08/05/2023 17:25 GMT+7

Nguy cơ mua bán người qua xuất khẩu lao động, cho con nuôi là có thật

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đặt câu hỏi về nguy cơ mua bán người qua việc kết hôn với người nước ngoài, cho con nuôi, đưa lao động đi nước ngoài...

Nguy cơ mua bán người qua xuất khẩu lao động, cho con nuôi là có thật - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thủy - Ảnh: GIA HÂN

Tiềm ẩn nguy cơ mua bán người qua việc đưa lao động đi nước ngoài

Tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp liên quan việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đặt câu hỏi về việc có hay không việc lợi dụng đi lao động ở nước ngoài rồi trốn ở lại.

Trao đổi lại sau đó, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định có tiềm ẩn vấn đề mua bán người thông qua đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

"Thời gian qua đã có rất nhiều việc như thế", ông Dũng nói.

Ông thông tin thêm có trên 500.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản là 250.000 người, Đài Loan khoảng 230.000 người, Hàn Quốc khoảng 40.000 người.

Số người ở lại (bất hợp pháp) khoảng 46.000 người, trong đó, tập trung chủ yếu các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Về giải pháp đối với vấn đề này, ông Dũng cho rằng, cần phải nâng cao công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức đối với người đi lao động ở nước ngoài, trong đó có phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, hệ thống pháp luật thể hiện rõ về quan hệ lao động, quy định liên quan người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cũng rất cụ thể và hàng loạt văn bản hướng dẫn chi tiết được ban hành.

Hiện bộ đang rà soát và sắp tới doanh nghiệp nào không đủ tiêu chí, điều kiện thì cương quyết rút giấy phép, “không thể để thiếu tiêu chí này, tiêu chí nọ hoặc bị nhắc nhở nhiều lần”.

Cùng với đó tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời.

Nguy cơ mua bán người qua xuất khẩu lao động, cho con nuôi là có thật - Ảnh 3.

Ông Lê Tấn Dũng - Ảnh: GIA HÂN

Kết hôn với người nước ngoài, nuôi con nuôi còn dễ dãi

Đại biểu Dương Khắc Mai, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, cho rằng pháp luật hiện còn khá dễ dãi với việc kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng như nuôi con nuôi và kiểm soát vấn đề này chưa chặt chẽ.

Ông mong Bộ Tư pháp với trách nhiệm của mình sẽ có kiến nghị đề xuất sửa luật, có quy định chặt chẽ hơn.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Thủy cũng đặt câu hỏi có hay không nguy cơ mua bán người qua việc kết hôn với người nước ngoài, nhận con nuôi?

Nguy cơ mua bán người qua xuất khẩu lao động, cho con nuôi là có thật - Ảnh 4.

Ông Mai Lương Khôi (người đứng) - Ảnh: GIA HÂN

Giải đáp nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh luôn xác định trong việc kết hôn có yếu tố nước ngoài có nguy cơ tiềm ẩn mua bán người.

"Quyền kết hôn là quyền dân sự, được Hiến pháp, pháp luật công nhận. Do đó, các giải pháp không nhằm mục đích hạn chế việc kết hôn với người nước ngoài, mà cần nâng cao quản lý quan hệ hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài. Phát hiện loại bỏ những kết hôn không lành mạnh, không vì mục đích xây dựng gia đình...", ông Khôi nói.

Ông nhấn mạnh rằng hiện các hồ sơ thực hiện là rất chặt chẽ, rõ thẩm quyền, sơ hở nếu có là ở khâu tổ chức thực hiện và phối hợp phòng, chống, trong đó cái khó là hợp tác xuyên quốc gia.

Đề cập giải pháp, ông cho rằng, phải tập trung tuyên truyền để nâng cao kiến thức pháp luật về hôn nhân với người nước ngoài, xúc tiến tương trợ tư pháp, bảo hộ công dân.

Đối với vấn đề nuôi con nuôi, ông Khôi chỉ rõ, các quy định về nuôi con nuôi của chúng ta đầy đủ, còn vấn đề chính là thực thi.

Do đó, bộ đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo việc nuôi con nuôi, tránh vi phạm pháp luật và nguy cơ mua bán người. Đặc biệt, phải có sự phối hợp theo dõi kiểm tra tình hình sau khi thực hiện việc cho nhận con nuôi để phát hiện; phòng, chống hành vi mua bán trẻ em.

Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa thông tin, nhiều địa phương phản ánh việc quản lý kết hôn với người nước ngoài, nuôi con nuôi để phòng ngừa mua bán người còn bất cập.

Trong đó, trước đây có tư vấn hỗ trợ kết hôn nhưng từ năm 2015 đến nay không còn quy định này. Hiện cả nước có 5 trung tâm thực hiện khi có yêu cầu. Bà cho rằng nếu bỏ giai đoạn qua trung tâm cũng phần nào ảnh hưởng công tác phòng ngừa mua bán người. Do đó cần cân nhắc tham mưu chính sách.

Ngoài ra, địa phương phản ánh quản lý nuôi con nuôi để phòng ngừa mua, bán người còn bất cập. Ví dụ địa phương không được thông báo sau khi thực hiện nhận con nuôi nên không biết trẻ được nhận nuôi tình hình thế nào.

Hay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, không có quy định cụ thể trường hợp khi cha mẹ đẻ không còn khả năng nuôi dưỡng, giáo dục thì cho con ra sao dẫn đến dễ bị lợi dụng cho con, tiềm ẩn nguy cơ mua, bán người. Đây là vấn đề cần được nêu để nghiên cứu.

Nạn nhân mua bán người là nam giới tăng, thêm thủ đoạn vô nhân đạoNạn nhân mua bán người là nam giới tăng, thêm thủ đoạn vô nhân đạo

Sáng 8-5, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp