28/03/2022 11:38 GMT+7

Nguy cơ thảm họa từ giá lương thực

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - "Bánh mì có thể lên đến 10 euro một ổ", đó là tựa đề một bài báo trên trang express.co.uk của Anh ngày 26-3 nói về việc giá thực phẩm đang gây "đau đớn" cho người tiêu dùng ở châu Âu.

Nguy cơ thảm họa từ giá lương thực - Ảnh 1.

Tunisia nhập khẩu gần 50% lúa mì mềm, được sử dụng để làm bánh mì, từ Ukraine. Nhà chức trách cho biết quốc gia Bắc Phi này chỉ có đủ nguồn cung cấp cho ba tháng - Ảnh: AFP

Giá thực phẩm vốn đã cao vì đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu... lại cộng thêm chiến sự Ukraine nổ ra đang gây lo ngại sâu sắc.

Lương thực tăng giá kỷ lục

Theo Đài Euronews, trước thời điểm Nga khởi động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2, giá thực phẩm toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục, hơn 24% so với cùng kỳ năm trước và đã tăng 4 tháng liên tục.

Thực phẩm tăng giá do nhiều yếu tố, chủ yếu do giá năng lượng và vận tải tăng trong năm qua. Chiến sự nổ ra càng đẩy giá lương thực lên cao và gây sốc về kinh tế trên toàn thế giới.

Cụ thể, Ukraine và Nga sản xuất khoảng 30% hàng hóa lương thực như lúa mì và bắp (ngô) cho thế giới. Riêng Ukraine sản xuất 16% lúa mì và 12% bắp. Xuất khẩu của Nga và Ukraine với các mặt hàng quan trọng như lúa mì, dầu hướng dương và bắp bị cắt giảm khiến ở châu Âu, người dân nháo nhào đi mua vét dầu hướng dương để dùng dần.

Hai tuần sau chiến sự, Ukraine ra lệnh cấm xuất khẩu lương thực, ưu tiên cung cấp lương thực cho người dân ở các vùng chiến sự. Nga cũng hành động tương tự khi cấm xuất khẩu lúa mì cho một số nước láng giềng đến tháng 6-2022.

Nhưng chưa hết, Nga lại là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới và nước này đã cho tạm ngừng xuất khẩu cho đến khi dịch vụ vận chuyển ra vào nước Nga (đang bị các lệnh trừng phạt) khôi phục. Theo trang Foreign Policy, quyết định này khiến các nước nhập khẩu phân bón của Nga điêu đứng vì nếu thiếu phân, mùa vụ hiện tại và mùa vụ tới sẽ đầy rủi ro.

Ertharin Cousin, thành viên Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu và là cựu giám đốc điều hành của Chương trình lương thực thế giới, cho biết: "Nhiều yếu tố bất lợi cùng hội tụ đã tạo ra một cơn bão toàn diện, có thể dẫn đến một thảm họa về giá thực phẩm".

Đồng tình với quan điểm này, David Laborde, một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, cho rằng: "Khủng hoảng phân bón sẽ ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp trên thế giới".

Đe dọa bất ổn

Sau hơn một tháng chiến sự nổ ra, các nhà kinh tế và các cơ quan viện trợ cho rằng đang có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Giá lương thực tăng có thể gây bất ổn chính trị ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nga và Ukraine (có gần 50 quốc gia nhập khẩu ít nhất 30% lúa mì từ Nga và Ukraine và 26 quốc gia nhập khẩu còn nhiều hơn, đến hơn 50%).

Trong lịch sử, tăng giá lương thực có thể gây bất ổn chính trị. Một thập kỷ trước, chi phí ngũ cốc tăng vọt - khiến giá bánh mì ở Ai Cập tăng 37% - đã góp phần tạo ra Mùa xuân Ả Rập - làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các nước Ả Rập. Trước đó, năm 2008, giá lương thực leo thang làm bùng nổ các cuộc bạo động và biểu tình trên toàn cầu.

Catherine Bertini, cựu giám đốc điều hành của Chương trình lương thực thế giới, cho biết: "Dân chúng sẽ phản ứng khi họ đói... Khi giá thực phẩm tăng cao đến mức họ không thể trả được tiền thuê nhà".

Tại Sudan, quốc gia nhập khẩu hơn 80% lúa mì từ Nga và Ukraine, gần đây, khi giá bánh mì tăng, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình. Trong những tuần gần đây, các cuộc biểu tình cũng đã làm rung chuyển Iraq và Hy Lạp, nơi hàng trăm nông dân phản đối giá phân bón tăng cao.

Michael Tanchum, chuyên gia về năng lượng tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu và Viện Trung Đông, cảnh báo nếu những cú sốc kinh tế này tiếp diễn, bất ổn có thể lan sang các khu vực khác trên thế giới.

Tác động của giá tăng sẽ phụ thuộc vào việc chiến sự tại Ukraine kéo dài bao lâu và quốc gia này bị tàn phá đến mức nào sau chiến tranh. Trong khi đó, phía Ukraine đã cáo buộc Nga cố tình nhắm vào thiết bị nông nghiệp của họ và các cảng ở biển Đen - trung tâm thương mại chủ chốt về lúa mì.

Gần 283 triệu người đối mặt nguy cơ

Trong những tháng tới, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc ước tính giá lương thực có thể tăng tới 20%, một mức tăng đột biến đáng kể có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

Còn theo Chương trình lương thực thế giới, gần 283 triệu người ở 81 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hoặc có nguy cơ cao, với 45 triệu người trên bờ vực của nạn đói.

Tổ chức Nông lương LHQ cảnh báo giá lương thực tăng cao Tổ chức Nông lương LHQ cảnh báo giá lương thực tăng cao

TTO - Ngày 4-3, Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực của FAO (FFPI) tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, dẫn đầu là các sản phẩm từ sữa và dầu thực vật.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp