Ảnh: T.ĐIỂU
Là một cuốn sách do người bạn thân thiết lâu năm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - họa sĩ Lê Thiết Cương - chủ biên với tấm lòng trân trọng dành cho "người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại", cuốn sách trước tiên là một cuốn sách rất đẹp về hình thức, từ bìa sách cho tới kích thước chất liệu giấy, kỹ thuật in...
Cuốn sách tập hợp được nhiều bài viết tốt về tác giả Tướng về hưu trong một thời gian dài, kể từ bài viết đầu tiên về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp do nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến viết năm 1987 có tên Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió cho tới điếu văn của chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, các bài viết ra đời sau sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp và cả những bài chỉ mới được viết gần đây do ông Cương đặt, với sự góp mặt của các tên tuổi như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Thụy Kha, Lê Minh Hà, Nguyễn Thị Minh Thái, Ngô Văn Giá, Phan Huyền Thư...
Một số bài viết từng đăng trên báo Tuổi Trẻ dịp Nguyễn Huy Thiệp qua đời cũng được giới thiệu trong cuốn sách như bài ghi ý kiến của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, bài Trắng lộng lẫy của đạo diễn Việt Linh.
Ngoài các bài viết thể hiện lòng ngưỡng mộ trước tài năng và con người độc đáo Nguyễn Huy Thiệp của các nhà phê bình, nhà văn, nhà báo, bạn bè văn nghệ của tác giả Tướng về hưu; còn có bài viết ngắn của Marion Hennebert - nguyên giám đốc NXB Aube của Pháp; các bài viết, trích đoạn của các nhà nghiên cứu nước ngoài khác như Peter Zinnoman, Thomas A.Bass, Thierry Leclere và 2 bài viết của chính Nguyễn Huy Thiệp.
Có thể nói, cuốn sách cho người đọc nhiều mảnh ghép, có lẽ là nhỏ thôi, để hình dung rõ hơn về chân dung Nguyễn Huy Thiệp và cả văn chương của ông. Ở một khía cạnh nào đó, nó cũng cho thấy tác giả Thương nhớ đồng quê dù từng trải bao nỗi đời ghen ghét, đố kỵ thì vẫn có nhiều người yêu ông.
Nhưng yêu và hiểu nhiều khi không song hành. Một nhà nghiên cứu, cũng là một người bạn gần gũi cùng thời với tác giả Quan âm chỉ lộ, bày tỏ luyến tiếc khi thấy có những bài viết "có vẻ đọc ông Thiệp sơ sài và cũng cảm nhận văn chương của ông rất sơ sài".
Một người bạn thân thiết khác thì mong mỏi có những bài viết đánh giá một cách nghiêm túc về các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp sau những tác phẩm thời Đổi mới (như kịch, chèo, thơ, họa trên gốm...), chứ không chỉ "trói" Nguyễn Huy Thiệp vào giai đoạn văn chương "tự cởi trói".
Chưa kể, cuốn sách còn in một bài báo đi ngược lại tiếng nói yêu quý, kính trọng chung dành cho Nguyễn Huy Thiệp được thể hiện nhất quán trong cuốn sách.
Đó là bài báo rất dài của một nhà báo 8X, được viết khi cô còn ở cái tuổi trẻ nhiều nhiệt thành khẳng định bản ngã, một bài báo thể hiện một cái nhìn khá hời hợt và không ít ngạo ngược về cả văn chương và con người Nguyễn Huy Thiệp.
Dù sao, như cách Nguyễn Huy Thiệp, là ông tha thứ hết, nhất là những ngông cuồng của tuổi trẻ.
Dù còn những lấn cấn, đây có lẽ vẫn là cuốn sách đầu tiên cho cái nhìn bao quát hơn cả về Nguyễn Huy Thiệp, và chắc chắn là một cuốn sách tâm huyết của những người biên soạn dành cho ông vua truyện ngắn.
Cuốn sách vô tình được kết thúc bằng bài Nói chuyện một mình - cũng là bài viết cuối cùng của Nguyễn Huy Thiệp - lại như một sự ngụ ý về nỗi cô đơn của nhà văn. Sau tất cả, Nguyễn Huy Thiệp vẫn phải chọn cách "nói chuyện một mình".
Phần phụ bản của sách gồm ảnh tư liệu về Nguyễn Huy Thiệp của Gallery 39 và ảnh chụp những trang giấy vẽ người thân, bạn bè và ghi thơ bằng nét bút run rẩy cuối cùng của nhà văn trên giường bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận