Phóng to |
Hai người bạn thân lâu năm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều là nhà văn Trần Nhã Thụy (bìa trái) và nhà thơ Phan Hoàng (bìa phải) cùng dẫn chuyện trong chương trình giao lưu - Ảnh: Đỗ Thu Thảo |
Như nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ trong buổi giao lưu: "Tên tuổi Nguyễn Quang Thiều, sự quan tâm của độc giả đến Nguyễn Quang Thiều phần nhiều xoay quanh những tác phẩm thơ. Muốn hiểu được văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều thì phải trước tiên hiểu thơ tác giả này”.
Nguyễn Quang Thiều bộc bạch: "Với văn xuôi, tôi chỉ là người kể chuyện. Nhưng thơ ca lại là thế giới tự do của mình. Ở đó tôi được tự do làm con giun bò qua khu mồ của dòng họ, làm con chim tung bay trên bầu trời riêng...
Phóng to |
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: Đỗ Thu Thảo |
Nhà thơ Đặng Huy Giang nhận xét: “Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi như bị lạc vào bãi tha ma vì trong đó chứa đựng nhiều yếu tố siêu thực, thần bí cần khám phá”.
Có lẽ đó cũng là lý do mà một độc giả đã hỏi phải làm sao để dễ thuộc thơ Nguyễn Quang Thiều để ru con ngủ, nhà thơ đã khuyên "đừng làm thế vì có khi đứa bé sẽ mất ngủ".
Nhưng Nguyễn Quang Thiều cũng tin rằng nếu đọc thơ ông, người mẹ sẽ biết cách phải ru con ngủ ngon như thế nào vì trong thơ ông chứa đựng tuổi thơ, gia đình, làng quê… đậm đà chất Việt.
Trong buổi giao lưu, Nguyễn Quang Thiều cũng đã thể hiện nỗi niềm yêu thương dành cho làng Chùa mà những ai từng đọc thơ ông không thể không biết.
Làng Chùa - quê hương của ông, có người bà không biết chữ hay kể những câu chuyện ma nhưng rất ấm áp, nơi ông được tự do sống và suy nghĩ. Và đó trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ Bài hát về cố hương - bài thơ mà Nguyễn Quang Thiều đã nhận là bản tuyên ngôn của đời mình.
“Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm/ Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó/ Kiếp này tôi là người/ Kiếp sau phải là vật/ Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi”.
Nói về gia đình, nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể về người bố nông dân không ít lần cấm cản con trai làm thơ, người mẹ vẫn thích nghe con đọc thơ và cả người bà thỉnh thoảng vẫn làm nên những nguồn cảm hứng và là nguồn thi liệu cho cháu sáng tác. Nhà văn bồi hồi: “Họ không hiểu tôi viết điều gì nhưng luôn nghĩ tôi đã mang niềm kiêu hãnh và tự hào về cho dòng tộc”.
Trong buổi giao lưu này, Nguyễn Quang Thiều đã dành một phần thời gian để nói về những tác phẩm viết cho thiếu nhi của mình ra mắt cùng độc giả trong dịp hè này.
Ông cho biết lý do ông viết cho thiếu nhi xuất phát từ việc cô con gái của ông muốn những câu chuyện bố kể trong mỗi bữa cơm hằng ngày về ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, quê nhà, những người thân đang nằm dưới đất… đến được với nhiều bạn nhỏ khác.
Nguyễn Quang Thiều bộc bạch: rất thích viết truyện cho thiếu nhi bởi đó là những cơ hội được quay về tuổi thơ, được trong sạch và bớt đi được những phần phàm phu của cuộc đời.
Buổi giao lưu diễn ra tại nhà sách Phương Nam Ebook (Q.1, TP.HCM) với hơn 100 bạn đọc tham dự.
Nguyễn Quang Thiều hiện là phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1957 tại huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông đã xuất bản hai tiểu thuyết, ba tập truyện thiếu nhi, năm tập truyện ngắn và rất nhiều tập thơ như Ngôi nhà tuổi 17, Những người lính của làng, Bài ca những con chim đêm, Sự mất ngủ của lửa... Tập thơ The women carry water (bản tiếng Anh của cuốn Những người đàn bà gánh nước sông) của ông được University of Massachusetts Press (Mỹ) xuất bản năm 1997 và nhận giải thưởng Final của The National Literary Translators Association of America năm 1998. Hai tập truyện ngắn của ông được dịch và xuất bản tại Pháp là La Fille Du Fleuve (1997) và La Petite Marchande De Vermaicelles (1998). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận