Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh có nhiều ca khúc sáng tác về công nhân - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Với chủ đề "Nghệ sĩ thành phố Bác với tổ chức Công đoàn", chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật cùng các nghệ sĩ thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ phục vụ công nhân lao động vùng sâu vùng xa, ngoại thành TP.HCM đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Ông Hồ Xuân Lâm - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - đã gửi lời tri ân đến các văn nghệ sĩ đã đồng hành cùng Công đoàn TP.HCM trong suốt 45 năm qua.
"Các văn nghệ sĩ đã sáng tác các ca khúc về công nhân; quyên góp, ủng hộ trong rất nhiều chương trình ý nghĩa như trao quà cho công nhân bị tai nạn lao động; chương trình Vòng tay yêu thương hỗ trợ công nhân bị bệnh hiểm nghèo, Hát cùng công nhân, Giờ thứ 9, Tết sum vầy, Tấm vé nghĩa tình,… đã mang đến món ăn tinh thần cho người lao động nhiều năm qua", ông Hồ Xuân Lâm cho biết thêm.
Nhiều văn nghệ sĩ đồng hành cùng người lao động - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh - chi hội phó chi hội 3, Hội Âm nhạc TP.HCM - sở hữu hơn 200 ca khúc, trong đó anh có nhiều ca khúc sáng tác về công nhân như Khúc tâm ca người công nhân, Công nhân thành phố anh hùng. Đặc biệt, ca khúc Công nhân trên chặng đường mới đoạt giải A viết về đề tài công nhân năm 2001 do Liên đoàn Lao động phối hợp Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức.
"Tôi từng là công nhân giao hàng đi đây đó nhiều nơi. Từ đó, tôi nghe tiếng nhà máy rồi tôi tập tễnh viết dù chưa biết gì về sáng tác cả. Năm 1978, tôi gia nhập nhóm sáng tác là tiền thân của CLB Sáng tác trẻ Nhà văn hóa thanh Niên (Thành đoàn)", nhạc sĩ Kiều Tấn Minh tâm sự.
Ca sĩ Ngọc Mai không nề hà gì khi có lời mời hát phục vụ công nhân - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ca sĩ Ngọc Mai thường xuyên xuất hiện tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hát phục vụ công nhân lao động.
"Mỗi lần được hát, Mai cảm thấy may mắn vô cùng vì có thể mang tiếng hát phục vụ cho nhiều mảnh đời khó khăn.
Công nhân rất ít có cơ hội, ít có thời gian để thả mình nghe một nhạc phẩm nên khi hát Mai luôn dành tặng cho họ bằng cả một trái tim, để họ cảm thấy ấm lòng vì đã bỏ thời gian quý báu để lắng nghe mình hát", Ngọc Mai nói.
Ca sĩ Hạnh Nguyên hát bài ‘Đời công nhân’ của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ca sĩ Hạnh Nguyên cho biết mình có một tình cảm rất đặc biệt với công nhân lao động vì mẹ của Hạnh Nguyên từng là công nhân dệt. Từ nhỏ, chị thường xuyên đến nơi làm việc của mẹ, hiểu được tình cảm, tâm tư của người lao động nuôi một gia đình như thế nào, nên khi có lời mời hát cho công nhân Hạnh Nguyên luôn thu xếp phục vụ cho công nhân.
"Sau khi hát, khán giả lên chụp hình và tâm sự không có điều kiện mua băng đĩa để nghe nhưng hay nghe Hạnh Nguyên hát trên đài, khiến mình rất xúc động. Với các chương trình cho công nhân, mình rất mến và sẵn lòng tham gia", ca sĩ Hạnh Nguyên chia sẻ.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng hát "Nỗi lòng xa xứ" do chính anh sáng tác
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cũng xuất thân là người con có cha mẹ là công nhân. Cũng vì vậy, anh có nhiều sáng tác về người công nhân. Trong đó, ca khúc "Nỗi lòng xa xứ" được nhiều người yêu thích.
"Phi Hùng nhớ lần đầu tiên bước chân lên TP.HCM, không quen biết ai, tự thân vận động, gặp nhiều vất vả. Rồi mình đọc báo, đồng cảm vô cùng với người công nhân luôn mong nhớ về quê hương, được quây quần bên mâm cơm gia đình. Từ đó, Phi Hùng viết bài hát này như là món quà sẻ chia", ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho biết.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ niềm vui khi được hát cho công nhân - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Chương trình không chỉ mang đến những ca khúc nói lên tâm tư, tình cảm của những người công nhân trong cuộc sống hàng ngày, động viên tinh thần hăng say lao động cũng như niềm vui của công nhân mà khán giả còn được giao lưu, hiểu hơn về các nghệ sĩ mình yêu quý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận