Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết cơ bản đã kiểm soát được dịch tại các địa bàn trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số tỉnh thành khác. Tuy nhiên sau nới lỏng giãn cách, lượng người từ vùng dịch về các địa phương khác nhiều, đã xuất hiện một số ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ các vùng có dịch.
Cụ thể một số địa phương như Nam Định, Thanh Hóa, Phú Thọ, một số tỉnh thành khu vực Tây Nam Bộ ghi nhận ca bệnh liên quan đến các vùng có dịch.
"Chúng tôi bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới, do đó các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị.
Ông Long cũng nêu yêu cầu các địa phương phải rà soát, kiểm soát người về từ TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai để phát hiện kịp thời, triển khai giám sát, cách ly và các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Người đủ điều kiện theo dõi, cách ly tại nhà nhưng tổ COVID-19 cộng đồng tại địa phương phải giám sát.
Bộ Y tế cho biết sau 10 ngày thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, các địa phương cơ bản đáp ứng theo tinh thần thực tế của tỉnh thành mình.
"Tuy nhiên vẫn còn một vài nơi áp dụng cứng nhắc", Bộ Y tế nhận xét.
Thực tế theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, những ngày đầu áp dụng nghị quyết 128 và hướng dẫn 4800, các địa phương như Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định... có quy định khá cứng, các địa phương cũng đã chỉnh sửa dần để thuận tiện hơn cho người dân đi lại, làm ăn, thăm thân...
"Trong quá trình thực hiện nghị quyết 128 và hướng dẫn 4800, nếu địa phương có vấn đề phát sinh thì liên hệ ngay Bộ Y tế để đạt mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả COVID-19. Quan trọng nhất là kiểm soát tình hình dịch, tránh xảy ra đợt dịch tiếp theo", Bộ Y tế đề nghị.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương khi xét nghiệm lưu ý thực hiện gộp mẫu để giảm chi phí xét nghiệm, kể cả xét nghiệm PCR có thể gộp đến 20 mẫu.
Tại các bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu chỉ xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng, nếu có bảo hiểm y tế thì bảo hiểm y tế thanh toán, không tham gia bảo hiểm y tế thì ngân sách nhà nước chi trả, không được thu tiền xét nghiệm của người bệnh.
Việc phong tỏa chỉ được thực hiện trong phạm vi hẹp nhất, chỉ vài nhà trong một ngõ hay một vùng nhỏ trong một xã, phường để dập dịch và tránh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và lãng phí nguồn lực chống dịch.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, việc xét nghiệm gộp mẫu đã thực hiện trong đợt dịch tại Đà Nẵng tháng 7-2020 hoặc tháng 5-2021 tại Bắc Giang, hay Hà Nội từng khoanh vùng diện hẹp trong suốt năm 2020, nhưng sau này khoanh vùng, cách ly diện rộng, nhiều địa phương xét nghiệm mẫu đơn số lượng lớn khiến chi phí cho xét nghiệm tăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận