30/08/2024 09:37 GMT+7

Nguy cơ thất thoát quỹ bình ổn xăng dầu

Cựu giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh đã bị cáo buộc dùng tiền quỹ bình ổn giá xăng dầu mua bất động sản, cho bạn bè vay, chi tiêu cá nhân, chi hối lộ số tiền khủng cho một số cá nhân tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Nguy cơ thất thoát quỹ bình ổn xăng dầu - Ảnh 1.

Việc quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu có nhiều bất cập. Trong ảnh: người dân đổ xăng ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) vào chiều 29-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, ngoài việc dùng tiền quỹ bình ổn giá xăng dầu chi tiêu vô tội vạ với mục đích cá nhân như vậy, không chỉ Xuyên Việt Oil mà một số thương nhân đầu mối xăng dầu còn chậm trễ nộp tiền quỹ bình ổn vào tài khoản ngân hàng hoặc kê khai không đầy đủ số dư quỹ bình ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát tiền của người dân.

Nhiều lần nhắc nhở, doanh nghiệp vẫn... lơ

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết vừa nhận được thông báo của Bộ Tài chính liên quan việc yêu cầu Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà chuyển nộp quỹ bình ổn giá vào ngân sách. Tuy nhiên đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được thông tin của doanh nghiệp này về việc thực hiện nộp số dư quỹ bình ổn giá.

Vì vậy Bộ Công Thương đã phải tiếp tục có công văn đề nghị Công ty Hải Hà nghiêm túc thực hiện việc chuyển nộp quỹ bình ổn vào ngân sách, cũng như thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Từ đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã có quyết định về việc thu hồi giấy phép đối với Công ty Hải Hà. Doanh nghiệp này được yêu cầu chuyển nộp ngay toàn bộ số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp vào ngân sách, gửi bản sao chứng từ nộp tiền về Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), điều chỉnh ngay số tiền đã trích lập, sử dụng không đúng quy định tại quỹ bình ổn xăng dầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp này phải rà soát lại toàn bộ quá trình trích và chi sử dụng quỹ, báo cáo gửi về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Tuy nhiên đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được báo cáo của công ty về vấn đề này, đặc biệt là các biện pháp khắc phục đối với các vi phạm về quỹ bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2017 - 2022 như đã nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên các bộ có văn bản thúc giục doanh nghiệp này mà từ đầu năm đến nay đã nhiều lần doanh nghiệp này được yêu cầu nộp lại quỹ bình ổn.

Khi chưa giải quyết được với những doanh nghiệp đã thu hồi giấy phép, việc quản lý quỹ với các doanh nghiệp đang hoạt động cũng có không ít khó khăn. Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Trung Linh Phát báo cáo việc thực hiện quy định về quỹ bình ổn xăng dầu và khắc phục các hành vi vi phạm liên quan.

Theo bộ này, dù đã nhiều lần yêu cầu công ty nghiêm túc thực hiện quy định về quỹ bình ổn xăng dầu, trong đó có việc chuyển nộp vào tài khoản quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện.

Nguy cơ thất thoát quỹ bình ổn xăng dầu - Ảnh 2.

Người dân đổ xăng ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) vào chiều 29-8 - Ảnh: Quang Định

Không thể chỉ đôn đốc bằng văn bản

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng sau những vụ việc "lùm xùm" về quỹ bình ổn, đặc biệt là vụ Xuyên Việt Oil, việc quản lý quỹ bình ổn đã có thay đổi quan trọng về cơ chế chính sách.

Đó là việc tách quỹ bình ổn ra thành tài khoản riêng và mở tại ngân hàng, doanh nghiệp không được tự quyền trích từ quỹ để sử dụng mà chỉ có quyền nộp vào.

Theo ông Thịnh, cơ chế quản lý tương đối ổn, nhưng vấn đề là làm sao đôn đốc, giám sát và thực hiện việc trích lập, chi sử dụng cũng như quản lý quỹ cho đúng. Việc phối hợp quản lý quỹ giữa liên bộ Công Thương - Tài chính đã ngày càng hiệu quả hơn, khi Bộ Công Thương có vai trò chính quản lý toàn diện hoạt động xăng dầu và các doanh nghiệp đầu mối.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là làm sao để thu hồi quỹ bình ổn với doanh nghiệp đã bị rút giấy phép.

Khi chủ doanh nghiệp bị vướng lao lý cũng cần có các biện pháp thu hồi quỹ hiệu quả hơn, thay vì chỉ có văn bản thúc giục nhiều lần.

"Nếu không nộp quỹ bình ổn thì bộ cần có phương án để các khoản doanh thu, tài sản bị tịch biên, kê biên phải được ưu tiên nộp ngân sách để khắc phục các vi phạm liên quan tới quỹ bình ổn và nộp thuế" - ông Thịnh nói.

PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - cũng cho rằng nhìn từ vụ việc của Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty Hải Hà cho thấy công tác quản lý vẫn lỏng lẻo, nên cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng quỹ chi tiêu cá nhân, dù kiểm tra giám sát nhưng quỹ vẫn bị lạm dụng.

Theo ông Long, nếu bộ quản lý chuyên ngành chỉ làm công văn yêu cầu nộp tiền về, trong khi tiền quỹ đã bị tiêu xài vào mục đích khác, sẽ khó thu hồi.

"Quỹ bình ổn cần kiểm tra toàn diện, bất kỳ lúc nào cũng phải tăng cường kiểm tra kiểm soát. Nếu không có báo cáo, cần có biện pháp xử lý ngay. Khi được yêu cầu sao kê tài khoản mà không chứng minh tài khoản cụ thể, tức là báo cáo không trung thực, cần có biện pháp xử lý khác.

Đặc biệt khi đã nhiều lần yêu cầu báo cáo mà không báo cáo đầy đủ, cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời" - ông Long nói.

Nguy cơ thất thoát quỹ bình ổn xăng dầu - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Cần xem xét lại quy định 90 ngày?

Ngày 19-6-2024, Công ty TNHH Trung Linh Phát đã bị Tổng cục Quản lý thị trường xử phạt vi phạm hành chính khi không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu; không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ thấp hơn mức tối thiểu; gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối.

Tuy nhiên, do chưa đến thời hạn (90 ngày) theo quy định, Bộ Công Thương chỉ có thể ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp này "khẩn trương khắc phục các hành vi vi phạm".

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo kiểm toán chuyên đề về quỹ bình ổn xăng dầu, sao kê tài khoản ngân hàng kèm theo báo cáo quỹ bình ổn xăng dầu kỳ tháng 7-2024 của doanh nghiệp này.

Dù theo báo cáo của đơn vị này, số dư đến ngày 31-7-2024 là 26,9 tỉ đồng, nhưng lại không có sao kê tài khoản ngân hàng. Vì vậy Bộ Tài chính đã yêu cầu công ty này nộp sao kê tài khoản và chuyển nộp vào tài khoản quỹ bình ổn giá, tiền lãi phát sinh theo quy định, đồng thời nghiêm túc thực hiện nộp báo cáo quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng nơi đăng ký mở tài khoản.

Theo quy định của nghị định 80/2023, Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi giấy phép làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định về điều kiện làm thương nhân đầu mối; vi phạm quy định về dự trữ xăng dầu bắt buộc.

Tuy nhiên phải 90 ngày sau ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu các hành vi vi phạm chưa được khắc phục mới thu hồi giấy phép.

Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp vi phạm có thể lạm dụng thời gian khắc phục (90 ngày), cuối cùng không thể khắc phục được vi phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước và người dân. Do đó theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp vi phạm về dự trữ hay gian lận, vi phạm quỹ… cần phải có biện pháp xử lý nghiêm, không tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể lạm dụng.

"Cần xem xét lại cơ chế xử lý 90 ngày. Nếu phát hiện có gian lận phải xử lý nhanh hơn, tránh việc thu hồi tài sản hoặc khắc phục vi phạm gặp khó khăn. Với trường hợp tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng quỹ, cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát sao. Nếu thấy có vi phạm phải xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép kinh doanh ngay" - ông Thịnh đề nghị.

Không cần duy trì quỹ bình ổn

Trả lời Tuổi Trẻ, TS Phạm Thế Anh, trưởng khoa kinh tế Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu là "hồ điều tiết" giá nhưng vai trò của quỹ này khá mờ nhạt, việc điều hành trích và chi quỹ các năm qua khá tùy tiện.

Trên thị trường có năm loại xăng dầu khác nhau (xăng E5 RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut) nhưng việc trích quỹ cho mặt hàng nào, chi cho mặt hàng nào lại không theo một quy tắc nào cả.

Trong thực tế tiền được đổ vào một quỹ chung, sau đó chi cho từng mặt hàng mà lẽ ra mặt hàng nào phải rạch ròi mặt hàng đó. Nếu cơ quan quản lý trích lập nhiều hơn và chi ít hơn với mặt hàng dầu, trong khi chi trích lập ít hơn và chi nhiều hơn với xăng, sẽ gây ra gây bất bình đẳng.

Cũng theo ông Anh, không chỉ Xuyên Việt Oil mà trước đây cũng đã có trường hợp doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn sai mục đích. Do đó cần xem xét việc duy trì quỹ này có cần thiết hay không.

"Nguyên tắc hoạt động của quỹ này là trích lập trước, chi sau. Thực chất là lấy tiền người tiêu dùng để bù đắp giá trong tương lai nên người tiêu dùng không được lợi gì cả, không có nguồn khác bổ sung trong khi việc điều hành quỹ cũng không đáp ứng yêu cầu bình ổn", ông Anh nói.

Ông Giang Chấn Tây, giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, cho rằng cần xem xét bỏ quỹ bình ổn nhằm giúp giá xăng dầu phản ánh đúng theo giá của thị trường. Theo ông Tây, vai trò điều tiết giá của quỹ bình ổn không lớn, tác động không đáng kể đến thị trường, song lại không phản ánh được tính chất của thị trường.

"Trong khi đó do những lỗ hổng trong quản lý quỹ, các doanh nghiệp đầu mối dùng quỹ sai mục đích, thậm chí làm tăng lợi ích nhóm trong các công ty đầu mối.

Thay vì giá xăng giảm liên tục, sự can thiệp của quỹ đã khiến giá không điều chỉnh, hoa hồng cho các doanh nghiệp bán lẻ cũng không phản ánh một cách thực chất", ông Tây nói.

Bộ Công an chỉ ra lỗ hổng quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu

Tại kết luận điều tra vụ án Xuyên Việt Oil, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án, trong đó có lỗ hổng quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Cụ thể quỹ bình ổn giá không được quản lý tập trung mà được để tại doanh nghiệp thương nhân đầu mối kinh doanh và giao doanh nghiệp tự quản lý, chủ động trích lập, sử dụng và báo cáo số dư về cơ quan quản lý.

"Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể phương pháp, cách thức quản lý, kiểm tra thực tế số dư quỹ bình ổn giá mà doanh nghiệp đã trích lập trong từng kỳ báo cáo dẫn tới chủ doanh nghiệp lợi dụng được giao quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá để chiếm dụng, sử dụng trái phép", cơ quan điều tra nhận định.

Công tác quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cũng được giao cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thu hộ nhưng số tiền thu hộ không được hạch toán, nộp vào tài khoản định danh riêng biệt nên bị chiếm dụng.

Do vậy cơ quan điều tra kiến nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá của các cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu thương nhân đầu mối xăng dầu phải công khai số dư quỹ, tài liệu chứng từ chứng minh theo định kỳ hằng tháng để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.

Ngoài ra theo cơ quan điều tra, cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước và cần thiết giao cơ quan duy nhất có quyền hạn, trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát quỹ bình ổn giá hoặc chuyển quỹ bình ổn giá về cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp.

Đối với công tác quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường, cơ quan điều tra kiến nghị cần quy định thời gian cụ thể mà doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách nhà nước và trách nhiệm hình sự của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện.

Quản lý quỹ có nhiều bất cập

Tại báo cáo một số nội dung thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lĩnh vực công thương, Bộ Công Thương cho biết quỹ bình ổn giá xăng dầu không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, do các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trích lập, chi sử dụng theo điều hành giá của liên bộ Tài chính - Công Thương và đặt tại tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp.

Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước. Theo Bộ Công Thương, thời gian qua quỹ bình ổn xăng dầu đã được liên bộ Công Thương - Tài chính sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận việc sử dụng quỹ thời gian vừa qua có một số bất cập đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chỉ ra như doanh nghiệp sử dụng quỹ sai mục đích, không kết chuyển tiền về quỹ...

Việc trích lập, chi quỹ thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời hạn cụ thể...

Nguy cơ thất thoát quỹ bình ổn xăng dầu - Ảnh 3.

Công nhân làm việc tại kho xăng dầu huyện Nhà Bè (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Quỹ bình ổn không còn tác dụng

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PV Oil... và một số thương nhân phân phối xăng dầu đã đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu do không còn phù hợp với cơ chế điều hành giá 7 ngày bởi giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới.

Trong thực tế suốt 7 tháng điều hành giá xăng dầu vừa qua, việc can thiệp vào quỹ rất hạn chế nhưng giá cả xăng dầu vẫn khá ổn định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo - chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN - cho rằng việc bỏ quỹ có thể tính đến.

Tuy nhiên trong điều kiện vẫn cần phát huy nguồn tiền từ quỹ này, phải có một quỹ tập trung do Nhà nước quản lý, gắn với nâng cao nguồn lực để tăng năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia nhằm tạo dư địa can thiệp thị trường kịp thời khi có biến động.

Trong sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã đề xuất chuyển tiền quỹ bình ổn về cho Nhà nước quản lý thay vì để tiền quỹ tại doanh nghiệp đầu mối.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính xác định số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu, hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư về ngân sách quản lý.

Nguy cơ thất thoát quỹ bình ổn xăng dầu - Ảnh 5.Doanh nghiệp quyết giá xăng dầu với lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, sẽ bỏ quỹ bình ổn?

Theo dự thảo mới được Bộ Công Thương đưa ra để phục vụ thẩm định, giá xăng dầu sẽ do doanh nghiệp được tự điều hành và sẽ không duy trì quỹ bình ổn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp