24/08/2015 10:16 GMT+7

Nguy hiểm rình rập ở sân cỏ nhân tạo

HUY ĐĂNG - ĐINH THIỆN (huydang@tuoitre.com.vn)
HUY ĐĂNG - ĐINH THIỆN ([email protected])

TT - Phong trào chơi bóng trên các sân cỏ nhân tạo mini ngày càng phát triển mạnh ở VN, đi cùng đó là tỉ lệ chấn thương nặng của giới trẻ.

Chơi bóng trên mặt sân cỏ nhân tạo không đủ chuẩn rất dễ dính chấn thương - Ảnh: Đ.T.
Chơi bóng trên mặt sân cỏ nhân tạo không đủ chuẩn rất dễ dính chấn thương - Ảnh: Đ.T.

Bóng đá được biết đến như một trong những môn thể thao đối kháng có tỉ lệ va chạm nhiều nhất, dẫn đến tình trạng chấn thương cao. Ở VN, ngoài nguyên nhân người chơi chủ quan khi bị va chạm, tình trạng mặt sân kém chất lượng cũng góp phần gia tăng tỉ lệ chấn thương.

Người chơi chủ quan

Các cụm sân bóng đá mini ở TP.HCM hầu như luôn kín người chơi từ buổi chiều cho đến tận khuya mỗi ngày trong tuần. Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ sau mỗi giờ thi đấu lại có một vài bạn trẻ bước ra sân với đôi chân tập tễnh.

Nguyễn Hoàng Phi (23 tuổi), nhân viên ngân hàng, cho biết anh chơi bóng ở sân mini không dưới hai buổi/tuần và thường xuyên dính các chấn thương nhẹ. “Tôi thường gặp các chấn thương lặt vặt ở đầu gối, mắt cá. Tôi cũng nghi ngờ dây chằng của mình có vấn đề nhưng đợi đến khi nào đứt hẳn rồi hay. Bây giờ tôi vẫn đá banh được nên cứ kệ thôi” - anh Phi nói.

Theo cảnh báo của bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, xem nhẹ các dấu hiệu chấn thương có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn. Bác sĩ Nam Anh nói: “Đứt dây chằng chéo trước là một trong những loại chấn thương nặng thường gặp nhất với người chơi thể thao, nguyên nhân đến từ va chạm, bị chơi xấu khiến chân bị trẹo hoặc bị gập gối khi đang chạy. Một nguyên nhân khác là do rướn quá mức khiến dây chằng bị đứt từ từ. Nhiều bạn không để ý điều này và cứ tiếp tục chơi khiến tình trạng mỗi lúc một trầm trọng thêm, dẫn đến dây chằng bị đứt hẳn và khi đó phải mổ”.

Bác sĩ Nam Anh cũng cho biết tỉ lệ chấn thương vì chơi bóng đá ngày càng tăng trong những năm qua. Cụ thể như số ca mổ đứt dây chằng chéo của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vào giai đoạn cách đây 8 - 9 năm (thời điểm sân bóng đá cỏ nhân tạo mới xuất hiện ở VN) chỉ khoảng 100 ca/năm, trong đó hơn phân nửa là chấn thương do tai nạn xe cộ. Nhưng đến năm 2014 con số này tăng lên khoảng 200 ca/năm và chấn thương do chơi thể thao chiếm gần 60%.

Ngoài đứt dây chằng, rách sụn chêm và lật sơmi cũng là hai kiểu chấn thương thường gặp trên các sân đá bóng. Đặc biệt là chấn thương cột sống, điều ít ai biết. “Chấn thương cột sống thường do bị xô đẩy từ phía sau đột ngột, cơ lưng bị co thắt đột ngột khiến lưng bị cứng. Một số người nghĩ rằng bị trặc lưng nhưng thực tế cột sống thắt lưng rất khó bị trặc” - bác sĩ Nam Anh nói.

Cắt xén vật tư làm sân cỏ nhân tạo

“Bên cạnh va chạm, chơi thể thao quá tải, một nguyên nhân dẫn đến chấn thương khác là do các bạn trẻ thường phải chơi trên mặt sân cỏ quá cứng. Phản lực từ dưới sân tác động lên sẽ khiến người chơi dễ bị chấn thương vùng bàn chân. Người chơi thường dễ gặp chấn thương gai xương gót và viêm chỗ bám gân gót” - bác sĩ Nam Anh nói thêm.

Đáng nói là mặt sân cứng, xấu, kém chất lượng lại là thực trạng của hầu hết sân bóng đá cỏ nhân tạo ở TP.HCM. Anh Nguyễn Thành Nam, một cựu cầu thủ và hiện là HLV bóng đá trẻ ở TP.HCM, cho biết anh đã phải từ bỏ việc chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo vì không chịu nổi sự thô cứng của mặt sân này.

“Trước đây tôi thường chơi ở các sân bóng cỏ nhân tạo mini (sân năm người) nhưng bây giờ chỉ chơi trên sân cỏ tự nhiên 11 người. Đầu tiên là do vấn đề thể lực, đá sân 11 người ít đòi hỏi di chuyển nhiều và liên tục như sân năm người. Hai nữa là do mặt cỏ nhân tạo ở phần lớn sân quá tệ, quá cứng, mỗi lần té ngã là một lần đau nhức nghiêm trọng. Các bạn trẻ tuổi còn chịu nổi chứ tôi thì không, đá trên sân cứng quá hư giò cẳng hết, sân cỏ thật dù gì cũng mềm và xốp hơn” - anh Nam nói.

Ông Văn Xuân Thiện, giám đốc Công ty thể thao Thành Lâm và là một trong những người đầu tiên làm sân bóng đá cỏ nhân tạo tại VN, cho biết thực trạng mặt sân ngày càng tệ đi là bởi việc các nhà đầu tư tìm cách “cắt giảm” bớt những nguyên liệu làm sân. Cụ thể ông Thiện cho biết một sân cỏ nhân tạo đúng theo chuẩn của FIFA sẽ bao gồm năm lớp. Lớp dưới cùng là lớp đá cấp phối, tiếp đến là lớp vải địa kỹ thuật, lớp cát, lớp hạt nhựa cao su và trên cùng là phần ngọn cỏ (sợi yarn). Trong đó, lớp đá cấp phối thường dày tối thiểu 30cm theo chuẩn các sân bóng ở châu Âu, hai lớp cát dày và cao su dày tổng cộng 3cm, phần cỏ nhú ra cao khoảng 2cm. Riêng lượng hạt cao su lý tưởng là khoảng 15kg cho mỗi mét vuông, lớp hạt cao su này có công dụng giảm xóc cho cầu thủ khi chạy.

Ông Thiện nói: “Thực tế thì hầu như mọi sân cỏ nhân tạo ở VN đều không đạt được các chuẩn này. Lớp vải địa kỹ thuật thường bị bỏ qua, lớp đá cấp phối cũng chỉ dày khoảng 20cm là cùng. Quan trọng nhất là lớp hạt cao su, các sân cỏ nhân tạo ở VN chỉ tầm 5kg mỗi mét vuông, chưa bằng 1/3 so với tiêu chuẩn. Lớp cát cũng thường pha trộn sỏi đá, tạp chất linh tinh khiến mặt sân rất cứng”.

Ông Thiện còn cho biết một nguy cơ khác của sân cỏ nhân tạo bây giờ là việc nhập cỏ từ Trung Quốc: “Vào năm 2006 khi tôi làm sân cỏ nhân tạo ở Kỳ Hòa, loại cỏ tôi sử dụng khi đó là của Ý và có giá khoảng 28 USD/m2. Tổng chi phí cho một sân bóng mini khoảng 1 tỉ đồng. Nhưng bây giờ làm một sân cỏ chi phí chỉ còn khoảng 300 triệu đồng. Sở dĩ thấp như vậy là do cắt giảm bớt các nguyên liệu nói trên và quan trọng nhất là sử dụng loại thảm cỏ của Trung Quốc. Cách đây vài năm loại cỏ này còn có giá 15 - 17 USD/m2 nhưng giờ giảm còn khoảng 12 USD/m2. Theo tôi, tiền nào của nấy, mặt cỏ của Trung Quốc không thể nào tốt bằng mặt cỏ của châu Âu, khiến cho mặt sân ngày càng kém chất lượng”.

Nhằm khắc phục chấn thương, anh Nguyễn Thành Nam tư vấn người chơi bóng sân cỏ nhân tạo không nên sử dụng giày đinh, thay vào đó là loại giày đế bằng, nếu có núm cao su ở dưới thì nên chọn loại có núm cao su to, bằng phẳng để không bị lật sơmi.

Mặt sân cao su EPDM hạn chế chấn thương?

Hiện nay nhiều nước trên thế giới, điển hình như Singapore đã sử dụng mặt sân làm từ cao su EPDM để thay thế sân cỏ nhân tạo. Đây là loại sân đa năng có thể chơi được nhiều môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền hay bóng ném. Lợi thế của mặt sân này là khả năng hấp thụ va chạm cao cũng như chống trượt tốt của cao su EPDM, nhờ vậy có thể giảm thiểu khả năng chấn thương khi chơi thể thao. Ông Thiện cho biết chi phí lắp đặt mặt sân EPDM vào khoảng 37 USD/m2, cao hơn so với cỏ nhân tạo.

HUY ĐĂNG - ĐINH THIỆN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp