Thủ tướng Israel Netanyahu và bài thuyết trình rất công phu tố Iran phát triển vũ khí ngày 30-4
- Ảnh: AFP
Dư luận vẫn kỳ vọng về tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp có rất nhiều nụ cười và cái bắt tay siết chặt vừa qua tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, dẫu thừa hiểu để đạt được một kết quả thực tế, chặng đường trước mắt còn quá xa xôi.
Nhưng dù thế, đó vẫn là nền tảng cụ thể để khởi lên những hi vọng. Nó vẫn tốt hơn nhiều nếu so với những tín hiệu bất ổn về hạt nhân tại các khu vực khác cùng thời điểm này.
Hồi hộp với JCPOA
Ngày 12-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố quyết định của ông về số phận của thỏa thuận hạt nhân từng đạt được giữa nhóm P5+1 với Iran năm 2015 (JCPOA). Ngay lập tức, tuần này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có một buổi thuyết trình mà ông gọi là tố cáo Iran nói dối về tham vọng hạt nhân của họ.
Đúng như nhiều chuyên gia nhận định, nội dung buổi thuyết trình này của ông Netanyahu không có gì mới, nó thực chất được "thiết kế" theo ý đồ của thủ tướng Israel chỉ nhằm tăng thêm thuyết phục với ông Trump trong việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Có một thực tế rất rõ là những quan điểm bài bác JCPOA đều "nói vống" lên các mục tiêu của nó để "dè bỉu" những thành tựu đã đạt được. Một trong những người đó là ông John Bolton, tân cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump. Ông Bolton phàn nàn là JCPOA đã không ngăn được chuyện Iran phát triển tên lửa đạn đạo và bắt nạt các nước láng giềng.
Nhưng sự thực thì cả hai vấn đề đó đều không nằm trong mục đích của JCPOA. Mục tiêu chính của thỏa thuận này là trong ít nhất 10 năm sẽ chặn đứng lộ trình phát triển bom hạt nhân của Iran và những ý đồ phát triển vũ khí này trong tương lai của họ sẽ bị phát hiện sớm hơn.
Tạp chí Economist cho rằng bất kể ý tứ của ông Netanyahu là gì thì rõ ràng cho tới nay Iran vẫn đang tuân thủ đúng cam kết của họ, trong khi chưa nhận về bao nhiêu các cam kết lợi ích tài chính họ từng được hứa hẹn.
"Cái giá" của mất lòng tin
Việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran chắc chắn sẽ đối mặt với một "cái giá" rất đắt. Trước hết Iran sẽ được tự do tăng tốc quá trình làm giàu uranium và một lần nữa quay trở lại với các dự án phát triển vũ khí.
Khi thỏa thuận hạt nhân với Iran thất bại, "bức tường thành" vững chắc nhất để ngăn ngừa các nước phát triển bom hạt nhân là Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) chắc chắn sẽ lung lay.
Những nước khác như Saudi Arabia và Ai Cập cũng có thể phản ứng bằng cách khởi động lại những kế hoạch trở thành cường quốc hạt nhân của họ. Và đương nhiên, trong tình huống đó, thật khó để ông Trump thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong Un rằng hãy tin tưởng vào nước Mỹ.
Cùng với đó, quan hệ căng thẳng, mất lòng tin giữa hai cường quốc hạt nhân là Mỹ và Nga đang đe dọa khả năng có thể tiếp tục gia hạn của Hiệp định mới về cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) với cam kết giới hạn số lượng đầu đạn chiến lược của mỗi bên là 1.550.
New START sẽ hết hạn vào năm 2021 trừ khi hai nước đồng thuận gia hạn. Tuy nhiên, với những tuyên bố của ông Trump gần đây nói rằng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ "trở lại vị thế dẫn đầu", lớn hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, rõ ràng nó đang đi ngược lại với ý đồ cốt lõi của thỏa thuận khi kiềm chế cuộc đua bằng nỗ lực tìm kiếm một định nghĩa chung về sự ngang bằng của New START.
Giữa những "xôn xao" đó cũng xuất hiện trở lại các quan điểm chỉ trích Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (INF). Từng đạt được năm 1987 giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, thỏa thuận này hủy bỏ 2.700 tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500-5.500km.
Tuy nhiên, hiện cả hai bên đều đang tố nhau vi phạm INF. Ông Bolton và một số người khác nói rằng chỉ nên tiếp tục duy trì hiệp ước này nếu có thêm các nước như Trung Quốc tham gia, một chuyện ai cũng hiểu sẽ không xảy ra.
Một viễn cảnh bi kịch?
Rõ ràng khi thiếu niềm tin với nhau, mọi thỏa thuận đều trở nên vô nghĩa. Và khi các thỏa thuận không được tôn trọng, bất cứ quốc gia nào cũng sẽ tìm cách nâng cao năng lực tự vệ ở mức cao nhất có thể. Ở một viễn cảnh bi kịch trong tương lai, nếu cuộc đua hạt nhân không thể kiểm soát, khi mọi xung đột đều có thể bùng phát thành một cuộc chiến tranh hạt nhân, hậu quả thật ngoài sức tưởng tượng. Với nhân loại, đã hơn 70 năm trôi qua nhưng nỗi đau Hiroshima và Nagasaki vẫn còn như mới hôm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận