05/06/2016 08:11 GMT+7

Nguyên tắc và luật rừng

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Việc các tờ rơi quả quyết Biển Đông là... “của Trung Quốc từ thời xa xưa” ngay giữa Đối thoại Shangri-La có thể được các “tác giả” đánh giá như là một đòn “cướp thời cơ”!

Song, nếu các nhà ngoại giao của đất nước mà mới đây nữ hoàng Anh đã phải nhận xét là “vô cùng thô lỗ”, còn đủ tỉnh táo để nhớ rằng ở Đối thoại Shangri-La năm nay, hầu như mọi người đều dồn hết tâm trí bàn bạc với nhau làm sao cho châu Á được an ninh trước những thách thức và thậm chí nguy cơ cũ và mới (từ hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, khủng bố IS, cướp biển... cho đến Biển Đông) thì mới thấy hành động ấy thiếu văn minh như thế nào.

Thật vậy, trong khi các tuyên truyền viên kia mải mê phát tờ rơi quả quyết “Nam Sa là của ngộ”, thì các bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Anh... vắt óc thảo luận về các vấn đề đang rất sôi sục là làm sao “Quản lý sự cạnh tranh quân sự ở châu Á” hay “Hoạch định chính sách quốc phòng trong thời điểm bất định” này như thế nào; các thứ trưởng công an và quốc phòng của Việt Nam cùng bộ trưởng quốc phòng Pháp góp ý về các vấn đề vô cùng nóng bỏng là làm sao “Quản lý căng thẳng trên Biển Đông” và nhận dạng “Các thách thức của việc giải quyết xung đột”.

Quả là Trung Quốc đã có một hành động không giống ai, đi ngược lại với tôn chỉ của cuộc đối thoại mà tên gọi chính thức của Đối thoại Shangri-La là “Thượng đỉnh an ninh châu Á”.

Nếu đủ lý lẽ, lý trí và thiện chí thì họ đã mạnh dạn ra tòa tranh biện, đã thẳng thắn lên diễn đàn đưa ra những đề xuất vì chính sự an ninh của châu Á mà họ là một phần.

Đó là điều mà Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, năm nay đọc diễn văn mở màn, đã làm với bài phát biểu về “Sự cân bằng chiến lược mới ở châu Á - Thái Bình Dương”; hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đã làm với đề tài “Đáp ứng các thách thức an ninh phức tạp của châu Á”...

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nêu vấn đề: “Cấu trúc của khu vực nay đang thiếu cân bằng... đòi hỏi chúng ta phải có được một cấu trúc khu vực tốt. Chiến tranh lạnh kết thúc đã đem đến những thay đổi trong cấu trúc khu vực, tạo nên một tình hình đa cực mà không có luật lệ và quy định rõ ràng.

Điều đó đã dẫn đến sự bất định ngày càng lớn hơn, đồng thời là một thách đố ngày càng tăng cho mọi nước trong khu vực, đặc biệt là các nước nhỏ và đang phát triển”.

Nôm na mà nói: các nước nhỏ trong khu vực đang lâm nguy vì tình trạng bất chấp luật lệ. Một nhận xét xác đáng đúng với mọi nước nhỏ, và chính đáng (khó có thể nói Thái Lan đang “thân” nước nào hơn nước nào).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã thử đưa ra một giải đáp cho vấn đề “không có luật lệ và quy định rõ ràng” mà Thủ tướng Thái Lan Prayut đã nêu. Đó là mời gọi tất cả các nước, kể cả (và nhất là) Trung Quốc cùng tham gia một mạng lưới an ninh tuân thủ các nguyên tắc cho toàn châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu để ý, sẽ nghe thấy Bộ trưởng Carter đã 35 lần sử dụng từ ngữ “nguyên tắc” (một kỷ lục cho một bài diễn văn) để đưa ra đề xuất trên.

Tại sao thế? Đó là do khu vực đang bị đảo điên vì những tham vọng đơn phương, không tuân thủ bất cứ một nguyên tắc nào của xã hội loài người, nôm na mà nói là “luật rừng” như hành vi phát tờ rơi kia là ví dụ.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp