24/04/2016 11:14 GMT+7

Nguy cơ từ nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc trên biển Đông

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Thời báo Hoàn Cầu vừa thông báo chính quyền Bắc Kinh sẽ xây dựng đến 20 “nhà máy điện hạt nhân di động”. 

Mô hình tàu phát điện hạt nhân của CGN - Ảnh: CGN
Mô hình tàu phát điện hạt nhân của CGN - Ảnh: CGN

“Nếu Trung Quốc sản xuất được lò hạt nhân và muốn xuất khẩu chúng thì cần chứng tỏ đã tuân thủ các quy cách an toàn hạt nhân

Chuyên gia Debra Decker

Trung Quốc đã công khai ý định xây dựng các nhà máy di động phát điện bằng năng lượng hạt nhân từ vài năm trước. Trong thời điểm căng thẳng trên Biển Đông hiện nay, Bắc Kinh lại bắn tín hiệu sẽ đưa nguồn điện này sử dụng sớm trên Biển Đông.

Trong một động thái khác thường, tờ Thời báo Hoàn Cầu - ấn bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc - vừa thông báo chính quyền Bắc Kinh sẽ xây dựng đến 20 “nhà máy điện hạt nhân di động”. Mục tiêu chính được nói rõ nhằm đáp ứng năng lượng cho cả trong nước lẫn ở các đảo.

Trên tờ Market Watch, cây bút Jurica Dujmovic cho biết với những tuyên bố “tung hàng” ồ ạt của Trung Quốc thì nguy cơ tai nạn hạt nhân trên thế giới lại tăng thêm, dù nhiều nhà khoa học khẳng định công nghệ hiện nay đã có tiến bộ hơn.

Dujmovic nói thẳng: “Lịch sử đã cho chúng ta biết cái giá phải trả mỗi khi thảm họa “rất khó xảy ra” đã xảy ra, bây giờ là thêm cả trăm nguy cơ kiểu này sẽ được xây dựng trong thập kỷ tới, khiến khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân càng thêm cao”.

Ông nhắc rằng thảm họa do con người gây ra ở Trung Quốc như vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân là bài học gần nhất, cần được nhắc nhở. Chưa kể thêm những “mục tiêu hạt nhân di động” như thế thì càng là mồi ngon cho các lực lượng khủng bố.

Chỉ điểm rõ: Biển Đông

Theo ông Lưu Chấn Quốc (Liu Zhengguo) - lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc, công ty đang đẩy mạnh dự án điện hạt nhân này.

“Phát triển các nhà máy điện hạt nhân di động là một xu hướng đang sôi nổi. Nhưng đóng bao nhiêu nhà máy sẽ còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường” - ông Lưu cho biết, đồng thời tin tưởng rằng nhu cầu này cực kỳ lớn.

Tờ báo chính thống của Bắc Kinh còn dẫn lời chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt (Li Jie) khẳng định các nhà máy điện hạt nhân di động này có thể cung cấp điện cho các hải đăng, thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cơ sở quốc phòng, sân bay và hải cảng ở Biển Đông.

Chuyên gia Lý còn cho rằng các nhà máy điện hạt nhân di động trên biển sẽ giúp cấp điện cho các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép)...

Tuy nhiên sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh khi bị các nhà báo cật vấn về nội dung của tờ Thời báo Hoàn Cầu thì lại lấp lửng kiểu: “Tôi chưa nghe nói về vấn đề này”.

Đây là một kiểu lấp lửng rất lạ, bởi câu chuyện nhà máy điện hạt nhân di động không phải chuyện chưa từng được các lãnh đạo Trung Quốc nói đến.

Chính tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 22-4 còn dẫn một bài báo đăng tải hồi tháng 1-2016 trên tờ China Securities Journal tiết lộ một nhà máy thí điểm dự kiến hoàn thiện vào năm 2018 và đi vào hoạt động một năm sau đó.

Vào thời điểm cuối tháng 1-2016, nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài đưa tin rằng chính quyền Bắc Kinh đã cho hai công ty nhà nước cạnh tranh trong việc chế tạo loại tàu (phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc) có thể mang trên mình các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ để cấp điện cho các giàn khoan ngoài biển hoặc các vùng đảo.

Hai công ty được nêu tên là Công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) và Tập đoàn CGN (Tổng năng lượng hạt nhân Trung Quốc) với hai loại lò phản ứng nhỏ đang phát triển lần lượt là ACP100S (công suất 450 MW) và ACPR50S (công suất 200 MW).

Mô hình tàu phát điện trên biển của CNNC - Ảnh: CNNC
Mô hình tàu phát điện trên biển của CNNC - Ảnh: CNNC

 

Bắt tay với Nga từ 2014

Cũng theo trang Sputnik của Nga vào ngày 29-7-2014, Công ty Rosatom Overseas - thành viên Tập đoàn hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga và Công ty CNNC New Energy của Trung Quốc đã ký kết bản ghi nhớ về ý định xây dựng các nhà máy điện hạt nhân di động.

CNNC New Energy là công ty liên doanh của CNNC (chiếm 51% vốn) với Công ty China Guodian, ra đời vào tháng 4-2011 nhằm nghiên cứu và phát triển các loại công nghệ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ.

Tổng giám đốc của CNNC New Energy Tiền Lâm (Qian Lin) và tổng giám đốc của Rosatom Overseas Djomart Aliev đã ký kết văn bản mở đường cho việc thành lập nhóm làm việc hỗn hợp Nga - Trung.

Ông Aliev nhận định: “Thị trường nhà máy điện hạt nhân di động rất tiềm năng. Nhà máy điện này có thể có động cơ đẩy hoặc được kéo đi. Ta có thể kết nối nó vào một kết cấu đang trên biển hoặc kéo nó vào gần một khu vực nào đang cần năng lượng. Những nhà máy điện hạt nhân di động này có thể giúp cung cấp đủ năng lượng cho các cộng đồng dân cư khó tiếp cận ở các khu vực hẻo lánh như vùng Bắc Cực hoặc Viễn Đông hoặc ở các điểm công nghiệp khó tiếp cận như giàn khoan dầu”.

Hồi tháng 5-2014, Matxcơva và Bắc Kinh cũng đã ký kết bản ghi nhớ về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân di động. Sau đó, ông Sergueï Kirienko, giám đốc Tập đoàn Rosatom, đã thông báo rằng Công ty CNNC của Trung Quốc mong muốn có được nhiều nhà máy điện hạt nhân kiểu này.

Theo trang Sputnik, trong vụ ký kết với Nga, CNNC New Energy đảm trách phần tài chính, xây dựng, khai thác và điều hành các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ.

Hôm qua (23-4), trang Business New Asia cũng thông báo rằng Rosatom vừa mở văn phòng cấp vùng tại Bắc Kinh trong khuôn khổ cuộc triển lãm quốc tế về công nghệ hạt nhân Trung Quốc 2016.

Đến nay, Rosatom đã có các văn phòng đại diện cấp vùng ở Mỹ Latin, Tây Âu, Trung Âu, Đông Âu, Trung Á, Đông Nam Á, các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi.

Một nhà máy di động: hơn 461 triệu USD

Theo trang Sputnik của Nga, hồi đầu tháng 3 chủ tịch CNNC Tôn Cần (Sun Qin) từng tuyên bố việc khởi công xây dựng “nhà máy điện hạt nhân di động” đầu tiên sẽ được bắt đầu trước cuối năm nay và có thể đưa vào hoạt động năm 2019.

Ông khẳng định bên CNNC giữ quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ cần thiết cho việc xây dựng các “nhà máy điện hạt nhân di động”.

Đáng chú ý trong phát biểu của ông Tôn là việc các nhà máy di động đó sẽ phục vụ các công trình trong đất liền, ở các đảo và vào lúc đó, ông đã khẳng định cái đầu tiên sẽ được triển khai trên Biển Đông.

Mức đầu tư cho một nhà máy điện hạt nhân di động này sẽ vào khoảng 3 tỉ NDT (hơn 461 triệu USD).

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp