21/03/2021 10:17 GMT+7

Nguyễn Huy Thiệp: Người đạt đỉnh cao nghệ thuật của truyện ngắn

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

TTO - Xét riêng thể truyện ngắn, phong cách Nguyễn Huy Thiệp thống nhất trong sự biến hóa khó lường: trữ tình dân gian, hiện thực khắc nghiệt pha lẫn yếu tố kỳ ảo. Đó còn là truyện kể qua ngôn ngữ sân khấu, với những xung đột được đẩy đến cao trào.

Nguyễn Huy Thiệp: Người đạt đỉnh cao nghệ thuật của truyện ngắn - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Trước khi gây chấn động văn đàn với tác phẩm Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp đã công bố trên báo Văn Nghệ hai truyện ngắn (Mỵ, Vết trượt). Nếu tiếp tục cách khai thác chất liệu sáng tác và bút pháp của những truyện ngắn này, có lẽ ông vẫn tìm được một vị trí trong văn học sử nhưng không thể trở thành hiện tượng độc đáo gây nhiều tranh cãi như chúng ta chứng kiến suốt ba thập niên văn học.

Trong thế kỷ 20 ở nước ta, trên lĩnh vực văn xuôi hư cấu xuất hiện nhiều văn tài đa dạng, tầm cỡ, nhưng thiết nghĩ hai người có tính cách tân và mang số phận kỳ lạ nhất là Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Huy Thiệp.

Một người cầm bút trong xã hội thuộc địa; một người trong bối cảnh đất nước thống nhất, hòa bình. Một người vào nghề và hoàn thành sự nghiệp khi tuổi đời còn rất trẻ; một người khởi nghiệp khi đã qua tuổi thanh niên và có nhiều trải nghiệm cay đắng trong cuộc đời. Một người chủ yếu thành công ở thể loại tiểu thuyết; một người đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của thể loại truyện ngắn.

Như những ngôn sứ trong Kinh Thánh từng không được chấp nhận trên quê hương mình, dư luận xã hội đã có lúc không chiều đãi, thậm chí phủ nhận hai văn tài nói trên.

Những mũi tên bắn vào tác phẩm Vũ Trọng Phụng chủ yếu khi ông đã nằm xuống, còn Nguyễn Huy Thiệp thì phải chịu trận và chống đỡ với những làn sóng đả kích khi còn đang sức sáng tạo để tiếp tục khẳng định chính mình.

Nói hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp là sản phẩm của thời Đổi mới có lẽ cũng đúng, nhưng tác động của thời cuộc may lắm là kích thích và tạo môi trường tương đối thuận lợi cho tác phẩm được công bố.

Còn sự thật thì Nguyễn Huy Thiệp là sản phẩm của chính Nguyễn Huy Thiệp, với nội công thâm hậu mà ông rèn luyện trong mười năm dạy học ở Tây Bắc, miền đất của Những ngọn gió Hua Tát.

Xét riêng về thể truyện ngắn, có thể xếp Nguyễn Huy Thiệp bên cạnh Nam Cao. Phong cách Nam Cao thống nhất trong sự viên mãn; phong cách Nguyễn Huy Thiệp thống nhất trong sự biến hóa khó lường: trữ tình dân gian, hiện thực khắc nghiệt pha lẫn yếu tố kỳ ảo. Đó còn là những truyện kể qua ngôn ngữ sân khấu, với những xung đột được đẩy đến cao trào.

Không có gì khó hiểu khi nhà thơ trong văn xuôi đó cũng là tác giả của những vở kịch đặc sắc mang chiều sâu tư tưởng. Tiếc là kịch của Nguyễn Huy Thiệp ít được dàn dựng trên sân khấu nên vẫn còn xa lạ với công chúng.

Khoảng trống Nguyễn Huy Thiệp để lại hôm nay có lẽ còn lâu lắm mới được lấp đầy. Người đọc chắc chắn sẽ đọc lại Nguyễn Huy Thiệp và lịch sử sẽ còn dành nhiều giấy mực để luận bàn về sự nghiệp của ông.

Nguyễn Huy Thiệp: người gợi lại dũng khí cho tất cả nhà văn

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - tên tuổi đáng chú ý nhất văn đàn Việt Nam trong vài chục năm qua - vừa qua đời lúc 16h45 ngày 20-3 tại nhà riêng sau một thời gian chống chọi với bệnh đột quỵ. Ông hưởng thọ 72 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 20-4-1950 ở Thái Nguyên, nhưng nguyên quán ở Hà Nội.

Tên tuổi của ông gắn liền với các truyện ngắn như Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết...

Ngoài ra ông còn viết tiểu thuyết, kịch bản, thơ, tiểu luận. Nhưng thành công hơn cả vẫn là truyện ngắn. Ba cuốn tiểu thuyết đã xuất bản gồm: Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu.

Năm 2020, kỷ niệm 70 tuổi, Nguyễn Huy Thiệp cùng với Công ty sách Đông A đã cho ra đời một tuyển tập truyện ngắn chọn lọc với những tranh minh họa của những họa sĩ xuất sắc, cũng là bạn bè của ông ở Hà Nội.

Cuốn sách tập hợp những truyện ngắn mà nhà văn ưng ý nhất. Từ hơn chục năm nay, ông hầu như gác bút, vui tuổi già với con cháu.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đánh giá Nguyễn Huy Thiệp là "một trong những nhà văn gần như là quan trọng số 1 từ sau Đổi mới, người đã gợi lại dũng khí cho tất cả các nhà văn, cho họ thấy thế nào là quyền năng một người viết, quyền thay đổi, quyền khám phá, phản biện xã hội, khiến ta nhìn thấy lại giá trị của nhà văn".

"Chắc chắn anh Thiệp sẽ ở lại với lịch sử văn học. Ông thật sự là một nhà văn lớn. Tôi thật sự tiếc bởi ông ra đi sớm. Ông còn thì anh em làng văn cảm giác ấm cúng hơn" - tác giả tiểu thuyết Mình và họ nói về bậc đàn anh văn chương vừa rời cõi tạm trong lúc đi bộ qua những con phố lướt thướt mưa phùn của Hà Nội.

Về con người cá nhân, Nguyễn Bình Phương rất trân quý Nguyễn Huy Thiệp, một con người rất lặng lẽ, quyết liệt, tôn trọng bạn bè, đồng nghiệp.

Nguyễn Bình Phương còn tiếc nuối hơn khi Nguyễn Huy Thiệp chưa được đánh giá xứng đáng, ông chưa được trao giải thưởng nhà nước, cũng chưa có giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

"Đây là món nợ lớn nhất của Hội Nhà văn với Nguyễn Huy Thiệp" - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.

Hội Nhà văn Việt Nam sẽ cùng gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tổ chức tang lễ cho ông, dự kiến tại Nhà tang lễ quốc gia.

THIÊN ĐIỂU

Nguyễn Huy Thiệp và cú đẩy tay số phận, chưa biết họa phúc nào hơn Nguyễn Huy Thiệp và cú đẩy tay số phận, chưa biết họa phúc nào hơn

TTO - Trong văn chương Việt Nam đương đại, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có số lượng tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác vào hàng bậc nhất. Văn chương Nguyễn Huy Thiệp được bạn đọc quốc tế lựa chọn trước hết vì... chính nó.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp