Chăm sóc người bệnh ung thư là một trong những quy trình quan trọng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chị Phạm Thị Cẩm Bào là một người bệnh khá nổi tiếng trong cộng đồng bệnh nhân , bởi lối sống tích cực và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Còn một hơi thở cũng không buông xuôi
Chị Bào chia sẻ câu chuyện của mình:
Tôi được bác sĩ thông báo mắc ung thư vú vào cuối năm 2012, khi tôi phát hiện trên vú phải có một vết màu hồng. Bác sĩ cho biết bệnh tôi ở giai đoạn 2, 10/20 hạt di căn.
Sau đó, tôi được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn vú phải, trải qua 6 đợt điều trị hóa chất, 25 mũi xạ trị và 6 tháng sau tôi được ra viện với kết luận của bác sĩ là "sức khỏe ổn định". Từ đó đến năm 2016 tôi khám định kỳ hằng tháng tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Đến tháng 2-2016, trong một lần tái khám do tôi có biểu hiện đau đầu gối, bác sĩ đã chỉ định xét nghiệm chuyên sâu và xác định tôi bị di căn hố chậu phải.
Từ đó đến nay, tôi tiếp tục điều trị nội trú tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và đã trải qua 65 đợt truyền hóa chất, trung bình 21 ngày/đợt truyền.
Thời điểm tôi mới được xác định mắc ung thư, con tôi mới học lớp 3. Trong thời điểm truyền hóa chất, như bất kỳ bệnh nhân ung thư nào khác, tôi rất mệt mỏi, đau đớn, lở miệng, nằm liệt trên giường...
Gia đình tôi đã chuẩn bị đất phòng ngừa trường hợp tôi ra đi. Nhưng tôi đã nói với người thân rằng: chỉ cần còn một hơi thở, tôi cũng sẽ cố gắng hết sức.
Từ nhỏ cha mẹ tôi đã dạy cứ nỗ lực hết sức, điều kỳ diệu sẽ đến.
Chăm sóc mình theo ""
Từ nằm liệt trên giường đến ra được xe lăn rồi tập đứng, tập đi lại là một nỗ lực hết sức mình. Tôi đã nỗ lực để rồi hôm nay đi lại được như bình thường.
Trung bình 21 ngày tôi được truyền một lần, thì ngày thứ 18 tính từ lần truyền trước đó tôi vào viện để xét nghiệm máu, ngày 19 uống thuốc dự phòng, ngày 21 truyền hóa chất và ngày thứ 22 tôi có thể đi làm như bình thường.
Với bệnh nhân ung thư thì ba chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu phải đủ mới có thể tiếp tục được quá trình điều trị, cho đến nay ba chỉ số này của tôi luôn ở mức đạt yêu cầu để tiếp tục điều trị.
Để có kết quả ấy, bệnh nhân ung thư chúng tôi cần áp dụng "nguyên tắc 4T", bao gồm yếu tố tinh thần, thuốc, tập luyện và thực phẩm. Trong đó, yếu tố tinh thần là yếu tố đầu tiên, nếu chán nản, buông xuôi sẽ khó thực hiện được phác đồ của bác sĩ.
Yếu tố thứ hai là thuốc.
Kinh nghiệm của tôi là bệnh nhân phải tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, không tham gia các phương pháp điều trị hay thuốc không rõ ràng được quảng cáo trên các trang mạng, cũng không trao đổi với bác sĩ trên mạng mà cần đến gặp trực tiếp bác sĩ điều trị để trao đổi thông tin về phương pháp điều trị bệnh.
Yếu tố T thứ ba là tập luyện thể dục thể thao. Ai đi truyền hóa chất về cũng rất mệt, nhưng nếu mệt mà cứ nằm li bì thì rất khó hồi phục, phải luôn nghĩ: tập luyện để có sức khỏe cho chính mình.
Khi tập luyện, tôi có cảm giác nhẹ nhõm hơn, hơn nữa vì mất năng lượng nên cần năng lượng bù đắp khiến tôi ăn thấy ngon hơn.
Bệnh nhân ung thư hay nghe các hướng dẫn là ăn ngon, ăn tốt sẽ nuôi thêm khối u, nhưng thực chất như kinh nghiệm của tôi thì bệnh nhân đừng kiêng khem, bởi nếu không đảm bảo ba chỉ số bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu thì sẽ khó theo đuổi điều trị.
Yếu tố T thứ tư là thực phẩm. Tôi ăn ba bữa chính và ba bữa phụ mỗi ngày.
Vì là người ăn ngon miệng nên mỗi bữa chính tôi ăn 1-2 bát cơm, cộng với các loại thực phẩm đan xen như thịt, cá, rau xanh (chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn), bữa sáng có thể ăn các loại bún ốc, bánh đa, mì..., tức là người bình thường ăn gì thì người bệnh có thể ăn như vậy.
Ở các bữa phụ, tôi ăn trái cây, trước khi đi ngủ uống một ly sữa ấm. Là người bệnh không khá giả nên tôi chọn sữa ở mức giá bình thường mà không phải đắt tiền.
Thể dục cho tâm hồn
Đây cũng là điều tôi tâm đắc trong quá trình chung sống với ung thư gần sáu năm qua.
Thông thường nếu mình chỉ tập thể thao, ăn đủ dinh dưỡng nhưng đầu óc mình lúc nào cũng nặng nề thì người bệnh sẽ thấy mệt mỏi.
Tôi chọn lối sống tích cực, suy nghĩ tích cực, luôn nỗ lực, hướng về những điều thiện và tốt đẹp, qua đó thấy tinh thần thoải mái, vui tươi, có năng lượng để tiếp tục thực hiện phác đồ điều trị của bác sĩ.
Trong 4T thì thầy thuốc chỉ hỗ trợ 1T là thuốc, còn 3T là do nỗ lực của bệnh nhân và người nhà. Vì thế nên dù đau ốm nhưng trong tôi không bao giờ hết hi vọng, không bao giờ hết nỗ lực.
Xin đừng chán nản
Bệnh nhân ung thư ở nước mình có cái khổ là nghèo, khi thấy quá trình điều trị dài họ có thể có ý nghĩ chán nản, buông xuôi.
Nhưng hai điều mà tôi thường nói với mọi người là cần có bảo hiểm y tế và tuân thủ phác đồ của thầy thuốc, bên cạnh yếu tố 4T và "thể dục cho tâm hồn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận