủ tự do thật sự cho tổ quốc Việt Nam.

Ngày nay, đất nước ta đã hoàn toàn hòa bình, nhưng còn rất nghèo về kinh tế, mỗi người trẻ chúng tôi luôn canh cánh nỗi lo đất nước mình tụt hậu, nghèo nàn, lạc hậu so với thế giới. Nước ta sẽ nhanh chóng tiến lên, thoát khỏi bóng đen của sự nghèo nàn, lạc hậu, sánh vai với bạn bè thế giới, nếu chúng ta có nhiều thanh niên dám suy nghĩ, thoát ra khỏi lối mòn, tìm ra con đường đúng đắn và quyết tâm thực hiện nó như chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Muốn xây dựng đất nước, phải tìm hiểu và học hỏi thế giới xung quanh. Ngày xưa Nguyễn Tất Thành lên tàu viễn dương tìm thấy chân lý ở bên ngoài thế giới, thì ngày nay hàng ngàn, hàng triệu bạn trẻ như chúng tôi sẽ dấn thân học tập, tìm hiểu những kiến thức công nghệ của thế giới. Học tập và tìm ra một hướng riêng cho mình, cho tập thể. Thành công trên con đường đó cũng là góp một tay xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh.

Mời tham dự cuộc thi viết về Bác

Mời bạn đọc tham gia viết bài cho hai chuyên mục “Hoạt động theo gương Bác” và “Bác Hồ trong tôi” trên trang Theo gương Bác của Tuổi Trẻ Online.

Những kỷ niệm, ấn tượng về Bác Hồ, về tên gọi Hồ Chí Minh luôn sâu đậm trong lòng mỗi người Việt Nam, dù già hay trẻ, đã sống trong chiến tranh, trong công cuộc giữ và dựng nước hay sinh ra sau hòa bình. Những hoạt động đưa những lời dạy, tinh thần, tư tưởng của Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào đời sống xã hội, vào từng cá nhân đang diễn ra trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể... Các bạn hãy gửi đến cho chúng tôi, để cùng "nhớ Bác, lòng ta trong sáng hơn".

Bài viết không quá 1200 chữ (font tiếng Việt, có dấu), gửi về Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, p.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, email: [email protected]), sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online.

Các bài viết được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Mỗi tháng, ban biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM sẽ chọn 2 tác phẩm hay nhất của mỗi chuyên mục để trao thưởng. Mỗi giải thưởng trị giá 1.000.000đ.

Kính mời bạn đọc tham gia.

GIANG TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp