Ảnh: Trần Nhương |
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa qua đời lúc 3g45 ngày 20-5 tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) sau 11 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi di căn.
Lễ khâm liệm lúc 7 giờ ngày 22-5. Lễ viếng từ 9 giờ đến 11 giờ ngày 22-5 tại nhà tang lễ Viện quân y 103, đường Phùng Hưng quận Hà Đông, Hà Nội. Tiếp sau là lễ truy điệu và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ. An táng tại quê nhà, thôn Hương Cát, thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. |
Lão lực điền trên cánh đồng chữ. 69 tuổi, là tác giả của hàng trăm kịch bản sân khấu, kịch bản phim ăn khách, được phong là “ông vua” của lễ hội, hàng ngàn trang tiểu thuyết mà cuốn nào cũng “đáng nể”.
Bao nhiêu kế hoạch còn dang dở, những câu chuyện đùa vui với thằng Gạo vẫn còn nhiều. Vậy mà ông vẫn phải ra đi, không vội vã nhưng sao vẫn đầy tiếc nuối...
Những trang giấy không cháy
Những ngày nằm trên giường bệnh, ông cố gắng hoàn thiện và xuất bản cuốn tiểu thuyết đồ sộ Hỗn độn (NXB Hội Nhà Văn, tháng 11-2015) - tác phẩm đã theo ông suốt 10 năm qua.
“Hoang mang với sự tồn tại của mình, mô tả cái xấu như một đại dịch, sự tăm tối đang phình ra chiếm lĩnh nhân tính...”, cảm giác như nhà văn Nguyễn Khắc Phục tạo cho mình một cuộc chiến mà ông dồn biết bao tâm huyết, công sức, viết như người nhập đồng.
Thế giới hỗn độn trong tiểu thuyết của ông cũng mịt mù và hoang mang với bi kịch của sự tha hóa cần lên án và tỏ rõ chúng là ai, là cái gì trong cuộc sống này.
Trên giường bệnh, công việc với ông vẫn như một cứu cánh. Ông khát khao hoàn thành toàn tập Nguyễn Khắc Phục với tiêu đề N.K.P. gửi lại, gồm năm phần: tiểu thuyết; kịch bản sân khấu; kịch bản phim truyện và phim truyện truyền hình; thơ và trường ca; truyện ngắn - tạp văn - suy ngẫm... Đây là một “trận đánh khốc liệt” mà ông muốn chiến thắng mình để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng.
Nguyễn Khắc Phục cũng đang thực hiện dang dở công trình khảo cứu Những bài học giữ nước viết dưới dạng bút ký, đề cập tới những kinh nghiệm dựng nước và cứu nước, những bài học chống ngoại xâm của dân tộc ta qua các triều đại. Mục đích của ông hướng tới lứa độc giả trẻ để họ có thể dễ đọc, dễ tiếp thu và cảm nhận lịch sử của đất nước.
Là một người đa tài, thành công với nhiều thể loại, chẳng phải ngẫu nhiên mà ông luôn được lựa chọn là người sáng tác kịch bản cho các lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc gia. Tất nhiên, đạo diễn kịch bản thôi chứ không phải là người quyết định tất cả, nên nhiều khi cái tâm cái tài của mình một đằng, giữa ba bề bốn bên, nó lại bị biến đổi một nẻo, gây những dị nghị ì xèo, bàn cãi.
Mỗi lần như vậy, ông chỉ cười mỉm, nụ cười có nỗi buồn lặng thầm vào trong. Dư luận lại kháo nhau viết kịch bản lớn vậy lắm tiền, Nguyễn Khắc Phục cũng chỉ lại cười. Có ai hiểu...?
Bởi nếu ông “làm tiền” được từ những “lễ hội” đó, vậy sao vẫn cứ long đong mãi ở nhà thuê, ốm đau một mình ít phiền ai, chỉ khi nào không chịu đựng được, ông mới nhờ một người bạn thân đưa đi khám. Được bao nhiêu tiền, ông lại trích phần lớn số tiền ấy để lặn lội tới miền đất của các tộc ít người, hẻo lánh, những mảnh đời bất hạnh như một mối nợ lớn mà cả đời ông muốn bù đắp cho họ.
Trở lại ký ức, cách đây 11 năm, nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết bài thơ Hỏa thiêu cho một người đang sống dành tặng Nguyễn Khắc Phục. Thơ “tế sống” bạn, ngay khi bạn còn đang sống, một con người thành công nhưng đau đớn và đầy cô đơn:
“Trong bóng tối bùa mê, anh ấy tự làm ma/ Tự thiêu cái bóng mình giữa thanh thiên bạch nhật/ Thân xác ngỡ còn mà biến mất/ Đã cháy rồi những ngày tháng bơ vơ... Anh tự thiêu cái bóng và gia tài của mình/ Tất cả đều cháy tàn cháy rụi/ Từ đám tang trở về, tôi quay trở lại/ Thấy một trái tim không cháy/ Những trang giấy không cháy...”.
Chuyện tình không muộn mằn
Nguyễn Khắc Phục sinh năm 1947, sau cuộc hôn nhân thứ nhất, những tưởng người lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa chấp nhận sự cô đơn, để dồn hết năng lượng tập trung “cày bừa”. Nhưng đúng là định mệnh khi bốn năm trước, ông quyết định lập gia đình lần thứ hai với nhà thơ Trang Thanh - người phụ nữ kém ông 30 tuổi.
Có lẽ chuyện tình của hai người đã minh chứng hai chữ “duyên phận” và chẳng có gì là quá muộn. Người của chữ nghĩa gặp nhau, sự đồng cảm đã khiến nhiều bạn bè cũng vun vén vào cuộc tình muộn giữa hai người.
Tới thăm nhà văn Nguyễn Khắc Phục trong Bệnh viện Quân y 103, khi bệnh của ông trở nặng hơn, giường che kín bằng riđô và mùng, chị Thanh nói: “Bác bị chói mắt”... Người thăm lại hiểu, đó là vì ông không muốn cho người khác nhìn thấy những gì “lệt sệt” của một người ốm không thể tự thân làm được những nhu cầu cá nhân.
Trang Thanh bảo ông nằm viện đã 11 tháng, mình chị trông nom chồng, ít khi ngủ ở nhà. Con cái cũng nhờ người giúp việc trông. Khi nào ông cảm thấy “khá”, Trang Thanh lại xin bác sĩ cho ra viện để về nhà, mà về nhà là ông lại ngồi trước máy tính, tay vẫn còn nguyên dây truyền dịch chưa thể tháo ra, bởi lúc nào cũng tâm thế “cấp cứu” là đã có sẵn đường truyền.
Khát chữ, khát việc, khát sống, ông kiên cường chống lại căn bệnh nan y của mình, bên niềm vui là bé Gạo 4 tuổi.
Trông nom chăm sóc chồng bệnh, thi thoảng những tứ thơ lại nảy ra, từ những niềm tâm sự chất ngất không thổ lộ cùng ai, Trang Thanh có tập thơ Mây trắng và bốn bài thơ được phổ nhạc dành tặng chồng, như những lời tâm sự của người đàn bà vừa mới tìm được hạnh phúc nay đã phải bên chồng để động viên và cùng ông vượt qua những đau đớn thân xác...
Vợ hát cho chồng nghe, trên giường bệnh: “Anh đừng xa em nhé anh/ Ngoài kia đang đêm bão dông/ Đường mơ ta chưa đi hết... Anh đừng đi đâu nhé anh/ Ở bên em đây yên lắng/ Về bên sông mây trắng/ Chiều tương tư mắt cay...”.
Bệnh nhân quanh căn phòng ở Bệnh viện Quân y 103 có lẽ quá quen thuộc với tiếng gọi “Thanh ơi, Thanh ơi” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
Sống không khuất phục, viết như “điên”, con người lang bạt ấy trên giường bệnh với sự sống phải tính từng ngày từng giờ, nhưng bù lại, lúc ra đi, bên cạnh ông cũng là những người yêu thương nhất của đời mình.
Có lẽ đó là những ân tình của cuộc sống đã bù đắp cho ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận