Trẻ em chơi xe điện tại công viên Gia Định, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN |
Xe điện cân bằng và ván trượt đang là hai trò chơi thịnh hành trong giới trẻ hiện nay. Theo ThS.BS Huỳnh Chí Hùng - bộ môn chấn thương chỉnh hình ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, người chơi nên trang bị đủ kiến thức để tránh vui một phút mà hại dài lâu.
Dễ chấn thương
Về lý thuyết, cả xe điện cân bằng lẫn ván trượt đều có cấu tạo và cách chơi khá đơn giản. Người chơi chỉ cần đứng lên xe hoặc ván và giữ thăng bằng trong quá trình di chuyển. Tuy nhiên, hai trò chơi này tiềm tàng nhiều nguy hiểm, có thể dẫn đến các chấn thương trong quá trình thao tác.
Theo BS Hùng, ở mức độ nhẹ, người chơi có thể sây sát da, bầm dập tay chân, hoặc thường gặp nhất là bong gân. Trường hợp nặng hơn có thể bị trật khớp, gãy xương cần phải điều trị bó bột hay thậm chí phải phẫu thuật. Ngoài các chấn thương phần mềm, còn có những chấn thương nghiêm trọng như chấn thương sọ não dẫn tới các thương tật vĩnh viễn. Một số loại xe điện cân bằng còn có nguy cơ cháy nổ gây bỏng.
Bên cạnh đó, giới trẻ thường có tâm lý muốn thử thách và chinh phục. Chính vì vậy, họ thích thực hiện các động tác khó trên ván trượt như nhảy bật khi đang di chuyển, xoay ván trên không, đá lật, trượt trên chướng ngại vật như lan can... Đây là những động tác nguy hiểm rất dễ bị va đập nặng, đặc biệt khi người chơi không mang đồ bảo hộ.
BS Hùng cho biết thời gian hồi phục chấn thương tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ. Trường hợp nhẹ như sây sát da hay bầm dập tay chân thông thường, người chơi cần từ 1 đến 2 tuần để hồi phục.
Tuy nhiên, đối với các chấn thương nặng hơn như bong gân, trật khớp, thời gian hồi phục kéo dài từ 4 đến 8 tuần. Riêng người chơi nếu bị gãy xương cần 3 đến 6 tháng mới hồi phục.
Sau khi gặp chấn thương nặng, nếu muốn chơi lại, người bệnh cần khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa để tránh lặp lại chấn thương cũ.
Cần đồ bảo hộ khi chơi
Ngoài những kiến thức cơ bản, dù là người mới bắt đầu hay đã chơi xe điện cân bằng và ván trượt chuyên nghiệp, vẫn cần có đồ bảo hộ để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo BS Hùng, các bạn trẻ nên lựa chọn loại xe điện cân bằng hay ván trượt có chất lượng tốt để tránh hiện tượng cháy nổ hay gãy ván khi đang chơi, có thể gây ra tai nạn. Bên cạnh đó, cần mua một đôi giày thích hợp, có độ bền cao, đế phẳng để tăng độ bám khi đứng trên ván trượt. Không nên mang dép quai hậu hay dép lê khi chơi vì có thể gây đau gót hay trượt ngã.
Trong quá trình chơi, cần sử dụng đồ bảo hộ như nón bảo vệ đầu, tấm đệm đầu gối và khuỷu tay tránh bị các chấn thương nghiêm trọng nếu lỡ té ngã. Ngoài ra, cần tìm nơi bằng phẳng hoặc khu vực dành riêng cho hoạt động trượt ván để chơi, tránh nơi có các vết nứt, đá vụn hay ổ gà.
Những người mới tập trượt ván hoặc đi xe điện cân bằng nên tìm người có kinh nghiệm tập cùng, không nên tự ý tập các động tác khó.
Không cho trẻ dưới 5 tuổi chơi Theo BS Huỳnh Chí Hùng, nhiều khuyến cáo cho rằng không nên cho trẻ em dưới 5 tuổi chơi xe điện cân bằng hay ván trượt vì tuổi này chưa có sự phối hợp tốt trong vận động nên dễ gặp phải các chấn thương. Trong khi đó, trẻ từ 6 đến 12 tuổi cần phải có cha mẹ hay người thân giám sát khi chơi. Ngoài ra, chơi xe điện cân bằng và ván trượt cũng đòi hỏi khả năng giữ thăng bằng tốt. Do đó, người mắc các bệnh hay có triệu chứng biểu hiện dễ mất thăng bằng, chóng mặt... thì không nên tham gia trò chơi này vì dễ gây tai nạn trong lúc chơi. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, đối với những chấn thương phần mềm nhẹ như sây sát da, bầm dập tay chân, người chơi có thể tự xử lý. Tuy nhiên nếu bị bong gân, trật khớp, gãy xương, chấn thương đầu, nên đưa người bị thương đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh, cần nhanh chóng gọi nhân viên y tế để kịp thời xử trí. |
“Xe điện cân bằng và ván trượt (skateboard) có thể gây ra các chấn thương từ nhẹ đến nghiêm trọng như trầy trụa, gãy xương, chấn thương cột sống hoặc thậm chí chấn thương sọ não" ThS.BS Huỳnh Chí Hùng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận