Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và phu nhân - Ảnh: TLTT |
Là con quan đại thần, tốt nghiệp bác sĩ nội trú ở Pháp năm 1941, trước mắt có nhiều lựa chọn nhưng ông đã chọn đi theo cách mạng và kháng chiến, dù chọn lựa đó có truân chuyên.
Năm 1997, ông được thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất. Đó là phần thưởng cho một người yêu nước, cho trí tuệ, đóng góp của một nhà cải cách, cho bản lĩnh con người.
Những hoạt động văn hóa
Di sản nổi bật nhất ở Nguyễn Khắc Viện là những hoạt động văn hóa.
Cùng với việc viết báo, làm phim, hoạt động khoa học, tiếp xúc, đoàn kết với các trí thức lớn trên thế giới, ông còn là dịch giả, tác giả, soạn giả nhiều cuốn sách có giá trị như dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp; Khảo cứu về Cách mạng Việt Nam; Việt Nam, thiên lịch sử dài; Tuyển tập văn học Việt Nam; Kể chuyện đất nước; Bàn về đạo Nho; Bàn và luận; Ước mơ và hoài niệm; Sức khỏe, bệnh tật và tâm lý; Từ sinh lý đến dưỡng sinh; Tâm lý trẻ em hiểu theo phân tâm học; Từ điển tâm lý...
Giải thưởng lớn về Pháp ngữ (Grand Prix de la Francophonie) của Viện Hàn lâm Pháp tặng Nguyễn Khắc Viện năm 1992 không chỉ là vinh dự riêng ông mà còn là vinh dự chung cho giới trí thức và nhân dân Việt Nam.
Ngoài những cống hiến cụ thể, Nguyễn Khắc Viện có hai tư tưởng lớn. Một là, lợi ích, tinh thần dân tộc phải hài hòa với lợi ích, tinh thần quốc tế; phải vượt lên chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Hai là, văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển của nhân loại; là con đường đi đến chủ nghĩa nhân văn thật sự.
Ông viết: “Chỉ có những sản phẩm văn hóa mới in đậm dấu ấn của bản sắc dân tộc, chỉ quá trình giao lưu văn hóa mới có thể tạo nên sự đồng cảm sâu sắc, bền vững giữa các dân tộc, làm cho sự giao tiếp không bị rối nhiễu, ngăn cách bởi bao nhiêu điều kỳ thị, hiểu lầm, hận thù từ bao đời” (Ước mơ và hoài niệm, Nhà xuất bản Tri Thức 2017, tr.317-318).
Người không im lặng
Sau năm 1975, nước ta đối mặt với hai cuộc chiến tranh đau thương (chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam - BTV) và rơi vào khủng hoảng kéo dài. Nhân dân đói khổ. Bộ máy quan liêu, mất dân chủ nghiêm trọng.
Cái xấu, cái sai lầm, khuyết điểm phơi bày khắp nơi; ai cũng thấy nhưng không mấy ai dám nói vì sợ quy kết là nói xấu chế độ, là chống Đảng.
“Im lặng đáng sợ” - như lời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, là một hiện tượng phổ biến. Bộ phận ưu tú trong Đảng thấy vấn đề và quyết tâm chủ trương đổi mới, kêu gọi phải nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.
Và một người từ rất sớm không im lặng, từ rất sớm nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật trên báo chí, trong những kiến nghị gửi Trung ương Đảng, Quốc hội là Nguyễn Khắc Viện.
Tháng 8-1978, ông gửi kiến nghị lên Bộ Chính trị yêu cầu phát huy dân chủ, khơi dậy tinh thần độc lập suy nghĩ, được bày tỏ ý kiến của mọi người; về đổi mới chính sách tiền lương.
Tháng 12-1978, ông gửi kiến nghị lên Trung ương đề nghị bỏ đặc quyền, đặc lợi.
Năm 1981, ông gửi lên Quốc hội kiến nghị 7 điểm. Điểm 5 ông đòi hỏi báo chí phải có tiếng nói đa chiều, đề nghị tăng cường phản ánh dư luận và ý kiến của nhân dân.
Những ý kiến của ông thường thẳng băng vào những vấn đề rất cụ thể, rất nhiều lần gặp những phản ứng nhưng phần lớn đều được tiếp thu, điều chỉnh.
Dự báo và khắc khoải
Trong vòng gần 20 năm cuối đời, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết gần 30 bản kiến nghị, hàng trăm bài báo, không ngừng nghỉ phấn đấu cho một nền chính trị mà người dân có quyền làm chủ cuộc sống của mình theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cổ vũ hội nhập quốc tế; cổ vũ đổi mới một cách sâu rộng, toàn diện.
Không phải ý kiến nào của ông cũng hoàn toàn chính xác nhưng cơ bản là đúng, có tầm nhìn vượt gộp và được Đảng, Nhà nước tiếp thu trong việc chỉnh đốn Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Chúng ta đã và đang chứng kiến những diễn biến phức tạp của đất nước khi chuyển sang nền kinh tế thị trường; chứng kiến cảnh báo về sự hoành hành của các nhóm lợi ích, sự thiếu kiểm soát dẫn đến những hậu quả đối với nền kinh tế, tài nguyên, môi trường của đất nước...
Chúng ta đang chứng kiến một sự rà soát, kiểm soát những điều “thiếu kiểm soát” để điều chỉnh đường hướng cho tương lai phát triển.
Riêng Nguyễn Khắc Viện dự báo tương lai có thể có những triển vọng tốt đẹp, nhưng cũng có những thử thách gay gắt. Năm 1993, Nguyễn Khắc Viện viết bài “Bước vào cuộc kháng chiến mới” (sau này đăng trên báo Người đại biểu nhân dân số ra ngày 6-5-2007).
Ông kêu gọi: “...Để chống lại tư bản man rợ, không để nó tác oai tác quái, nay phải dựng lên một mặt trận cũng dân tộc, nhân dân, quốc tế còn rộng lớn hơn, tiến hành một cuộc kháng chiến mới, lâu dài hơn, đa dạng hơn, mới mong hạn chế được tham nhũng, bảo vệ được môi trường, giảm nhẹ bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, phát huy tình người, tôn trọng quyền phụ nữ, trẻ em, các nhóm thiểu số...
Chỉ có khác là kháng chiến lần này chúng ta không cần đến súng đạn. Và lần này, Marx cũng là thầy dẫn đường với một câu: Một tư tưởng được thâm nhập đại chúng biến thành một lực lượng vật chất”.
Một con người thẳng thắn Trong hồi ký của Nguyễn Khắc Viện Ước mơ và hoài niệm (NXB Tri Thức, 2017) có ghi lại một chuyện: Ngày 6 và 7-10-1987. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp mặt văn nghệ sĩ, trí thức. Tại cuộc gặp này, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bày tỏ bộc trực, thẳng thắn: “...Trong những năm qua, văn học nghệ thuật của ta chưa đóng được đầy đủ vai trò của nó. Vì bị trói buộc. Sự lãnh đạo văn nghệ trong mấy năm qua nhiều lúc còn thô sơ, tỉa cành bắt sâu trong một vườn hoa quý lại dùng dao búa làm rừng khai hoang. Những người làm báo, viết văn, làm phim thường xuyên được nhắc nhở: phải làm như thế này, không được làm như thế kia, bị trói buộc bởi một loạt húy kỵ. Lâu lâu lại nổ ra một vụ án: bài báo này, quyển sách kia, cuốn phim nọ bị kết án là xét lại, là chống Đảng, là có tính kích động...”. Tổng bí thư đã thân thiết bắt tay ông và nhận lấy bản tham luận. |
Đảng viên hai Đảng Cộng sản Năm 1937, Nguyễn Khắc Viện sang Pháp học tại Đại học Y khoa Paris và tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa năm 1941. Lúc này, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ nên ông không thể trở về. Tại Pháp, ông nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, phản đối chiến tranh của thực dân Pháp tại Đông Dương. Ông là người lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Năm 1963, vì hoạt động cho cộng sản, ông bị trục xuất khỏi nước Pháp. Về nước ông tham gia Đảng Cộng sản, sáng lập và chủ biên tạp chí đối ngoại Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và làm giám đốc Nhà xuất bản Ngoại Văn (nay là Nhà xuất bản Thế Giới). Năm 1984, ông sáng lập và làm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em và tâm bệnh lý, xuất bản tờ Thông tin khoa học tâm lý, đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị rối loạn tâm trí do hoàn cảnh. Ngày 10-5-1997, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện qua đời và được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận