06/05/2016 14:19 GMT+7

​Nguy cơ ung thư miệng và phòng ngừa bệnh

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Ung thư miệng là sự tăng trưởng không kiểm soát được của các tế bào bất thường ở miệng và ảnh hưởng đến những cấu trúc giải phẫu trong và xung quanh miệng.

Các dạng ung thư thường gặp ở miệng: ung thư môi, ung thư lưỡi, ung thư niêm mạc má, ung thư sàn miệng, ung thư khẩu cái cứng. Nam giới có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 2 lần nữ giới và nam giới tuổi từ 50 trở lên có nguy cơ cao hơn. Những người hay hút thuốc lá hoặc uống rượu nhiều dễ mắc bệnh ung thư miệng.

Điều quan trọng cần lưu ý rằng: hơn 25% các bệnh ung thư miệng cũng xảy ra ở những người không hút thuốc và những người chỉ thỉnh thoảng uống rượu.

Những yếu tố nguy cơ

- Thuốc lá và rượu: trong thuốc lá có hơn 4000 chất có thể gây ung thư. Những người hút thuốc lá tỉ lệ mắc ung thư gấp 6 lần những người không hút thuốc. Những người nhai thuốc lá tỉ lệ mắc ung thư nướu răng, niêm mạc má môi khoảng 50 lần.

- Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng quá nhiều.

- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.

- Virus HPV: một số chủng HPV 16-18 là yếu tố nguy cơ gây ung thư vùng hầu họng.

Những triệu chứng phổ biến thường gặp gợi ý đến bệnh lý ác tính vùng miệng

- Khối sưng nề ở bất kì cấu trúc nào ở miệng, tăng dần về kích thước theo thời gian, thay đổi màu sắc, không đáp ứng với thuốc điều trị kháng viêm kháng sinh.

- Sự phát triển của những mảng hoặc lấm tấm màu trắng hoặc đỏ trên bề mặt lưỡi, niêm mạc má 2 bên không đáp ứng với điều trị kháng nấm hoặc kháng khuẩn và bổ sung vitamin.

- Chảy máu thường xuyên trong miệng không rõ nguyên nhân.

- Cảm giác tê, đau, mất cảm giác khô rát ở bất ký vùng nào xung quanh miệng kéo dài, không giải thích được.

- Có những vết loét ở môi, miệng kéo dài hoặc tái diễn thường xuyên, điều trị tích cực nhưng vẫn không lành.

- Khàn tiếng kéo dài không có dấu hiệu của viêm nhiễm (nóng sốt, ho khạc đàm, triệu chứng của cúm)

-  Đau họng, khó nuốt tăng dần với thực phẩm dạng cứng, đến dạng lỏng.

-  Mất cân đối vùng mặt miệng.

-  Thay đổi về cấu trúc giải phẫu bình thường của những cấu trúc vùng miệng.

-  Đau ù tai, kéo dài không phải do bệnh lý ở tai.

Tầm soát ung thư miệng

Tầm soát ung thư miệng là quá trình thăm khám được thực hiện bởi nha sĩ hoặc bác sĩ để tìm kiếm dấu hiệu của ung thư hoặc bệnh tiền ung thư trong miệng của bạn. Mục tiêu của tầm soát ung thư là để phát hiện bệnh ung thư sớm giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn. Việc tầm soát có thể thực hiện trong những lần khám sức khỏe tổng quát định kì hoặc kết hợp trong những lần bạn đi khám bệnh do có vấn đề về răng miệng. Trong quá trình thăm khám nha sĩ hoặc bác sĩ sẽ kiểm tra miệng của bạn có nổi những u bướu hoặc nhũng vết loét lâu lành tại một vị trí nào đó trong miệng hoặc sự thay đổi về màu sắc của những niêm mạc trong miệng, môi và vùng đầu cổ, vùng da xung quanh. 

Tuy nhiên, việc thăm khám lâm sàng, đôi khi không thể xác định được một tổn thương là ác tính hay lành tính mà cần phải có những xét nghiệm hỗ trợ thêm cho chẩn đoán. Ví dụ: có những vết loét tái diễn thường xuyên trong miệng, để xác định được chính xác có những tế bào bất thường hay không thì cần phải thực hiện một thủ thuật để kiểm tra là bấm sinh thiết, làm giải phẫu bệnh để xác định bản chất của tế bào bị tổn thương.

Sàng lọc ung thư miệng không thể phát hiện tất cả các bệnh ung thư miệng. Có những tổn thương rất nhỏ hoặc nằm ẩn dưới những lớp mô bình thường và không gây khó chịu nhiều, nên bệnh nhân thường không để ý, do đó có một vài trường hợp tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm không được phát hiện ra.

Điều trị

Ung thư miệng được xử trí giống nhưng những bệnh ung thư khác: phẫu thuật để loại bỏ sự phát triển của ung thư, tiếp theo là xạ trị hoặc hóa trị để diệt những tế bào ung thư còn sót lại.

Khuyến cáo phòng ngừa

- Không hút thuốc, không sử dụng bất kì các sản phẩm thuốc lá. Uống rượu với một lượng vừa phải.

- Ăn đa dạng các loại thực phẩm, hạn chế những rau củ muối chua, muối mặn.

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời. Bạn nên sử dụng kem chống nắng khi đi ra ngoài trời.

- Tự kiểm tra miệng ít nhất một tháng một lần: Đứng trước gương để tự quan sát miệng, quan sát màu sắc môi lưỡi, nướu răng và bên trong miệng, có gì khác thường so với  những vị trí khác ở miệng, quan sát xem bên trong miệng có vết loét hoặc u cục nổi ở miệng hay không.

- Khi phát hiện có bất thường, hãy đến khám tại phòng khám chuyên khoa trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ung thư miệng
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp