Ngoài giải A của ba nghệ sĩ, Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM còn trao ba giải B và ba giải C.
Những tác phẩm múa đoạt giải cao có góc nhìn mới mẻ
Ba giải A được trao gồm tác phẩm Hoàng hôn (biên đạo múa: Nguyễn Phúc Hùng), Điểm ngắm sương mù (biên đạo múa: Tạ Thùy Chi) và Khía Súa (biên đạo múa: Sùng A Lùng).
Ông Lê Nguyên Hiều - chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM - cho biết hội lựa chọn các tác phẩm để xét giải múa 2023 lấy mốc từ tháng 10-2022 đến tháng 12-2023.
Theo ông đánh giá, các tác phẩm đoạt giải không có cách biệt nhiều ở giải A, B, C.
Ông Hiều chia sẻ tiêu chí lớn nhất hội đồng xét giải chú ý là tác phẩm phải được công chúng chấp nhận. Tuy nhiên, không vì thế mà tác phẩm bị công chúng chi phối, vẫn phải giữ được định hướng của mình.
"Ba tác phẩm đoạt giải A đều có tư tưởng, phong cách dàn dựng, diễn viên biểu diễn trội hơn so với các tác phẩm khác. Đặc biệt, các biên đạo đoạt giải cao đều có cái nhìn mới mẻ trong dàn dựng.
Ví dụ, tác phẩm Hoàng hôn nói về chiến tranh nhưng không bi quan. Họ nghĩ về chiến tranh với lòng biết ơn và nỗ lực vươn lên, hướng tới tương lai.
Tác phẩm Điểm ngắm sương mù của Tạ Thùy Chi về lực lượng phòng không cũng có những sáng tạo mới. Con người được biến chuyển linh hoạt trong nhiều hình tượng khiến khán giả cảm thấy thú vị…", ông Hiều giải thích thêm.
Biểu diễn những tác phẩm từ các chuyến thực tế
Dịp này, Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM cũng công diễn 7 tác phẩm múa được hội đầu tư năm 2023.
Đây là các tác phẩm ra đời sau những đợt hội tổ chức cho các hội viên đi thực tế sáng tác.
Trong 7 tác phẩm thì có 5 tác phẩm về đề tài cách mạng. Thế nhưng mỗi tác phẩm tạo được nét riêng, có câu chuyện gây được xúc động với người xem.
Thư gởi tương lai (kịch bản, biên đạo: Hà Thanh Hậu) được khai thác từ bức thư kỳ lạ, viết chung bởi 3 chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội Ký Con, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam.
Bức thư được hoàn thành vào năm 1962, trước giờ phút hy sinh của ba chiến sĩ. Nội dung thư nhắn gửi đến thế hệ mai sau, ngập tràn niềm tin và hy vọng ở tương lai…
Nước xuôi gió ngược (kịch bản, đạo diễn: Nguyễn Phúc Hùng - Nguyễn Phúc Hải) là nỗi niềm của những người phụ nữ có chồng là người lính.
Rồi Rừng cười (kịch bản: Phạm Ngọc Phát, biên đạo: Mai Trọng Phước, Bùi Văn Điền, Vũ Minh Tân), Nhà may Thống Nhất (kịch bản: Hà Thanh Hậu, biên đạo: Hoàng Nam, Anh Khoa, Minh Tuấn), Tiếng chày đêm (kịch bản, biên đạo: Lê Văn Hải) là những lát cắt, góc nhìn về cuộc chiến của những biên đạo trẻ hôm nay.
Hai tác phẩm còn lại mang đề tài hiện đại là Gánh ngày mới (kịch bản: Phan Gia Sươn, biên đạo: Phan Gia Sươn, Nguyễn Huỳnh Như) và Tevada Chnam Thmay (kịch bản: Nguyễn Khôi Nguyên, Thạch Môly Đana, biên đạo: Trần Văn Hiệp).
Ngoài ba giải A, hội còn trao ba giải B cho các tác phẩm: Tiếng chày đêm (biên đạo: Lê Văn Hải), Bữa cơm chiều (biên đạo: Hà Thanh Hậu), Gánh ngày mới (biên đạo: Phan Gia Sươn, Nguyễn Huỳnh Như). Ba giải C cho Xa-dăm vào hội (biên đạo: Vũ Minh Tân), Số 3 (biên đạo: Nguyễn Huỳnh Như, Tiêu Vĩnh Thịnh), Nhà may Thống Nhất (biên đạo: Hoàng Nam, Anh Khoa, Minh Tuấn).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận