Tutufa bufo, loài ốc biển có tiền sử gây ngộ độc tại VN và một số nước khác - Ảnh tư liệu: Bùi Quang Nghị cung cấp |
Dưới đây là một số thông tin khoa học liên quan đến ngộ độc thực phẩm do ăn các loài ốc biển.
Ngộ độc thực phẩm có thể gây tử vong do ăn ốc biển đã được ghi nhận lần đầu tiên tại VN vào năm 2006.
Tuy nhiên, từ trước đó, các trường hợp ngộ độc tương tự từng xảy ra khá phổ biến tại khu vực Thái Bình Dương, điển hình là tại Nhật Bản.
Nassasius catus, loài ốc biển có tiền sử gây ngộ độc tại VN và một số nước khác - Ảnh tư liệu: Bùi Quang Nghị cung cấp |
Nhiều loài ốc gây ngộ độc chết người
Một số loài ốc chỉ độc ở một bộ phận nào đó nhất định (ví dụ như tuyến nước bọt), ngộ độc xảy ra đối với các loài này khi mà con người đã bất cẩn, không loại bỏ phần độc trước khi ăn. Có những loài ốc luôn độc và hết sức nguy hiểm đến tính mạng nếu con người vô tình ăn phải.
Tuy nhiên, có một số loài ốc biển thông thường không hề gây ngộ độc cho con người, nhưng đột nhiên trong một thời điểm nào đó lại trở nên độc mà chúng ta chưa thể biết lý do hay nguyên nhân.
Gần đây khá nhiều loài ốc được ghi nhận gây các vụ ngộ độc cho con người thông qua con đường thức ăn như ốc mặt trăng (turban), ốc đụn (the top of shells), ốc tù và (trumpet shells), ốc hương Nhật bản (ivory snails), ốc trám (oliva)...
Tại Brunei, năm trẻ em đã chết sau khi ăn ốc trám (hay còn gọi là ốc ô liu); tại Đài Loan 17 nạn nhân ngộ độc (một người tử vong) sau khi ăn món xào chế biến từ loài ốc bùn ca tút Nassasius castus và ốc bùn hình nón N. conoides.
Ở nhóm này tùy thuộc từng loài ốc, bản chất độc tố có thể là saxitoxin (độc tố vi tảo tích lũy trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua rạn...) hoặc tetrodotoxin (giống độc tố trong cá nóc, mực đốm xanh hay con so...).
Độc tố trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc trám đã được xác định là saxitoxin (một loại độc tố thần kinh được coi là từ một số loài vi tảo giáp Alexandrium sản sinh).
Trong khi đó độc tố của ốc tù và Charronia sauliae, ốc hương Nhật Bản Babylonia japonica, ốc tù và gai miệng đỏ Tutufa lissostoma, ốc bùn (Niotha, Zeuxis), ốc ngọc (Natica và Polinices didyma) lại là tetrodotoxin.
Hai độc tố này đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp, do tính chất hóa học khá đặc biệt (bền nhiệt, bền pH...) nên không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao khi chế biến, do đó độc tố có thể tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến chín như xào, luộc, hấp..., thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.
Nguồn gốc của độc tố trong các loài ốc hiện nay chưa được biết rõ ràng (nội sinh hoặc ngoại sinh). Đặc biệt, không phải tất cả các cá thể trong cùng một loài đều chứa độc tố, và độc tính cũng rất khác biệt theo từng cá thể. Nguyên nhân của tính chất phức tạp này rất có thể độc tố của ốc cũng có nguồn gốc từ các vi sinh vật cộng sinh (giống như trường hợp độc tố của cá nóc).
Vấn đề này hiện đang trở thành một thách thức mới đối với các nhà nghiên cứu về độc tố biển, không chỉ ở VN mà cả thế giới.
Polinices didyma, loài ốc biển có tiền sử gây ngộ độc tại VN và một số nước khác - Ảnh tư liệu: Bùi Quang Nghị cung cấp |
Tubo chysostomus, loài ốc biển có tiền sử gây ngộ độc tại VN và một số nước khác - Ảnh tư liệu: Bùi Quang Nghị cung cấp |
Chết nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời
Thông thường sau khi ăn phải thực phẩm biển có chứa độc tố tetrodotoxin hay saxitoxin, triệu chứng ngộ độc xảy ra trong vòng 20 phút đến ba giờ.
Nạn nhân thường có cảm giác tê rần, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đôi lúc có kèm đau đầu, đau bụng, đau chân tay, mất thăng bằng vận động (đi đứng loạng choạng), nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, sùi bọt mép, hôn mê, hô hấp ngưng trệ do bị tê liệt... Nạn nhân có thể chết do liệt cơ hô hấp trong vòng từ 30 phút cho đến tám giờ sau khi ăn nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hiện nay không có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố tetrodotoxin và saxitoxin.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, biện pháp chữa trị hữu hiệu nên áp dụng đối với các ca ngộ độc này là lập tức kích thích phản ứng nôn cho nạn nhân (nôn càng nhiều càng tốt), súc rửa dạ dày bằng than hoạt tính nhằm thải loại bớt chất độc ăn phải.
Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở, thực hiện biện pháp hô hấp nhân tạo, cho thở máy nhằm tránh thiếu oxy máu.
Ngoài ra, truyền dịch là giải pháp hỗ trợ giúp nạn nhân tăng cường sức chống chịu của cơ thể, vượt qua thời điểm nguy kịch.
Để tránh thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng con người, trước hết cần hết sức thận trọng khi tiếp xúc, tránh tò mò cầm nắm, đụng chạm vào những loài ốc lạ, màu sắc sặc sỡ để không bị chích vào tay hoặc bất kỳ bộ phận nào của cơ thể.
Và tuyệt đối không nên ăn những loài ốc có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa được kiểm chứng chắc chắn an toàn thực phẩm.
Mặt khác, sau khi ăn bất cứ loài ốc biển nào mà bạn cảm thấy có bất kỳ biểu hiện nào của một trong những triệu chứng như đã mô tả ở trên thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh xảy ra những cái chết đau lòng.
“Thủ phạm” là ốc bùn bóng
Chiều 7-1, thông tin từ Viện Hải dương học cho biết qua phân loại, giám định mẩu ốc biển mà ba ngư dân ở Thanh Hóa ăn dẫn đến tử vong (do Bộ Y tế chuyển vào), viện này kết luận ốc có tên khoa học là Nassarius (Alectrion) glans glans (Linnaeus, 1758). Tên địa phương là ốc bùn bóng. Đây là một trong những loài ốc biển có tiền sử gây ngộ độc thực phẩm tại VN từ trước đến nay, gần nhất là vụ ngộ độc làm chết nạn nhân Lê Văn Dít tại Khánh Hòa. Sáng 7-1 ông Lê Hữu Uyển - trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa - cho biết ngày 6-1 Trung tâm Y tế huyện Tĩnh Gia và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm hỏi gia đình ba nạn nhân ăn ốc lạ dẫn đến tử vong vào ngày 5-1. Các cơ quan này đã thu giữ số ốc lạ mà tàu của ông Trần Văn Thức (một trong ba nạn nhân đã chết) đánh bắt được ở vùng biển Hà Tĩnh, đồng thời lấy mẫu ốc này gửi ra Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để xét nghiệm, xác định độc tính trong ốc tìm nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thương tâm nói trên. Ông Lê Hữu Uyển cảnh báo ngư dân tuyệt đối không sử dụng, chế biến thực phẩm, thức ăn từ các loài thủy sản độc, không rõ nguồn gốc như: ốc biển lạ, bạch tuộc đốm xanh, mực ma, cá nóc... |
Một số vụ ngộ độc ốc biển gần đây * Ngày 15-12-2014: anh Nguyễn Văn Quý, ngụ xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), đi cào ven biển bắt được 14 con ốc bùn răng cưa, đem về nhà luộc cho cả nhà cùng ăn. Khoảng 30 phút sau ăn, cha vợ, vợ, con gái và một người thân khác của anh Quý đều có biểu hiện nôn ói, tay chân co giật, tê lưỡi. Cả bốn nạn nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu nhưng cháu Nguyễn Thị Ánh Liên (sinh năm 2008, con gái anh Quý) tử vong, ba nạn nhân khác phải chữa trị nhiều ngày mới khỏi. * Ngày 23-11-2014: ông Lê Hải, ngụ xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên), bắt được một số ốc biển và luộc ăn cùng hai con là Lê Cẩm Hiếu (sinh năm 2007) và Lê Trung Hiên (sinh năm 2000). Khoảng ba giờ sau đó hai cháu Hiếu, Hiên bị sốt cao, nóng lạnh, co giật phải đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu. Sau đó cháu Hiếu nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu và tử vong vào sáng 24-11-2014, còn cháu Hiên phải cấp cứu nhiều ngày mới thoát chết. * Ngày 26-10-2014: anh Lê Văn Dít (sinh năm 1988) ngụ xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bắt ốc biển đem về nhà luộc ăn. Người nhà cho hay chỉ vài phút sau anh Dít bị tê lưỡi, có dấu hiệu liệt tay chân nên được đưa đến cơ sở y tế ở địa phương cấp cứu rồi nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng vài ngày sau nạn nhân tử vong. Theo BS Phạm Đình Chi, trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, anh Dít đã ăn phải ốc bùn bóng có chứa độc tố tetrodotoxin, là độc tố thần kinh - cơ cực mạnh, gây ức chế dẫn truyền thần kinh, gây liệt cơ hô hấp... * Ngày 11-6-2013: ông Nguyễn Ngọc Toàn ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) ăn vài con ốc biển lạ. 20 phút sau đó ông Toàn ói mửa, tê môi và tay chân, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. May mắn là sau nhiều ngày thở máy và được điều trị tích cực, ông Toàn đã được cứu sống. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận