Đêm "Tình khúc Nguyễn Nhất Huy" (diễn ra tối 22-7 tới tại Đà Lạt) gây chú ý bởi Nguyễn Nhất Huy là nhạc sĩ sáng tác ăn khách và "có giá" giai đoạn cuối thập niên 1990.
Nguyễn Nhất Huy tiết lộ thời điểm đó (1998 - 2000) cứ mỗi ca khúc anh viết ra được các nhà sản xuất băng đĩa, ông bầu ca sĩ mua độc quyền với giá bằng cả lượng vàng.
Nhạc lãng mạn quay về
"Tình khúc Nguyễn Nhất Huy" đánh dấu sự trở lại với hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ, đồng thời gây ngạc nhiên khi ba giọng ca kỳ cựu Lam Trường, Đan Trường và Cẩm Ly lần đầu tiên cùng xuất hiện bên nhau trong một đêm nhạc.
Tất nhiên không tính những lần họ xuất hiện tập thể với nhiều ca sĩ khác trên sân khấu lễ trao giải Làn sóng xanh. Thế nên đêm nhạc này cũng như một dấu mốc cho thấy dòng nhạc lãng mạn một thời từng góp phần làm sôi động thị trường nhạc Việt Nam trở về.
"Nhìn lại tôi sáng tác hơn cả trăm ca khúc với rất nhiều chủ đề, nhưng cảm hứng mạnh mẽ nhất vẫn là trữ tình lãng mạn.
Những bài hát quen thuộc nhất của tôi đều gắn với kỷ niệm đẹp của một thời mà tình cảm, tình yêu nam nữ rất đơn sơ, trong sáng và cũng đầy thiết tha" - Nguyễn Nhất Huy chia sẻ.
Người về cuối phố, Nụ hồng hờ hững, Em quên mùa đông, Bờ bến lạ... là những sáng tác trữ tình lãng mạn đặc trưng, mang đậm dấu ấn của Nguyễn Nhất Huy hòa vào làn sóng những nhạc sĩ sáng tác ăn khách đẹp đẽ cùng thời như Hoài An, Quốc An, Võ Thiện Thanh...
Đó cũng chính là những tác phẩm khá tiêu biểu, gắn liền với giọng hát thời đỉnh cao của Lam Trường, Đan Trường và Cẩm Ly. Cho đến nay bản song ca Đêm cô đơn vẫn là đỉnh điểm cảm xúc ăn ý của bộ đôi Đan Trường - Cẩm Ly.
Trong đêm nhạc ở Đà Lạt tới, lần đầu tiên Lam Trường và Cẩm Ly sẽ song ca Yêu trong niềm đau (cả hai chưa bao giờ hát đôi với nhau). Đặc biệt hơn, Lam Trường - Đan Trường - Cẩm Ly cũng sẽ có màn tam ca chưa từng trong suốt bao năm tháng sự nghiệp của họ.
Chuyến tàu thanh xuân
Nguyễn Nhất Huy nói anh quyết định thực hiện đêm nhạc kỷ niệm 30 năm sáng tác (ca khúc đầu tiên anh viết là Mãi là niềm đau viết năm 1988 ở quê nhà Cà Mau, nhưng lấy bản hit Người về cuối phố viết năm 1993 làm cột mốc) nhằm góp phần đưa dòng nhạc trữ tình Làn sóng xanh một thời trở lại.
"Giai đoạn tân nhạc đó rất đẹp, và tôi cũng rất xúc động khi mãi cho đến tận ngày nay ra quán cà phê vẫn còn nghe tiếng Cẩm Ly ngân nga bản âm hưởng dân ca Thương nhớ người dưng hay ca khúc viết về thầy cô và thời học trò Người thầy.
Rồi bản Tình mẹ do Mỹ Tâm cùng nhiều ca sĩ khác hát cũng luôn được khán giả nhắn tin khen ngợi. Tôi cho rằng âm nhạc không có mới và cũ, nó chỉ có giai điệu trường tồn. Và có lẽ ai trong chúng ta cũng có nhu cầu lên chuyến tàu trở lại thanh xuân qua dòng âm nhạc hoài niệm", anh bộc bạch.
Chuyến tàu thanh xuân của Nguyễn Nhất Huy sẽ tiếp tục hướng về phía trước để tìm sự đồng điệu với lớp nghe nhạc trẻ hôm nay. Bởi tới đây anh sẽ giới thiệu những ca khúc mới sáng tác được thể hiện qua các giọng ca trẻ.
Đồng thời anh ra mắt ba cuốn sách mà anh đã hoàn tất bản thảo: tập nhạc 99 tình khúc Nguyễn Nhất Huy, Nhật ký showbiz ghi lại 30 năm nhạc Việt thăng trầm vừa qua và bút ký Làm bạn với ngôi sao kể lại những chuyện ít ai biết, quá trình phấn đấu vươn lên của những ngôi sao nghệ thuật từ Ngọc Sơn đến Mỹ Tâm.
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cũng thổ lộ anh muốn thúc đẩy tổ chức những đêm nhạc của các nhạc sĩ tài năng để họ có cơ hội tái ngộ nhiều thế hệ khán giả yêu nhạc thay vì "sống khép kín hoặc đi vào lãng quên", đồng thời tái khẳng định giá trị của những nhạc phẩm từng đi vào lòng người qua mọi thời.
"Đừng để các nghệ sĩ qua đời rồi chúng ta mới tri ân hay xót xa vì các nhạc phẩm có giá trị của họ biến mất", anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận