08/05/2015 08:45 GMT+7

Nguyễn Đổng Chi: trăm năm để lại chút gì

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) vừa được tổ chức tại TP.HCM 
ngày 7-5.

PGS.TS Trần Hữu Tá đọc tham luận đề dẫn hội thảo Ảnh: L.Điền
PGS.TS Trần Hữu Tá đọc tham luận đề dẫn hội thảo - Ảnh: L.Điền

Đây là lần thứ hai một hội thảo quy mô về Nguyễn Đổng Chi được tổ chức sau ngày vị học giả này tạ thế. Ban tổ chức (Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, NXB Trẻ) tập hợp được 32 tham luận có chất lượng, xuất bản thành tập kỷ yếu với bốn phần nội dung, trong đó điểm qua thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Đổng Chi, những đóng góp của ông trong lĩnh vực văn hóa dân gian Việt Nam, văn học cổ điển Việt Nam và sáng tác văn học.

100 năm cuộc đời và gần 30 năm “cái quan định luận”, học giả Nguyễn Đổng Chi để lại nhiều bài học không những cho học giới hôm nay mà cho cả thế hệ trẻ đang lập thân lập nghiệp.

Tuổi trẻ tự học

Hội thảo dành một phần ý kiến nhắc lại điều kiện xuất thân của GS Nguyễn Đổng Chi, vừa thuận lợi vì sinh trưởng trong gia đình gia giáo xứ Nghệ, vừa bất lợi vì bấy giờ chính quyền Pháp xem gia đình ông là đối nghịch nên lận đận chuyện học ngay từ thuở thiếu thời.

Nhưng chính sự bất lợi đó đã giúp Nguyễn Đổng Chi thành một người tự học với tinh thần quyết liệt vượt thắng nghịch cảnh. 

PGS.TS Trần Hữu Tá thuật lại quãng thời gian sau khi thôi học ở năm thứ ba trung học, Nguyễn Đổng Chi đã đóng cửa tự học Hán văn và Pháp văn, đồng thời “nghiền” cho bằng hết tủ sách của ông cha để lại. Đến năm 1942-1943 có điều kiện ra Hà Nội, ông đã “miệt mài ngày tháng đọc sách ở Thư viện Viễn Đông Bác Cổ trong hơn một năm ròng”.

Ông Trần Hữu Tá còn dẫn lời GS Đặng Nghiêm Vạn kể chuyện Nguyễn Đổng Chi đã hỏi han và ghi chép “những điều chưa biết về Tây Bắc” để chứng tỏ rằng ông không chỉ học trong sách, học ở đời mà còn học ở đồng nghiệp, ở người nhỏ tuổi hơn mình.

Nhìn lại lúc bắt đầu lập thân của Nguyễn Đổng Chi mới thấy tuổi trẻ của ông sôi nổi, nhiệt thành và đã ít nhiều phác lộ chiều sâu lẫn dự liệu đường dài cho học thuật. Ấy là từ năm 17 tuổi ông đã có năm đầu sách viết cho thiếu nhi, đến năm tròn 20 tuổi (1935) thì tiểu thuyết tâm lý Yêu đời của ông được trao giải nhì của báo Tiểu Thuyết Thứ Hai.

Ở tuổi này, ông trở thành phóng viên của tờ tuần báo Thanh Nghệ Tĩnh (trụ sở đặt tại Vinh) và cộng tác với nhiều báo khác như Bạn Dân (Vinh), Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn), Tiểu Thuyết Thứ Hai (Hà Nội).

Có lẽ quá trình làm báo chính là chất liệu không chỉ để ông viết tập phóng sự Túp lều nát sau đó, mà sự gần gũi với người dân đã tạo cảm xúc lẫn tư duy để ông đi vào lĩnh vực văn hóa dân gian và dân tộc học sau này.

Tiên phong trong nhiều lĩnh vực

Ngày nay, khi nhắc tên Nguyễn Đổng Chi, phần lớn người nghe đều nhớ ngay đến bộ Kho tàng cổ tích Việt Nam do ông biên soạn. Nhưng không chỉ có thế, khi còn là một thanh niên độ tuổi 20, Nguyễn Đổng Chi đã cùng anh là Nguyễn Kinh Chi đi tìm hiểu đời sống người dân ở Kon Tum và viết công trình Mọi Kontum nổi tiếng khi ông vừa 22 tuổi (1937). Tập sách này khi ra đời được xem là công trình điều tra, khảo sát sớm nhất về người Ba Na, được nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp là Georges Condominas rất trân trọng. (Năm 2011 NXB Tri Thức tái bản với tên Người Ba Na ở Kon Tum).

Ngày nay, nếu ai đặt câu hỏi theo lối game show cho các bạn trẻ rằng “Văn học Việt Nam có từ bao giờ?” hẳn sẽ nhận được không ít sự lúng túng, có thể sẽ ít ai nói trôi chảy được.

Nhưng cũng chính lĩnh vực văn học này, Nguyễn Đổng Chi đã “bập” vào đúng vấn đề cốt lõi ấy và giải quyết nó từ năm ông 27 tuổi. Đó chính là công trình Việt Nam cổ văn học sử do Hàn Thuyên xuất bản lần đầu năm 1942.

Câu chuyện phân kỳ văn học Việt Nam là vấn đề đau đầu và gây tranh cãi rất nhiều trong giới chuyên môn. Trong khi nhiều người lên tiếng bác bỏ những gì gọi là văn học Việt Nam thời kỳ trước thế kỷ 10, thì Nguyễn Đổng Chi trong công trình của mình đã ghi nhận văn học Việt Nam “thời kỳ từ phát đoan đến đầu thế kỷ 10”. Đây chính là một quan điểm tiên phong, nói như PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng thì Việt Nam cổ văn học sử có vai trò “đặt nền móng cho ngành nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam”.

Trong đó, các vấn đề về “mốc khởi thủy của văn học viết Việt Nam”, “văn học của người Việt Nam trước thế kỷ 10” đã được đề cập. Đây là những căn cứ để hình thành quan điểm nghiên cứu văn học Việt Nam thời Bắc thuộc.

Ở lĩnh vực dân tộc học, PGS.TS Phan Thị Hồng nhấn mạnh rằng trong tác phẩm Người Ba Na ở Kon Tum (Mọi Kontum), Nguyễn Đổng Chi rất xuất sắc về phương diện khảo tả và trí tuệ sắc bén lẫn sự hồn hậu trong cách tiếp cận và diễn đạt, “cho đến nay chưa thấy một tác phẩm nào “thừa hưởng” được lối khảo tả, dấu ấn trí tuệ cũng như văn phong Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi”.

Trong tâm sự muốn cho các thế hệ sau còn nhớ đến một học giả uyên bác và có nhiều đóng góp, GS Phong Lê cho rằng nên có một ngôi trường và con đường mang tên Nguyễn Đổng Chi ở quê hương xứ Nghệ, mặc dù “đây chắc chắn không phải là điều lúc sinh thời ông mong muốn”.

Một số hình ảnh tư liệu của GS Nguyễn Đổng Chi được gia đình triển lãm tại hội thảo - Ảnh: L.Điền
Một số hình ảnh tư liệu của GS Nguyễn Đổng Chi được gia đình triển lãm tại hội thảo - Ảnh: L.Điền
Bên lề hội thảo, gia đình học giả Nguyễn Đổng Chi tổ chức một triển lãm “bỏ túi” giới thiệu những hình ảnh chụp các tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi, một số trang bản thảo, thủ bút, giấy tờ lúc đang công tác, hình ảnh ông lúc sinh thời.

Ngoài ra, tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển (Thừa Thiên - Huế) cũng ra số đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư Nguyễn Đổng Chi với một số tham luận từ hội thảo lần này, trích một phần hồi ức của vợ và em GS Nguyễn Đổng Chi là bà Đoàn Thị Tịnh và ông Nguyễn Hưng Chi viết về những kỷ niệm gắn bó với ông.

Dịp này, NXB Trẻ cũng hoàn tất giao dịch tác quyền và tái bản một loạt tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi: bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (gồm hai phiên bản: 5 quyển mỏng dành cho thiếu nhi và 2 tập dày có thêm phần khảo cứu, dị bản của từng truyện dành cho các nhà nghiên cứu chuyên sâu), truyện dài Gặp lại người bạn nhỏ, phóng sự Túp lều nát.

 

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp