18/02/2016 12:01 GMT+7

Ngượng chín mặt vì lì xì

MINH HUYỀN
MINH HUYỀN

TTO - “Ôi giồi, lì xì có mỗi 20k, ít hơn chú X tận 480k”, một cậu bé lớp 2 mở ngay bao lì xì ra trước mặt khách đến chúc tết và thốt lên.

Lì xì đầu năm làm nhiều người dở khóc dở cười. Ảnh: Minh Huyền
Lì xì đầu năm làm nhiều người dở khóc dở cười - Ảnh: Minh Huyền

Chị L. (ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) điếng người khi nghe đứa bé thốt lên câu nói đó trước mặt bao nhiêu người. Suốt mùa tết, bao câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh phong bao đỏ.

Cô bé Kin đang học lớp 4. Mẹ mua cho Kin cái túi xách nhỏ để đựng bao lì xì. Mỗi lần ai lì xì, Kin lại cất đi. Một lúc sau Kin ra góc nhà, tháo bao lì xì lấy tiền rồi nhập vào xấp tiền đã được lì xì từ trước. Miệng lẩm nhẩm đếm.

Thỉnh thoảng, Kin lại thủ thỉ với mẹ: “Con được tám trăm rồi đấy!”, mẹ Kin ngượng ngùng vì khách đến nhà nghe được, đành cười trừ rồi đẩy con gái ra chỗ khác.

Năm ngoái, chị L. chia ra các cháu trong họ hàng lì xì 100.000 đồng, khách đến nhà thì trẻ con được lì xì 20.000. Trong một lần đi chúc tết, chồng chị L. đưa nhầm bao lì xì 20.000 cho một đứa cháu ruột 8 tuổi mà không biết gì.

Năm nay, khi ngồi ăn cơm tân niên với gia đình, cháu bé tự đặt ra lịch trình chúc tết cho ba mẹ. Nhà chị L. là điểm đến cuối cùng sau bao nhiêu bạn bè, đồng nghiệp của ba mẹ. Trong khi chị L. và mẹ của cháu bé là hai chị em trong nhà. Khi hỏi lý do vì sao, câu trả lời của cháu làm cả gia đình sững sờ.

“Vì năm ngoái bác L. lì xì mỗi 20.000, ít xịt nên đến cuối cùng. Mấy cô chú ở công ty bố toàn lì xì mấy trăm. Tôi nghe xong câu đó mới chợt giật mình đưa nhầm bao lì xì năm ngoái. Vậy mà năm nay cháu vẫn còn nhớ và nói ra được câu nói này. Tôi vừa đau vừa ngại. Cháu còn bé mà đã biết dùng tiền để phân chia tầng lớp và thứ bậc tình cảm trong xã hội”, chị L. bức xúc.

“Nhiều người xem lì xì trẻ em như làm kinh tế. Nhiều lúc vì mối quan hệ xã hội của cha mẹ mà lì xì các con những năm trăm, một triệu đồng, thậm chí ngoại tệ. Trong khi các cháu còn quá bé, dễ bị ảnh hưởng và không có chính kiến khi đứng trước đồng tiền. Điều này làm mất đi ý nghĩa của những bao lì xì may mắn đầu năm”, ông Lý Công Anh (56 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) cho biết.

Cũng câu chuyện về phong bao đỏ mà nhà chị H. (33 tuổi, ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) năm nay cũng căng thẳng. Cụ bà 78 tuổi từ Nam Định lên Hà Nội ăn tết. Mùng 1 tết, cụ lì xì các cháu 5.000 đồng. Cháu trai 9 tuổi nhận xong vứt ngay xuống bàn, cháu gái 6 tuổi bảo “cụ ki bo quá, mừng tuổi toàn tiền lẻ, chẳng mua được gì”.

Chị H. cho biết cả ngày bà cụ cứ lâu lâu mắt lại rơm rớm. Tối mùng 2, cụ đòi về lại quê. “Tôi giận quá mắng hai đứa một trận. Cả tết cứ nghĩ đến cụ lại thấy đau lòng, giận các con, giận cả bản thân không dạy dỗ chúng sớm”.

Cô Hoàng Cúc Hà (35 tuổi, giáo viên mầm non tư thục) chia sẻ: “Các con còn quá nhỏ để hiểu về giá trị đồng tiền. Các con chỉ biết về đồng tiền qua những vật chất mà các con mua được, sở hữu được chứ chưa biết về nguồn gốc và giá trị thực.

Tôi nghĩ ngay từ bé, để ứng xử trong văn hóa nhận tiền lì xì, phụ huynh nên dạy các con biết nói lời cảm ơn, không nên mở ra khi ở ngoài đường hay khi có khách đến chúc tết, không đếm tiền trước mặt người lớn và không được dùng đồng tiền để đánh giá bất kỳ điều gì. Lì xì nên là một nét văn hóa may mắn, vui vẻ đầu năm đúng với ý nghĩa ban đầu”.

MINH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp