14/09/2014 09:00 GMT+7

​Nguy cơ virút Ebola lây lan qua không khí

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Tính đến ngày 12-9, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có 4.784 ca nhiễm Ebola, trong đó 2.400 trường hợp tử vong.

Cách biểu hiện chống Ebola của người hâm mộ bóng đá Bờ Biển Ngà trong trận đấu giữa Bờ Biển Ngà và Sierra Leone ngày 6-9 - Ảnh: Reuters
Cách biểu hiện chống Ebola của người hâm mộ bóng đá Bờ Biển Ngà trong trận đấu giữa Bờ Biển Ngà và Sierra Leone ngày 6-9 - Ảnh: Reuters

Nguy cơ càng đáng ngại hơn với những cảnh báo của các chuyên gia về biến thể có thể lây nhiễm qua không khí.

Tại thời điểm này, Ebola vẫn đang là loại virút lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch cơ thể như máu hay nước bọt.

Nhưng một số chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ lo ngại loại virút nguy hiểm này rất có thể biến đổi và thâm nhập cơ thể con người từ cơn ho hay hắt hơi của người bệnh.

Nguy cơ nhỏ, nhưng...

Theo CNN, bác sĩ Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách của Đại học Minnesota, nhận định: “Đó là mối lo ngại lớn nhất trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng suốt 40 năm qua của tôi. Tôi không thể hình dung nổi có điều gì đó - ngay cả với virút HIV - sẽ hủy diệt thế giới khủng khiếp hơn việc virút Ebola có thể lây nhiễm qua không khí”.

Mặc dù cũng như các chuyên gia khác, bác sĩ Osterholm khẳng định nguy cơ này tương đối nhỏ, nhưng với tốc độ lây lan như hiện nay, ông cảnh báo khả năng đó cũng gia tăng.

Bởi lẽ cứ mỗi khi có một người mới nhiễm Ebola, virút này lại có cơ hội biến đổi và phát triển thêm các đặc tính mới. Bác sĩ Osterholm gọi đó là hiện tượng “biến đổi gen may rủi”.

Nhiều loại biến thể không đáng ngại, nhưng một số trong đó có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của virút này trong cơ thể người.

Nói một cách dễ hiểu, bác sĩ C. J. Peters ví von: “Hãy tưởng tượng mỗi lần bạn sao chép một bài luận và thay đổi một hoặc hai từ. Cuối cùng nó sẽ làm thay đổi ý nghĩa toàn bộ bài văn”.

Với những gì đã và đang diễn ra, tờ New York Times dẫn cảnh báo của giới khoa học Mỹ cho rằng dịch bệnh Ebola sẽ còn kéo dài 12-18 tháng nữa và tác động tới hàng trăm ngàn người trước khi được kiểm soát.

Huy động nhân lực

Theo ước tính của WHO, cần có thêm 500 chuyên gia y tế và khoảng 1.000 bác sĩ, y tá địa phương để ngăn chặn hiệu quả hơn sự lây lan chết người của virút Ebola tại Tây Phi.

WHO và Tổ chức Thầy thuốc không biên giới mỗi đơn vị sẽ cử khoảng 200 chuyên gia y tế thế giới tới vùng dịch và WHO dự phòng hơn 300 người nữa.

Trong lúc đó, Mỹ cũng đã cử khoảng 100 nhân viên y tế và Liên minh châu Phi cũng cam kết sẽ hỗ trợ hơn 100 người nữa.

Trong tuần này, quân đội Mỹ sẽ xây dựng bệnh viện dã chiến trị giá 22 triệu USD với 25 giường bệnh tại Liberia để chăm sóc các nhân viên y tế và người bệnh.

Pháp nói sẽ đưa 20 chuyên gia về thảm họa sinh học tới Guinea và Anh cũng xây dựng và duy trì hoạt động của bệnh viện 60 giường tại Sierra Leone.

Một tín hiệu vui cho khu vực Tây Phi là Cuba vừa tuyên bố gửi đến Sierra Leone (nơi có hơn 500 người tử vong vì Ebola) một đoàn gồm 62 bác sĩ và 103 y tá.

Đây là đoàn cứu trợ y tế lớn nhất từ trước đến nay của Cuba và các nhân viên y tế sẽ lưu lại làm việc trong sáu tháng.

Sự hỗ trợ nhân lực là cấp thiết và quan trọng vì trong số các nạn nhân tử vong vì Ebola, có tới 15% là các cán bộ, nhân viên y tế.

Chỉ tính riêng Sierra Leone, từ lúc bắt đầu đại dịch đã có hơn 30 nhân viên y tế tử vong. Thậm chí một số nơi, giới y tế đã đình công hoặc từ chối chăm sóc bệnh nhân Ebola vì e sợ nguy hiểm.

Trong tuần sau, theo tuyên bố từ Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama sẽ chủ trì một cuộc làm việc liên quan đến việc phòng chống dịch Ebola.

Mỹ cũng tuyên bố sẽ huấn luyện cho lực lượng quân đội Liberia cách thức cách ly các khu vực dân cư bị nhiễm dịch.

Không có dịch, nếu có... tiền

Theo AFP, virút Ebola hiện đang lan tràn ở các quốc gia châu Phi nghèo khó vì thị trường nhỏ lẻ và nghèo nàn ở châu Phi chỉ là ưu tiên rất thấp của các hãng dược do chi phí sản xuất thuốc đặc trị hay văcxin điều trị Ebola có thể tốn hàng trăm triệu USD.

Giáo sư Peter Piot, thuộc Trường Dịch tễ và thuốc nhiệt đới ở London cũng là người đồng phát hiện virút Ebola vào năm 1976, tố cáo: “Lâu nay chả ai thèm quan tâm, không chỉ về việc sản xuất thuốc điều trị. Tuy vậy, mọi thứ giờ đã thay đổi, hai công ty dược phẩm lớn - GSK và Janssen - đang đầu tư sản xuất văcxin”.

Trong khi đó, ông Sylvain Baize, phụ trách Trung tâm bệnh sốt xuất huyết của Viện Pasteur ở Pháp, cho biết Ebola đã khiến hơn 2.000 người chết trong vòng 40 năm qua, con số thấp hơn nhiều nếu so với các căn bệnh khác. “Nếu con số hơn 2.000 người chết này xuất hiện ở các quốc gia công nghiệp, mọi thứ có thể đã rất khác. Nhưng số người chết này ở châu Phi, do vậy không ai thật sự quan tâm” - ông Baize nói mỉa mai.

Việc nghiên cứu văcxin đang tăng tốc nhưng khi tiến trình này có kết quả, câu hỏi kế tiếp sẽ là: Ai sẽ là người chi trả cho việc sản xuất và phân phối thuốc?

Bà Annette Rid, thuộc Trường ĐH King’s College London, cho rằng các quỹ công cộng, quỹ từ thiện và các nhà hảo tâm phải tham gia tiến trình này. Còn Seth Berkley, giám đốc điều hành của Liên minh Văcxin và miễn dịch toàn cầu (GAVI), cho biết hiện có nhiều công cụ để khai thác lợi nhuận từ việc chế tạo thuốc điều trị virút Ebola. Hi vọng đó là tín hiệu tốt để các loại thuốc đặc trị được ra đời sớm nhất.

Q.TRUNG

 

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp