Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH.
“Thế hệ chúng tôi, những người gắn bó mật thiết với nước Nga, sắp qua đi, cho nên để duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc, cần phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp và gắn bó lợi ích giữa các tầng lớp thanh niên, doanh nghiệp hai nước. Tình hữu nghị không thể nói suông được, cả hai bên cùng phải cố gắng
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan
"Trước khi sang Liên Xô, Bác Hồ đọc luận cương của Lenin viết về các dân tộc bị áp bức, truyền cảm hứng cho Người tìm con đường cứu nước. Bác hiểu rằng muốn làm cách mạng thì phải đào tạo cán bộ. Sau đó, Người đưa một số thanh niên Việt Nam yêu nước sang Liên Xô, trong đó có ba người sau này trở thành tổng bí thư là các ông Trần Phú, Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập. Bà Nguyễn Thị Minh Khai về sau làm bí thư Thành ủy Sài Gòn", ông Vũ Khoan kể.
Tình cảm sâu nặng
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho biết những tư tưởng lớn của Cách mạng Tháng 10 về sau được vận dụng cho Việt Nam bao gồm: khẩu hiệu Ruộng đất cho dân cày, chống phong kiến, thực dân, lập mặt trận vũ trang khởi nghĩa...
Ngoài ra, sự kiện Liên Xô chiến thắng Đức và phát xít Nhật trong Thế chiến II cũng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Việt Nam khởi nghĩa giành độc lập năm 1945.
Từng có thời gian học ở Liên Xô những năm 1950, sau đó phụ trách Đảng và chính trị cho Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô liên tục 4 nhiệm kỳ, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã chứng kiến nhiều câu chuyện thể hiện tình cảm sâu đậm giữa hai dân tộc.
Đầu tiên, Liên Xô giúp đào tạo cán bộ Việt Nam. Việt Nam mở sứ quán tại Matxcơva năm 1952.
"Năm 1954, Việt Nam đưa khoảng 300 người sang Liên Xô, bao gồm 100 người học tiếng Nga làm phiên dịch, 100 người học kỹ thuật và 100 thiếu nhi, con của các cán bộ. Sau đó ngày càng tăng lên, khoảng 8.000 người.
Nhiều người trong số này trở thành lực lượng nòng cốt trong kháng chiến chống Mỹ và công cuộc xây dựng miền Bắc.
Trong thế hệ của tôi, có những người giữ vị trí lãnh đạo cấp cao từng học ở Liên Xô như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An" - ông Vũ Khoan nhớ lại.
Sự giúp đỡ tiếp theo mà Liên Xô dành cho Việt Nam chính là hỗ trợ quân sự. Sau khi tuyên bố công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 30-1-1950, Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu hỗ trợ Việt Nam kháng chiến chống Pháp.
"Ban đầu, sự giúp đỡ của Liên Xô diễn ra bí mật. Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên Việt Nam mình có pháo cao xạ là do Liên Xô giúp đỡ.
Stalin có nói với Mao Trạch Đông rằng Việt Nam cần gì thì Trung Quốc cứ "tạm ứng" trước và Liên Xô sẽ bù lại sau vì Trung Quốc ở gần Việt Nam" - ông Vũ Khoan kể.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau đó, Liên Xô cũng hỗ trợ Việt Nam những vũ khí hiện đại như tiêm kích Mig 17, Mig 21, tên lửa, xe tăng, tên lửa đất đối không, tên lửa vác vai, súng phun lửa...
Liên Xô còn tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng các công trình năng lượng quy mô lớn như thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Trị An, nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí...
Ông Vũ Khoan kể tiếp những sinh viên Việt Nam ở Liên Xô những năm 1950 như ông được người dân địa phương chăm sóc như con em, cho đi nghỉ ở những địa điểm du lịch nổi tiếng của nước này.
Nhiều cụ ông, cụ bà Liên Xô đem sổ tiết kiệm đến sứ quán Việt Nam đóng góp giúp đỡ Việt Nam. Các bé thiếu nhi Nga đến sứ quán mang theo quà tặng cho thiếu nhi Việt Nam như sách vở, bút mực, quần áo, khăn quàng.
Khi Bác Hồ mất, người Nga xếp hàng dài cả cây số vào viếng ở sứ quán từ sáng đến tối.
Hướng tới tương lai
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng vận mệnh người Nga và người Việt rất giống nhau. Hai bên cùng trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, cùng làm cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội giống nhau nên có sự đồng cảm lẫn nhau.
Sau những biến cố, Việt Nam vẫn kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga, đấy là tình cảm sâu nặng, mối quan hệ chính trị rất tin cậy - ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, về kinh tế, ông Vũ Khoan cho biết quan hệ kinh tế hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng hai nước, kim ngạch buôn bán còn hạn chế.
"Có câu chuyện hai bên đều có những ưu tiên khác. Chúng ta tìm thị trường ở châu Âu, Mỹ, Nhật. Còn làm ăn với Nga, cơ chế chưa hợp nhau, hàng hóa của Nga vẫn chưa được chuộng ở Việt Nam. Liên minh kinh tế Á - Âu chưa giúp tăng trưởng thương mại bao nhiêu" - ông nói.
Tuy vậy, nền văn hóa Nga rất đẹp, văn học sâu sắc, nhạc lại rất hay, múa giỏi, còn điện ảnh một thời có tính tư tưởng rất cao. Tuy nhiên, bây giờ giao lưu văn hóa giữa hai nước không như trước.
Người dân Việt Nam cũng rất yêu mến người Nga. Mỗi lần ông Putin hay Medvedev qua thăm Việt Nam, họ đều được người Việt chào đón nồng ấm. Nhiều thế hệ, tầng lớp người Việt có tình cảm sâu nặng với người Nga như hàng vạn du học sinh từng học ở Nga, những người làm cho các công ty, cơ sở có chuyên gia Liên Xô và những người Việt đi xuất khẩu lao động trước đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận